11:12, 29/12/2022

Đảm bảo an toàn bữa ăn bán trú

Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa vừa tổ chức các đoàn kiểm tra công tác bán trú tại một số trường mầm non, tiểu học trên địa bàn TP. Nha Trang, thị xã Ninh Hòa, các huyện Diên Khánh, Vạn Ninh, Cam Lâm. Đoàn đánh giá, các đơn vị cơ bản thực hiện tốt quy định về công tác bán trú, đồng thời chỉ ra một số vấn đề tồn tại và yêu cầu khắc phục.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Khánh Hòa vừa tổ chức các đoàn kiểm tra công tác bán trú tại một số trường mầm non, tiểu học trên địa bàn TP. Nha Trang, thị xã Ninh Hòa, các huyện Diên Khánh, Vạn Ninh, Cam Lâm. Đoàn đánh giá, các đơn vị cơ bản thực hiện tốt quy định về công tác bán trú, đồng thời chỉ ra một số vấn đề tồn tại và yêu cầu khắc phục.


Cơ bản thực hiện đúng quy định


Ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, ngoài việc kiểm tra hồ sơ minh chứng, kiểm tra thực tế bếp ăn của các trường, làm việc với các phòng GD-ĐT, các đoàn kiểm tra còn làm việc với một số giáo viên, học sinh để thu thập thông tin. Nhìn chung, các trường đã rà soát, mua sắm bổ sung cơ sở vật chất phục vụ bán trú vào mỗi đầu năm học. Hầu hết bếp ăn được trang bị đầy đủ trang thiết bị, thực hiện theo quy trình bếp một chiều, hệ thống chiếu sáng đảm bảo, sử dụng nguồn nước máy, thùng rác có nắp đậy và xử lý rác thải theo ngày, dụng cụ chế biến thực phẩm đảm bảo vệ sinh… Các trường cũng thực hiện đúng quy trình tổ chức bán trú theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT, có đầy đủ hồ sơ, sổ sách theo quy định như: Sổ theo dõi trẻ ăn bán trú hàng ngày; sổ tổng hợp trẻ ăn bán trú; sổ tổng hợp thu tiền ăn bán trú; sổ thực đơn; sổ kho quỹ, tổng hợp thu chi bán trú hàng ngày; sổ xuất nhập kho; sổ thiết lập dưỡng chất, hồ sơ kiểm thực 3 bước (trước khi chế biến, trong quá trình chế biến, trước khi ăn)... Các trường cũng hợp đồng đủ nhân viên nấu ăn theo nhu cầu, thực hiện chi trả phụ cấp, đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho nhân viên nấu ăn.

 

Các bé Trường Mầm non Phước Hòa (Nha Trang) ăn bán trú.

Các bé Trường Mầm non Phước Hòa (Nha Trang) ăn bán trú.


Bên cạnh đó, các trường đã thực hiện ký kết hợp đồng mua bán thực phẩm với đơn vị cung ứng cụ thể, rõ ràng, có thỏa thuận và chữ ký của hai bên, lưu hồ sơ đầy đủ. Hầu hết các trường xây dựng thực đơn theo mùa, thực phẩm đa dạng; sử dụng phần mềm để tính khẩu phần ăn cho trẻ; thực hiện công khai tài chính, công khai thực đơn với cha mẹ trẻ hàng tuần, hàng ngày trên bảng tin. Đa số các trường được kiểm tra có nhân viên y tế học đường, thực hiện tốt công tác y tế trường học; hồ sơ, dụng cụ, thiết bị sơ cấp cứu, tủ thuốc tại phòng y tế đảm bảo; lưu mẫu thức ăn và công tác kiểm thực được giám sát chặt chẽ; thực hiện việc khám, theo dõi sức khỏe cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên phục vụ bán trú…


Yêu cầu khắc phục những tồn tại


Kiểm tra tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú thị xã Ninh Hòa, đoàn kiểm tra nhận thấy, trường xây dựng thực đơn theo tháng, song thực đơn chưa có sự thay đổi để phù hợp với nguồn thực phẩm theo mùa, chưa tận dụng nguồn thực phẩm sẵn có tại địa phương nhằm đảm bảo, cân đối tỷ lệ giữa các chất dinh dưỡng và năng lượng cho học sinh. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu Phòng GD-ĐT thị xã Ninh Hòa phối hợp với cơ quan y tế tăng cường hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện công tác tổ chức bán trú cho nhà trường.


Tại Trường Tiểu học Ninh Hiệp 1 (Ninh Hòa), nhà bếp thiếu bảng biểu chỉ dẫn khu nhập thực phẩm, khu sơ chế, khu chế biến, khu nấu ăn; một số bảng hướng dẫn bị mờ, khu nhập thực phẩm và khu sơ chế thức ăn sắp xếp chưa gọn gàng... Tại Trường Tiểu học Phước Hòa 1 và Tiểu học Vĩnh Hải 1 (Nha Trang), khu rửa chén, khay ăn của học sinh sau khi ăn còn đọng nước. Tại Trường Mầm non Phước Hòa (Nha Trang), diện tích bếp nhỏ, giữa khu vực làm sạch, sơ chế thực phẩm và khu vực chế biến chưa có vách lưới ngăn cách nên tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn chéo. Đoàn kiểm tra đã đề nghị các trường khắc phục những tồn tại được chỉ ra.


Ngoài các trường có bếp ăn bán trú tổ chức nấu ăn tại trường, có một số trường hợp đồng với doanh nghiệp cung ứng suất ăn nấu sẵn từ bên ngoài. Tuy nhiên, trong khoản tiền ăn bán trú mà học sinh đóng lại không xác định rõ tiền ăn thực chất là bao nhiêu, tiền chi cho dịch vụ bán trú và các chi phí khác như điện, chất đốt… “Trường nào hợp đồng cung cấp suất ăn cho học sinh phải đề nghị doanh nghiệp xây dựng dự toán thể hiện rõ chi phí dịch vụ của doanh nghiệp và chi phí tiền ăn thực tế được tính theo phần mềm dinh dưỡng. Đồng thời, kiểm soát tổng kinh phí chi cho dịch vụ của doanh nghiệp và trả tiền công cho nhân viên bảo mẫu bình quân trên 1 học sinh không được vượt quá mức thu theo quy định tại Nghị quyết số 12, ngày 23-9-2022 của HĐND tỉnh”, ông Võ Hoàn Hải cho biết.


Lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng yêu cầu, hàng năm, các phòng GD-ĐT phải duy trì ít nhất 2 lần tổ chức kiểm tra 100% các cơ sở giáo dục có tổ chức bán trú trên địa bàn theo phân cấp quản lý. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm và công tác y tế trường học cho nhân viên y tế, nhân viên nấu ăn. Nếu có những vấn đề phát sinh, bất cập trong quá trình triển khai các quy định về công tác tổ chức bán trú, các trường phải kịp thời phản ánh, đề xuất tới các cấp quản lý.


H.NGÂN