10:11, 28/11/2022

Tấm lòng của một người thầy

40 năm qua, thầy Trần Xuân Trí (giáo viên Toán, Trường THCS Võ Văn Ký, TP. Nha Trang) đã dành trọn tâm huyết với nghề, góp phần dìu dắt nhiều thế hệ học sinh (HS) trưởng thành. Học trò thường gọi thầy là bố, vì tình cảm thầy dành cho các em như của một người cha dành cho các con của mình.

40 năm qua, thầy Trần Xuân Trí (giáo viên Toán, Trường THCS Võ Văn Ký, TP. Nha Trang) đã dành trọn tâm huyết với nghề, góp phần dìu dắt nhiều thế hệ học sinh (HS) trưởng thành. Học trò thường gọi thầy là bố, vì tình cảm thầy dành cho các em như của một người cha dành cho các con của mình.


Trăn trở trong từng tiết dạy


Những năm đầu, thầy Trí công tác tại Trường Phổ thông cơ sở Diên Bình (huyện Diên Khánh), sau đó là Trường THCS Lương Thế Vinh, THCS Trần Nhật Duật (Nha Trang). Từ năm 2000 đến nay, thầy là giáo viên của Trường THCS Võ Văn Ký. Dù ở đơn vị nào, thầy cũng luôn hoàn thành tốt vai trò của mình, được HS tin yêu, đồng nghiệp ghi nhận. Với chất giọng trầm ấm, giảng giải từ tốn, nhẹ nhàng, thầy Trí đã biến những giờ học Toán với những con số vốn khô khan trở nên dễ hiểu, thú vị hơn hẳn.

 

Thầy Trí hướng dẫn học sinh làm bài.

Thầy Trí hướng dẫn học sinh làm bài.


Thầy Trí tâm sự, những năm đầu tốt nghiệp ra trường và đứng trên bục giảng, thầy đã nghĩ rằng nghề giáo là nghề khó. Vì vậy, thầy luôn trăn trở với 45 phút đứng lớp mỗi tiết phải làm sao truyền đạt hết những kiến thức cơ bản cho HS; làm sao nhìn vào mắt các em để biết các em hiểu bài; làm sao từng ngày giáo dục những em chưa ngoan trở thành HS ngoan. Không những vậy, thầy luôn tự nhắc mình phải luôn trau dồi, rèn luyện. Giáo án thầy soạn luôn được bổ sung, cập nhật; sau buổi lên lớp thầy luôn lắng nghe đồng nghiệp, HS, tìm tòi các phương pháp dạy học mới. Thầy đã có nhiều giải pháp để đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, như: Áp dụng phương pháp nêu vấn đề và giải quyết vấn đề, phương pháp “trạm” (tổ chức các “trạm” trong lớp học ghi tóm tắt nội dung bài học và cho các tổ ôn bài), thiết kế sơ đồ tư duy, ứng dụng công nghệ thông tin, giảm kiến thức hàn lâm và tăng cường rèn kỹ năng, hoạt động để giờ học thêm sinh động, HS thêm hứng thú… Thầy còn tổ chức bồi dưỡng, phụ đạo cho những HS hạn chế về học tập, động viên, khích lệ các em nỗ lực vươn lên. Em Nguyễn Hồng Khánh Trâm (lớp 9.2, Trường THCS Võ Văn Ký) chia sẻ: “Năm lớp 8, khi học online, em không tập trung nên kết quả học tập đi xuống. Thầy Trí đã quan tâm, trao đổi với gia đình, động viên em cố gắng vì đây là năm có nhiều kiến thức quan trọng để thi lên cấp 3. Em rất biết ơn thầy đã khích lệ, giúp đỡ để em tiến bộ”.


Gần gũi, chia sẻ với học sinh


Với vai trò là giáo viên chủ nhiệm nhiều năm, thầy Trí tự nhủ, phải quan tâm tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của HS để uốn nắn. Vì thế, thầy luôn quan tâm hỏi han công việc cá nhân, hoàn cảnh gia đình; sửa cho HS chiếc khăn quàng, cổ áo khi các em chuẩn bị chưa đúng; giúp đỡ học trò một vài cuốn sách các em yêu thích nhưng không đủ tiền mua; kết nối với cha mẹ các em, chấn chỉnh kịp thời HS khi có những hành vi chưa chuẩn mực… Nhiều năm liền, thầy được ngành Giáo dục và Đào tạo công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Nhưng trên hết, phần thưởng cao quý nhất đối với thầy là sự tin yêu của phụ huynh, HS, sự quý mến, tín nhiệm của ban giám hiệu, đồng nghiệp.

Ông Nguyễn Tấn Thành, phụ huynh HS lớp 9.2 Trường THCS Võ Văn Ký bày tỏ: “Thầy Trí dành rất nhiều tâm huyết cho HS, được các em kính trọng. Thầy nghiêm khắc nhưng rất thương yêu, quan tâm tới HS không chỉ trong việc học mà cả việc trau dồi kỹ năng sống. Em nào khó khăn, thầy luôn tìm cách giúp đỡ, động viên”.


Thầy Nguyễn Anh Hữu - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Võ Văn Ký chia sẻ: “Thầy Trí đã có 40 năm công tác trong ngành, trong đó có hơn 20 năm giảng dạy tại Trường THCS Võ Văn Ký; là người thầy, người anh trách nhiệm, nhiệt tình trong công tác, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, luôn chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy với các giáo viên trẻ. HS thường gọi thầy là bố vì tình cảm thân thương thầy dành cho học trò”.


40 năm qua, bao lứa học trò của thầy Trí đã trưởng thành, trở thành những người có tài, có đức. Còn thầy, từng ngày vẫn cần mẫn chở đi những chuyến đò tri thức. Mong muốn lớn nhất của thầy là học trò ngày một ngoan hơn, lễ phép hơn, trở thành những người thành đạt và đóng góp cho xã hội.


H.NGÂN