20:17, 13/11/2023

Đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý học đường

H.NGÂN

Nhằm phòng ngừa, phát hiện và kịp thời hỗ trợ cho học sinh khi gặp phải những vấn đề về tâm lý, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã quan tâm, đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý học đường, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường. 

Mở nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng cho giáo viên

Những năm qua, ngành Giáo dục tỉnh đã mở nhiều lớp bồi dưỡng năng lực tư vấn tâm lý và cấp chứng chỉ cho gần 230 cán bộ quản lý, giáo viên từ tiểu học đến THPT; đồng thời tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục tỉnh tổ chức. Một số trường đã triển khai các hoạt động tư vấn sức khỏe sinh sản vị thành niên, giáo dục kỹ năng sống; phòng, chống bạo lực học đường và xâm hại trẻ em; tư vấn mùa thi… với hình thức đa dạng, như: Tổ chức hoạt động ngoại khóa; mời báo cáo viên nói chuyện chuyên đề; tổ chức diễn đàn, lồng ghép vào tiết sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp; hoạt động trải nghiệm; thiết lập kênh thông tin tương tác với học sinh…

Buổi sinh hoạt chuyên đề giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tại Trường THPT Dân lập Lê Thánh Tôn.
Buổi sinh hoạt chuyên đề giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tại Trường THPT Dân lập Lê Thánh Tôn.

Cô Nguyễn Thị Vân - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lê Thánh Tôn (TP. Nha Trang) cho biết, nhà trường đã thành lập Ban tư vấn tâm lý học đường do Hiệu trưởng làm Trưởng ban, ngoài ra còn có các phó trưởng ban chuyên trách và hơn 10 giáo viên có kinh nghiệm tham gia thực hiện công tác này. Việc tư vấn tâm lý cho học sinh được trường thực hiện thông qua 3 hình thức chính: Tư vấn toàn thể, tư vấn nhóm và tư vấn cá nhân. Đối với tư vấn toàn thể, trường tổ chức thông qua các tiết sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, đưa ra các chủ đề bám sát những sự kiện chính trị, văn hóa của địa phương và cả nước nhằm giáo dục các em tình yêu quê hương, đất nước, ý chí phấn đấu. Đối với tư vấn nhóm và cá nhân, đội ngũ tư vấn tập trung vào những học sinh có hành vi lệch chuẩn, có rối nhiễu về tâm lý. Thực tế, học sinh thường e ngại khi tìm đến thầy cô nên người làm công tác tư vấn phải kiên trì lắng nghe; có kiến thức về tâm, sinh lý; có kỹ năng phân tích, thuyết phục; có sự thấu cảm, yêu thương, chân thành, tôn trọng bí mật riêng tư của các em thì mới tạo cho các em niềm tin để chia sẻ, giãi bày, từ đó hướng các em đến những nhận thức và hành vi đúng đắn. Nhờ đó, trong những năm qua, công tác tư vấn tâm lý của nhà trường đã đạt được những kết quả tích cực; nhiều em đã vượt qua cú sốc tâm lý, một số em có ý định nghỉ học đã quay trở lại trường, tình trạng bạo lực học đường gần như không còn xảy ra.

Cần tăng cường hoạt động tư vấn

Theo ông Nguyễn Đức Sơn - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, học sinh thường gặp nhiều vấn đề tâm lý do áp lực học hành, thi cử, sự kỳ vọng của cha mẹ, mâu thuẫn với bạn bè, bất đồng với thầy cô, ảnh hưởng từ mạng xã hội, hay chỉ đơn giản là sự thay đổi tâm, sinh lý tuổi mới lớn dẫn đến những suy nghĩ, hành vi lệch lạc... Giáo dục gia đình và tác động của môi trường sống cũng ảnh hưởng đến lối sống, thái độ và cách ứng xử của học sinh. Tình trạng bạo lực học đường trên địa bàn tỉnh những năm gần đây tuy có giảm nhưng cá biệt vẫn xảy ra ở một vài cơ sở giáo dục… Từ thực trạng đó, công tác tư vấn tâm lý học đường càng cần được xem trọng. Tuy nhiên, khó khăn chung ở hầu hết các trường hiện nay là giáo viên vừa dạy học, vừa kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý học đường nên chưa thể bao quát hết tình hình của tất cả học sinh; nguồn lực để triển khai các hoạt động tư vấn còn hạn chế; một số phụ huynh học sinh chưa phối hợp tốt với nhà trường trong công tác này. Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường tăng cường công tác tư vấn tâm lý học đường, trong đó chú trọng việc gắn kết, phối hợp với gia đình và các tổ chức xã hội để nắm bắt tâm tư của học sinh, hỗ trợ kịp thời nhằm ngăn chặn, không để xảy ra những hiện tượng tiêu cực.

Học sinh Trường THPT Dân lập Lê Thánh Tôn tham gia hoạt động ngoại khóa.
Học sinh Trường THPT Dân lập Lê Thánh Tôn tham gia hoạt động ngoại khóa.

Thầy Hồ Thế Dũng - giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP. Cam Ranh), Ủy viên Ban Chấp hành Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục tỉnh cho rằng, tuy nhu cầu tư vấn của học sinh rất nhiều và đa dạng nhưng trường chưa có đội ngũ tư vấn viên chuyên nghiệp, đáp ứng được tất cả nhu cầu, chưa sắp xếp được lịch để thực hiện tư vấn cá nhân một cách thường xuyên, chủ yếu là lồng ghép vào các hoạt động theo hình thức tư vấn nhóm. Các hoạt động tư vấn nhìn chung còn tự phát, chưa có một mô hình phù hợp và còn chồng chéo với các hoạt động của công tác xã hội trường học. Do đó, nhiều học sinh có khúc mắc về tâm lý thường tự chia sẻ với nhau, ít tìm đến các thầy cô. Thầy Dũng cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có những đề tài nghiên cứu về vấn đề này, đưa ra nhiều mô hình phù hợp cho các trường tham khảo. Đồng thời, tổ chức đào tạo đội ngũ tư vấn viên một cách có chiều sâu để nâng cao hiệu quả của công tác tư vấn.  

H.NGÂN