Những năm qua, bên cạnh đào tạo nghề, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang còn tổ chức dạy học chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông cho học sinh của trường. Tuy nhiên, do chưa được giao chỉ tiêu đào tạo, nhà trường còn gặp khó khăn về kinh phí để tổ chức các lớp học chương trình giáo dục thường xuyên.
Những năm qua, bên cạnh đào tạo nghề, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang còn tổ chức dạy học chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT cho học sinh (HS) của trường. Tuy nhiên, do chưa được giao chỉ tiêu đào tạo, nhà trường còn gặp khó khăn về kinh phí để tổ chức các lớp học chương trình GDTX.
Vừa đào tạo nghề, vừa dạy văn hóa
Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang được Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép tổ chức giảng dạy các lớp học chương trình GDTX cấp THPT từ năm 2012. Do đó, bên cạnh việc học nghề, từ năm học 2012 - 2013 đến nay, HS trường còn được học văn hóa theo chương trình GDTX cấp THPT với 7 môn học (Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý). Nhờ đó, khi các HS trường tốt nghiệp khóa đào tạo nghề và học đủ 3 năm học theo chương trình GDTX cấp THPT sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức để tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Theo ông Phan Văn Lại - Trưởng phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang, từ năm 2015 đến 2020, tỷ lệ HS của trường tốt nghiệp THPT đạt hơn 93%; riêng năm 2020, tỷ lệ đạt 95,3%.
Nhờ vừa đào tạo nghề, vừa dạy văn hóa theo chương trình GDTX cấp THPT đạt hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của HS, những năm qua, tỷ lệ tuyển sinh của trường luôn tăng. Năm học 2018 - 2019, số lượng tuyển sinh lớp 10 đạt 652 HS; năm học 2019 - 2020, đạt 885 HS; năm học 2020 - 2021, đạt 913 HS. Hiện nay, trường có 1.806 HS vừa học nghề vừa học văn hóa theo chương trình GDTX.
Thầy Nguyễn Văn Lực - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang cho biết, trường có Khoa Khoa học cơ bản thực hiện chức năng giảng dạy văn hóa hệ GDTX với 15 giáo viên cơ hữu, 1 thư ký khoa và 25 giáo viên hợp đồng. Nhà trường đủ điều kiện được phép hoạt động giáo dục theo quy định. Hiện nay, với chương trình đào tạo nghề, HS chỉ học 2 năm là đủ điều kiện tốt nghiệp, còn HS học chương trình văn hóa phải học đủ 3 năm. Do đó, đối với những HS đã học đủ 2 năm nghề, sẽ tiếp tục học văn hóa tại trường hết năm thứ 3 để đủ điều kiện tham gia thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Sau đó, khi HS có nhu cầu học lên bậc cao đẳng sẽ chỉ mất thêm 1 năm. Đây là điều kiện thuận lợi cho HS cũng như nhà trường trong việc tuyển sinh đầu vào.
Cần được giao chỉ tiêu đào tạo
Theo lãnh đạo trường, do chưa được giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo các lớp học chương trình GDTX hệ THPT nên những năm qua, trường phải cân đối ngân sách từ nguồn thu dạy nghề, không thu phí của HS và cũng không được cấp kinh phí đào tạo khi giảng dạy văn hóa. Mỗi năm, nhà trường phải trích kinh phí khoảng 1 tỷ đồng cho công tác giảng dạy chương trình GDTX hệ THPT. Để tháo gỡ khó khăn này, vừa qua, trường đã kiến nghị UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo chương trình GDTX cấp THPT cho nhà trường. Theo đó, trường đề xuất được thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo 850 HS lớp 10 hệ GDTX/năm, được cấp kinh phí đào tạo 701.000 đồng/HS/năm và được thu học phí THPT 70.000 đồng/HS/tháng theo nghị quyết của HĐND tỉnh. Trên cơ sở đó, nhà trường sẽ có đủ kinh phí để dạy chương trình GDTX cấp THPT cho HS.
Được biết, đây cũng là khó khăn chung của các cơ sở đào tạo nghề nghiệp trên cả nước. Vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương ban hành văn bản quy định việc dạy kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo đúng quy định. Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã và đang tổ chức giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT vẫn được tiếp tục thực hiện. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở liên quan, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nghiên cứu và thống nhất tham mưu, đề xuất UBND tỉnh triển khai thực hiện nội dung liên quan đến việc tổ chức giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT trên địa bàn tỉnh.
V.THÀNH