10:05, 19/05/2021

Những "nhà khoa học nhí"

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức gặp mặt một số học sinh đạt giải tại cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ IX (2020 - 2021). Dưới đây xin giới thiệu một số mô hình tiêu biểu tại cuộc thi này.

 

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức gặp mặt một số học sinh (HS) đạt giải tại cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ IX (2020 - 2021). Dưới đây xin giới thiệu một số mô hình tiêu biểu tại cuộc thi này.


Hệ thống gác chắn đường sắt tự động


Ý tưởng mô hình hệ thống gác chắn đường sắt tự động hình thành từ một lần em Đoàn Thùy Anh - HS lớp 8/1 Trường THCS Nguyễn Hiền (TP. Nha Trang) được bố chở đi học mất thời gian khá lâu vì đợi tránh tàu. Câu hỏi sao người ta không làm gác chắn tự động, đỡ tốn nhân công trực và tránh sự cố chạy tàu cứ theo em mãi cho đến khi nhà trường phát động cuộc thi sáng tạo dành cho HS.


Phải mất hơn 1 tháng, Đoàn Thùy Anh và Đoàn Đức Minh - bạn cùng lớp cũng là đồng tác giả mô hình mới hoàn thành tác phẩm dự thi vòng cấp trường với sự trợ giúp đắc lực của thầy Lê Tấn Thịnh - giáo viên môn Toán của các em. Hai em cho biết, mô hình sử dụng phần mềm Arduino - phần mềm khá thông dụng, dễ học, dễ sử dụng để biến ý tưởng thành hiện thực. Bằng phần mềm này, các em đã hình thành mô hình gác chắn dừng tàu. Sau đó, tại vòng thi cấp thành phố, rồi cấp tỉnh, các em lần lượt bổ sung thêm một số tiện ích khác mô phỏng trung tâm điều hành; đèn báo dừng tàu khẩn cấp tự động và rào chắn âm, ngăn các phương tiện cố tình vượt ẩu…


Nói về thành quả của học trò, thầy Thịnh cho biết, hai em đều là HS khá giỏi, nhanh nhạy với tin học, khoa học tự nhiên, biết vận dụng công cụ để biến ý tưởng thành hiện thực phục vụ đời sống. Mô hình đạt giải nhì (không có giải nhất) là niềm vinh dự cho cả thầy và trò nhà trường trong nỗ lực học tập, lao động sáng tạo.


Máy rửa tay sát khuẩn và đo thân nhiệt tự động


Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng toàn cầu, sản phẩm máy rửa tay sát khuẩn và đo thân nhiệt tự động có lời nhắc của HS Nguyễn Phạm Thanh Tân - lớp 9/4 Trường THCS Nguyễn Trọng Kỷ (TP. Cam Ranh)  càng trở nên “hot”. Máy có chiều cao vừa tầm HS cấp 2; thời gian phun dung dịch sát khuẩn mất 0,01 giây; chỉ số đo thân nhiệt hiển thị trên màn hình, nếu nhiệt độ trên 37,50C máy nhắc bạn đến ngay phòng y tế để kiểm tra; cảm biến còn nhắc nhở người không được đứng gần trong bán kính 3m…


Nguyễn Phạm Thanh Tân cũng sử dụng phần mềm Arduino. Tuy nhiên, Tân sử dụng nhiều module như: Cảm biến; đo thân nhiệt; ghi âm... Tân bộc bạch: Kiến thức tin học trong nhà trường không đủ để hoàn thành sản phẩm, em phải tự học, tìm hiểu, tích lũy kiến thức là chính; để viết Code (mã), em phải nhờ một sinh viên hỗ trợ qua mạng.


Cô Đinh Thị Minh Thu - giáo viên Vật lý, người hỗ trợ cho Tân nói, sản phẩm Tân chế tạo rất có ý nghĩa trong giai đoạn dịch bệnh đang bùng phát; việc sát khuẩn tránh được lây nhiễm chéo và giải quyết được bài toán nhân lực… Máy có giá thành thấp so với sản phẩm cùng loại, chỉ 2 triệu đồng nhưng kết hợp “2 trong 1” (sát khuẩn và đo thân nhiệt). Sản phẩm đã đạt giải ba cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ IX.

 
Ngôi nhà sàn bản em


H Trây H Phương Nhã và M Căng H Thảo - HS Trường Tiểu học Khánh Hiệp 1 (huyện Khánh Vĩnh) đem đến cuộc thi sản phẩm nhà sàn bản em và đã đạt giải ba.

 

Mô hình nhà sàn bản em.

Mô hình nhà sàn bản em.

 

Ban tổ chức cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ IX đã trao 66 giải gồm 1 giải nhì (không có giải nhất), 15 giải ba, 50 giải khuyến khích trong tổng số 483 sản phẩm, mô hình dự thi.

Nhìn sản phẩm của các em mà lòng chúng tôi rộn lên niềm vui khó tả. Tuổi còn nhỏ nhưng các em mà biết trân trọng di sản văn hóa ông cha, yêu quý bản sắc văn hóa dân tộc mình; biết khơi dậy và gìn giữ nét đẹp nhà sàn. Phương Nhã bộc bạch: “Nhà sàn là nét đẹp của dân tộc Ê đê nói riêng, đồng bào dân tộc thiểu số nói chung. Nhưng hiện nay, nhà sàn không còn nhiều mà thay vào đó là nhà bằng bê tông, sắt thép. Chúng em muốn gửi đến mọi người thông điệp hãy yêu quý nhà sàn, hãy giữ gìn nhà sàn để nét đẹp của nó còn mãi”.


Theo cô Đoàn Thị Ngọc Hiệp - giáo viên Mỹ thuật nhà trường, các em từng sống trong nhà sàn, hưởng thụ môi trường mát mẻ, dễ chịu, gần gũi thiên nhiên nên mong muốn giữ gìn nhà sàn là nét đặc trưng của đồng bào mình. Ý tưởng là của các em, chúng tôi chỉ hỗ trợ một phần trang trí; ông nội em Thảo hỗ trợ vót, chẻ tre nứa để hình thành tác phẩm. “Chúng tôi muốn thông qua cuộc thi này, các cấp, ngành quan tâm hơn đến phổ biến, giữ gìn nhà sàn không để nó mai một”, cô Hiệp nhắn nhủ.


Máy thay pin cũ - đổi pin mới


Đó là sản phẩm của 2 HS Đỗ Trung Hiếu (lớp 12C5) và Phạm Ngọc Anh (lớp 11B6) Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Vạn Ninh). Nhận thấy pin sử dụng hết là chất thải nguy hại thường bị vứt bỏ bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, các em đã nảy ra ý định thiết kế hệ thống thu pin cũ - đổi pin mới (các loại pin, chỉ cần thay đổi khe tiếp nhận) để khuyến khích người dùng không vứt bỏ pin cũ bừa bãi, thu gom lại để đổi pin mới (4 cũ đổi 1 mới).

 

 Hai em Anh (phải) và Minh với mô hình gác chắn đường sắt tự động.

Hai em Anh (phải) và Minh với mô hình gác chắn đường sắt tự động.


Tuy được sự hỗ trợ của thầy Nguyễn Thành Minh - giáo viên Vật lý nhà trường nhưng 2 em cũng phải mất 5 tháng để hoàn thành sản phẩm. Cái khó của đề tài là phải sử dụng cảm biến hồng ngoại để đếm số viên pin trong khi kiến thức cấp 3 về vấn đề này còn chưa đầy đủ. Ngoài ra, việc thiết kế bộ khung, in 3D các chi tiết của bản vẽ cũng mất nhiều thời gian. Máy có thể sử dụng nguồn điện 220ACV, 12DCV hay điện năng lượng mặt trời. Nguyên lý của máy là khi cho pin cũ vào khe tiếp nhận, cảm biến phát hiện có pin sẽ kích hoạt động cơ 1 quay, tiếp tục cho pin vào cảm biến sẽ đọc, khi đủ 4 lần cho pin thì kích hoạt động cơ 2 quay lấy pin mới từ khay đẩy ra ngoài.


Theo thầy Minh, qua triển khai tại trường, mô hình đã thu hút 364 HS tham gia, thu được 1.456 viên pin cũ. Mô hình góp phần tiết kiệm điện, bảo vệ sức khỏe cho gia đình và cộng đồng, giải quyết ô nhiễm một phần chất thải nguy hại phát sinh, giữ gìn môi trường, tạo động lực để HS, giáo viên nghiên cứu, học tập…


V.L