11:09, 02/09/2020

Sẵn sàng cho năm học mới

Chỉ còn ít ngày nữa, hơn 286.000 trong toàn tỉnh Khánh Hòa sẽ bước vào năm học 2020 - 2021. Tuy vẫn còn không ít khó khăn, song toàn ngành đã sẵn sàng tâm thế cho một năm học mới với nhiều hứa hẹn và thử thách.

 

Chỉ còn ít ngày nữa, hơn 286.000 (HS) trong toàn tỉnh Khánh Hòa sẽ bước vào năm học 2020 - 2021. Tuy vẫn còn không ít khó khăn, song toàn ngành đã sẵn sàng tâm thế cho một năm học mới với nhiều hứa hẹn và thử thách.

Trường, lớp thêm khang trang


Năm học này, hơn 600 HS của Trường Tiểu học Cam Thịnh Tây (xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh) sẽ được học trong ngôi trường khang trang, đẹp đẽ. Đây là trường vừa được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 trường tiểu học: Cam Thịnh Tây 1 và Cam Thịnh Tây 2; điểm chính đặt tại thôn Sông Cạn Đông (Trường Tiểu học Cam Thịnh Tây 1 cũ) được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí 26 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh đầu tư 70%, ngân sách thành phố 30%; điểm phụ cũng đã được nâng cấp trước đó. Thầy Mang Bén - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cam Thịnh Tây chia sẻ: “Tất cả HS trong trường đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Trước đây, thầy và trò phải dạy và học dưới mái trường cũ kỹ, xuống cấp, nhiều thiếu thốn. Với điều kiện hiện nay, trường có thể tổ chức học 2 buổi/ngày cho toàn bộ HS và trước mắt tổ chức bán trú cho hơn 150 HS khối lớp 1, mỗi em được hỗ trợ ăn trưa 260.000 đồng/tháng”. Nhờ đó, phụ huynh HS đều đồng lòng ủng hộ, thầy cô sẽ bớt vất vả khi huy động trẻ ra lớp, chặng đường theo đuổi con chữ của HS miền núi sẽ bớt gian nan.

 

Cô giáo Trường Tiểu học Tân Lập 2 (TP. Nha Trang) dẫn các bé lớp 1 tham quan khuôn viên trường trước khi bước vào năm học mới.

Cô giáo Trường Tiểu học Tân Lập 2 (TP. Nha Trang) dẫn các bé lớp 1 tham quan khuôn viên trường trước khi bước vào năm học mới.


Trường THCS và THPT Nguyễn Thái Bình (xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh) cũng vừa được thành lập trên cơ sở nâng cấp Trường THCS Nguyễn Thái Bình và cơ sở vật chất của dự án Đầu tư xây dựng Trường THPT Bắc Khánh Vĩnh (cơ sở chính). Dự án này nhằm thực hiện chủ trương “đưa trường học về gần nhà” HS miền núi, tổng mức đầu tư xây dựng hơn 26,7 tỷ đồng. Thầy Triệu Văn Nghiệp - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THCS và THPT Nguyễn Thái Bình cho biết, năm học này, trường có hơn 730 HS, trong đó có 230 HS THPT. Những ngày đầu đi vào hoạt động, tuy còn không ít bề bộn, khó khăn, song nhà trường đang từng bước tháo gỡ để sớm ổn định dạy và học.

 
Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Khánh Vĩnh, năm học này, huyện có nhiều trường học được xây mới hoàn toàn như: Mầm non Hương Sen, Mầm non Hướng Dương, Mầm non Sen Hồng, Tiểu học Giang Ly, Tiểu học Liên Sang. Tổng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị các trường trên địa bàn huyện trong năm 2020 hơn 103,5 tỷ đồng.

 

Niềm vui của học sinh Trường Tiểu học Cam Thịnh Tây bên ngôi trường mới.

Niềm vui của học sinh Trường Tiểu học Cam Thịnh Tây bên ngôi trường mới.


Năm học này, TP. Cam Ranh có Trường THCS Lê Hồng Phong - trường THCS chất lượng cao của thành phố được xây mới với kinh phí hơn 40 tỷ đồng đi vào hoạt động. Còn tại huyện Cam Lâm, ngành GD-ĐT huyện được cấp hơn 38,5 tỷ đồng để triển khai thi công các công trình. Trường Mầm non Sen Hồng đang khẩn trương hoàn thành để phục vụ cho trẻ là con công nhân viên Khu Công nghiệp Suối Dầu. Huyện Vạn Ninh có Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai được xây tại địa điểm mới trên diện tích hơn 14.500m2.

 

Dãy phòng học mới tại Trường Tiểu học Cam Lộc 2 (TP. Cam Ranh) vừa hoàn thành.

Dãy phòng học mới tại Trường Tiểu học Cam Lộc 2 (TP. Cam Ranh) vừa hoàn thành.

 

Tại huyện Khánh Sơn, một số phòng học, nhà vệ sinh HS, nhà ăn… của các trường cũng được xây mới, sửa chữa; tổng nguồn vốn đầu tư cho ngành GD-ĐT huyện năm 2020 đến thời điểm này gần 11,5 tỷ đồng. Còn tại TP. Nha Trang, ngành GD-ĐT thành phố được đầu tư khoảng 150 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất các trường, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học. Trong đó, Trường Mầm non Vĩnh Lương được xây mới toàn bộ. Nhìn chung, cơ sở vật chất các trường trên địa bàn tỉnh được tiếp tục đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, số phòng học cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu dạy và học.


Sắp xếp lại đội ngũ giáo viên


Trong bối cảnh số lượng người làm việc được giao phải cắt giảm theo từng năm học (bình quân giảm khoảng 2,5%/năm), Sở GD-ĐT và Phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố đã tiến hành rà soát, sắp xếp, bố trí lại đội ngũ giáo viên (GV). Một trong những khó khăn trước thềm năm học mới là số lượng GV mầm non và tiểu học ở các huyện, thị xã, thành phố hầu hết đều thiếu so với định mức quy định. Theo thống kê của Sở GD-ĐT, toàn tỉnh thiếu 611 GV, trong đó có 381 GV mầm non, 185 GV tiểu học, 45 GV THCS. Trong đó, thiếu nhiều nhất là TP. Nha Trang, với 118 GV mầm non, 56 GV tiểu học và 90 GV THCS. Sở đã triển khai Nghị quyết số 102 ngày 3-7-2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế đến các đơn vị sự nghiệp trực thuộc và các phòng GD-ĐT để thực hiện ký kết hợp đồng lao động (dưới 12 tháng) đối với GV.


Ông Bùi Hữu Hóa - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Phòng sẽ tham mưu UBND huyện cho phép hợp đồng khoảng 40 GV mầm non để giảng dạy ngay từ đầu năm học”. Ở một số địa phương như: TP. Cam Ranh, huyện Cam Lâm, có tình trạng GV THCS dôi dư so với định mức GV/lớp do việc dồn, ghép lớp, sắp xếp cơ sở giáo dục. Các địa phương này đã bố trí GV các bộ môn: Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục… sang giảng dạy bộ môn ở cấp tiểu học.


Theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT TP. Nha Trang, để khắc phục khó khăn khi số GV giao không đủ định mức GV/lớp so với quy định, phòng phải thực hiện phương án giảm định mức GV/lớp là: Mầm non 2,0 GV/lớp (quy định mẫu giáo 2,2 GV/lớp, nhà trẻ 2,5 GV/lớp); tiểu học 1,35 GV/lớp (quy định 1,5 GV/lớp); THCS 1,8 GV/lớp (quy định 1,9 GV/lớp). Đồng thời, phải tăng sĩ số HS/lớp, dồn ghép các lớp học của cấp tiểu học và THCS; chuyển GV dôi dư từ trường này đến trường khác...

 

Toàn tỉnh hiện có hơn 530 trường mầm non, phổ thông. Chuẩn bị cho năm học 2020 - 2021, toàn ngành GD-ĐT tỉnh được đầu tư gần 639,9 tỷ đồng để thực hiện các đề án, sửa chữa giáo dục, mua sắm phương tiện, thiết bị, đồ dùng dạy học.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã có kế hoạch tuyển dụng GV thay thế số GV đang hợp đồng lao động theo Nghị quyết số 102 của Chính phủ và bổ sung số lượng viên chức văn phòng đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác. Theo đó, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Diên Khánh dự kiến xây dựng kế hoạch tuyển dụng trong tháng 9; Khánh Sơn, Cam Ranh, Cam Lâm, Khánh Vĩnh dự kiến xây dựng kế hoạch tuyển dụng trong tháng 10, Nha Trang dự kiến tuyển dụng viên chức trong tháng 12.


Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành GD-ĐT năm học mới là triển khai thực hiện Chương trình, sách giáo khoa mới ở lớp 1 và tiếp tục chuẩn bị cho việc đổi mới chương trình ở những năm tiếp theo. Toàn tỉnh có khoảng 21.360 HS lớp 1 biên chế vào 703 lớp. Phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp với phòng nội vụ địa phương tham mưu UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch ưu tiên phân bổ GV dạy lớp 1, đảm bảo tỷ lệ 1,5 GV/lớp để giảng dạy lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông mới; đảm bảo tổ chức dạy 2 buổi/ngày ở tất cả các cơ sở giáo dục tiểu học trên toàn tỉnh, không có lớp ghép. GV được bố trí giảng dạy lớp 1 chương trình mới đều đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn. Khó khăn hiện nay là các địa phương còn vướng mắc trong việc mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu cho lớp 1 do chưa có nguồn kinh phí. Sở GD-ĐT đã đề nghị các địa phương sớm bổ sung kinh phí cho các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn để mua sắm thiết bị dạy học lớp 1, kịp cho việc sử dụng dạy học trong năm học 2020 - 2021.


H.Ngân

 


 

Ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở GD-ĐT: Sở đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức lễ khai giảng ngày 5-9 an toàn, trang nghiêm, gọn nhẹ. Sau lễ khai giảng, HS nghỉ học, lịch học chính thức sẽ bắt đầu từ ngày 7-9. Sở đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các trường công tác đảm bảo an toàn trường học trong điều kiện dịch Covid-19.