10:04, 28/04/2022

Năm học 2022 - 2023: Dạy Tiếng Anh và Tin học bắt buộc từ lớp 3

Theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, từ năm học 2022 - 2023, môn Tiếng Anh, môn Tin học và Công nghệ là 2 môn bắt buộc, được dạy học từ lớp 3. Tuy nhiên, tại các địa phương, hiện các điều kiện chuẩn bị cho việc dạy học vẫn còn khó khăn.

Theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, từ năm học 2022 - 2023, môn Tiếng Anh, môn Tin học và Công nghệ là 2 môn bắt buộc, được dạy học từ lớp 3. Tuy nhiên, tại các địa phương, hiện các điều kiện chuẩn bị cho việc dạy học vẫn còn khó khăn.


Một số khó khăn


Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa, năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh có 185/189 trường tiểu học tổ chức dạy Tiếng Anh, trong đó 96,8% học sinh (HS) từ lớp 3 đến lớp 5 được học Tiếng Anh. Đây là thuận lợi lớn cho việc triển khai dạy Tiếng Anh theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2022 - 2023. Tuy vậy, vẫn còn 91 lớp từ lớp 3 đến lớp 5 học 1 buổi/ngày nên chưa thể tổ chức dạy Tiếng Anh, các trường chưa thể tuyển dụng hay hợp đồng giáo viên (GV) để dạy môn này. Bên cạnh đó, 31,5% GV Tiếng Anh thuộc diện hợp đồng nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và tính ổn định của đội ngũ. Việc chưa tuyển dụng được GV Tiếng Anh cũng do một số trường đã đủ định mức 1,5 GV/lớp.

 

Học sinh tiểu học tham dự Hội thi Tin học trẻ TP. Nha Trang năm 2022. Ảnh: V.Thành

Học sinh tiểu học tham dự Hội thi Tin học trẻ TP. Nha Trang năm 2022. Ảnh: V.Thành


Đối với môn Tin học, toàn tỉnh mới chỉ có 43,9% trường tổ chức dạy, tỷ lệ HS từ lớp 3 đến lớp 5 được học là 46,7%. Số GV Tin học hiện có là 54 người, trong đó biên chế 34 người, hợp đồng 20 người. Việc triển khai dạy Tin học gặp khó khăn vì hiện chỉ có khoảng 50% số trường tiểu học có trang bị phòng máy tính. Số GV dạy Tin học còn thiếu nhiều. Công tác xã hội hóa chưa thuận lợi, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi… Cô Lê Thị Thanh Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước Đồng (TP. Nha Trang) cho biết: “Trường có số HS đông, số lượng phòng học không đủ nên sĩ số HS/lớp cao, chưa có phòng học Tiếng Anh riêng. Trường có 3 điểm thì chỉ điểm chính có phòng máy tính nhưng máy thường xuyên hư hỏng; 2 điểm phụ cách điểm chính hơn 7km, nếu đưa HS điểm phụ về điểm chính để học Tin học thì sẽ gây bất tiện cho phụ huynh”.


Ông Nguyễn Văn Du - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Cam Ranh cho biết, hiện nay, số phòng dạy Tiếng Anh không đủ, các trường phải bố trí phòng học để tổ chức dạy Tiếng Anh. Đối với môn Tin học, có 5 trường chưa có phòng máy để dạy, 4 trường có phòng máy nhưng đã xuống cấp, hư hỏng. Bên cạnh đó, toàn thành phố còn thiếu 13 GV dạy Tin học cho năm học 2022 - 2023.


Tìm giải pháp tháo gỡ


Ông Đỗ Hữu Quỳnh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, dự kiến tổng số GV dạy môn Tiếng Anh trong tỉnh là 391 GV (biên chế 241 GV, hợp đồng 150 GV), cơ bản đáp ứng việc tổ chức dạy Tiếng Anh cho HS lớp 3; số GV còn thiếu là 7 người sẽ bố trí hợp đồng để đảm bảo yêu cầu dạy học. Đối với môn Tin học và Công nghệ, do chỉ có 1 tiết/tuần/lớp nên các trường tiểu học có quy mô vừa và nhỏ sẽ thực hiện phương án dạy liên trường, hoặc bố trí GV tham gia bồi dưỡng để giảng dạy môn này. Dự kiến đội ngũ giảng dạy có 2 GV Tin học dạy tại 1 trường, 2 GV dạy liên trường, 129 GV được bồi dưỡng để dạy kiêm nhiệm. Về lâu dài, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các phòng giáo dục và đào tạo tham mưu UBND cấp huyện thực hiện tuyển dụng, hợp đồng, bồi dưỡng, tập huấn GV và xây dựng các phương án bố trí GV linh hoạt, hợp lý để đảm bảo tổ chức dạy học hiệu quả.


Bên cạnh đó, các địa phương cần khẩn trương đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học như: Phòng học, trang bị máy tính, hệ thống nghe - nhìn, có kết nối Internet, thiết bị phụ trợ... cho nhà trường, nhất là với các trường có nhiều điểm trường, thuộc vùng khó khăn. Để đảm bảo điều kiện dạy học theo quy định, mỗi trường phải có 1 phòng học/lớp, sĩ số HS/lớp theo quy định, có tối thiểu 1 phòng thực hành Tin học và 1 phòng dạy Tiếng Anh.


H.NGÂN