23:45, 19/02/2024

Lan tỏa phong trào nói tiếng Anh

H.NGÂN

Vừa qua, 2 học sinh là Nguyễn Như Thạc và Lê Thị Khánh Ly (lớp 10 Trường THPT Trần Bình Trọng, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã nghiên cứu và thực hiện giải pháp nhằm góp phần đưa chương trình Người dân Khánh Hòa nói tiếng Anh đạt hiệu quả tại các trường THPT trên địa bàn huyện. Đây là 1 trong 6 dự án đạt giải nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2023 - 2024.

Chương trình Người dân Khánh Hòa nói tiếng Anh do UBND tỉnh chủ trì, được khởi động từ tháng 1-2023, với mục tiêu giúp người dân địa phương có thể giao tiếp tiếng Anh cơ bản, thúc đẩy phong trào nói tiếng Anh đi vào cuộc sống và phục vụ cho sự phát triển chung của tỉnh. TP. Nha Trang và huyện Cam Lâm là 2 địa phương đầu tiên triển khai chương trình này. Qua khảo sát, 2 em Nguyễn Như Thạc và Lê Thị Khánh Ly nhận thấy, chương trình chưa được phổ biến rộng rãi và chưa có nhiều hoạt động lôi cuốn đối với học sinh THPT. Vì vậy, khi thực hiện Dự án “Giải pháp nhằm góp phần đưa chương trình Người dân Khánh Hòa nói tiếng Anh đạt hiệu quả tại các trường THPT trên địa bàn huyện Cam Lâm”, nhóm đã đề xuất với giáo viên hướng dẫn phối hợp với Tổ tiếng Anh của trường để thành lập Ban hỗ trợ Learn English with teacher (học tiếng Anh với giáo viên) và Câu lạc bộ (CLB) Nói tiếng Anh trong nhà trường. Với sự hỗ trợ của các thầy cô, nhóm đã tổ chức thành công 2 buổi sinh hoạt CLB Nói tiếng Anh; 3 sân chơi tiếng Anh: Rung chuông vàng, game show EL, đoán ý đồng đội; 8 buổi sinh hoạt lớp giúp bạn nói tiếng Anh 10 phút mỗi tuần.

Hai em học sinh thực hiện dự án cùng cô giáo hướng dẫn tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học.
Hai em Ly (bìa trái) và Thạc cùng cô giáo hướng dẫn tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học.

Em Nguyễn Như Thạc cho biết, mỗi buổi sinh hoạt CLB Nói tiếng Anh kéo dài khoảng 90 phút, theo từng chủ đề. Trong buổi sinh hoạt chủ đề về money (tiền), nhóm tổ chức với hình thức nghe nhạc và điền từ còn thiếu vào chỗ trống; xem hình ảnh, đoạn phim ngắn và xác định các loại tiền tệ ở các quốc gia; chơi trò mua bán hàng; thảo luận nhóm để đưa ra các quan điểm, nhận định, phản biện về một vấn đề. Ở buổi sinh hoạt chủ đề hobbies (sở thích), nhóm tổ chức các trò chơi như: Nhìn hình đoán tên và sở thích, truyền tin, phỏng vấn… Các buổi sinh hoạt, cuộc thi tiếng Anh được học sinh hưởng ứng rất sôi nổi, có cả những người bạn nước ngoài tham gia giao lưu.

Bên cạnh đó, nhóm còn thiết kế cẩm nang tiếng Anh “English handbook” với 3 phần: Mách bạn bí quyết phát triển kỹ năng giao tiếp; những mẩu chuyện tiếng Anh song ngữ tuổi teen; 30 phút tiếng Anh mỗi ngày và nhận được phản hồi tốt từ các lớp. Ngoài ra, thông qua nhiều kênh khác nhau, nhóm đã phổ biến rộng rãi app “EZ English” thuộc Chương trình Người dân Khánh Hòa nói tiếng Anh cho học sinh toàn trường. Em Lê Thị Khánh Ly cho biết, sau thời gian triển khai các hoạt động, nhóm đã tiến hành khảo sát và nhận thấy mức độ quan tâm tìm hiểu dự án của các bạn học sinh tăng lên. Tất cả những giải pháp này đều có thể thực hiện được ở phạm vi trường học khi có kế hoạch cụ thể và sự phối hợp chặt chẽ với ban giám hiệu nhà trường, tổ tiếng Anh, đoàn trường và các tổ chức liên quan. 

Cô NGUYỄN THỊ THANH MẾN (Trường THPT Trần Bình Trọng), giáo viên hướng dẫn thực hiện dự án cho biết: Cả 2 học sinh đều rất năng nổ, nhiệt tình với các hoạt động, có nhiều ý tưởng sáng tạo. Trong đó, em Nguyễn Như Thạc là thủ khoa đầu vào môn tiếng Anh trong kỳ thi tuyển sinh vào trường với 9,75 điểm. Với những hoạt động thiết thực, dự án đã được Ban Quản lý Chương trình Người dân Khánh Hòa nói tiếng Anh quan tâm và hỗ trợ tích cực. Để những giải pháp của 2 em đạt hiệu quả hơn nữa, cần có sự phối hợp chặt chẽ, liên hệ thường xuyên với Ban Quản lý chương trình; tăng số buổi sinh hoạt CLB Nói tiếng Anh trong trường; mở rộng phạm vi và đối tượng nghiên cứu, thực nghiệm các giải pháp để nhân rộng tính hiệu quả của đề tài với học sinh cấp THCS trên địa bàn huyện và các địa phương khác…

H.NGÂN