09:11, 26/11/2019

Sáng tạo giải pháp bảo vệ môi trường

Tại cuộc thi Sáng tạo các giải pháp bảo vệ môi trường dành cho học sinh trung học tỉnh lần thứ 3, năm 2019 do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức vừa qua, nhiều học sinh đã có những ý tưởng, giải pháp thiết thực, góp phần kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường.

Tại cuộc thi Sáng tạo các giải pháp bảo vệ môi trường dành cho học sinh trung học tỉnh lần thứ 3, năm 2019 do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức vừa qua, nhiều học sinh đã có những ý tưởng, giải pháp thiết thực, góp phần kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường.


Nhiều ý tưởng hay


Nhận thấy gần nơi mình sống có nhiều tấm bạt đã qua sử dụng bị bỏ đi lãng phí, hai em Nông Thị Ngọc Hoa và Nguyễn Hoàng Long - lớp 10A2 Trường THPT Lạc Long Quân (huyện Khánh Vĩnh) đã nảy ra ý tưởng tận dụng những vật liệu này để thiết kế các sản phẩm thân thiện với môi trường. Nhóm đã thu gom, vệ sinh những tấm bạt cũ để may thành những chiếc túi xách, ba lô… xinh xắn, tiện dụng, đặc biệt là có thể tái sử dụng nhiều lần thay thế cho túi ni-lông. Đây là 1 trong 5 sản phẩm, đề tài đã đạt giải nhất của cuộc thi Sáng tạo các giải pháp bảo vệ môi trường dành cho học sinh trung học tỉnh.

 

Hai em Nguyễn Khánh Huyền và Đỗ Nguyễn Bảo Minh - Trường THCS Võ Thị Sáu  với các sản phẩm “tái chế xanh”.

Hai em Nguyễn Khánh Huyền và Đỗ Nguyễn Bảo Minh - Trường THCS Võ Thị Sáu với các sản phẩm “tái chế xanh”.


Hai em Nguyễn Khánh Huyền và Đỗ Nguyễn Bảo Minh - lớp 6.9 Trường THCS Võ Thị Sáu (TP. Nha Trang) lại có ý tưởng “Xây dựng mô hình hoạt động của câu lạc bộ “Tái chế xanh” tại trường THCS”, 1 trong 10 đề tài đạt giải nhì của cuộc thi. Ban đầu, câu lạc bộ được thành lập với 43 thành viên của lớp. Chỉ sau hơn 2 tháng, câu lạc bộ đã thu hút hơn 300 bạn tham gia. Các thành viên đưa ra các ý tưởng tái chế nguyên vật liệu cũ, thiết kế sản phẩm mới hữu ích, thân thiện với môi trường. Các sản phẩm làm ra được bán để quyên góp giúp đỡ bạn nghèo…


Trong số 60 đề tài, sản phẩm tham gia cuộc thi, còn có một số ý tưởng, giải pháp bảo vệ môi trường được ban giám khảo đánh giá cao như: Máy thu gom rác thải dưới nước chạy bằng pin năng lượng mặt trời của em Nguyễn Ngọc Châu - Trường THPT Hoàng Hoa Thám (huyện Diên Khánh); mô hình làm sạch bộ máy của xe gắn máy bằng khí hydro của em Nguyễn An Khôi - Trường THCS Võ Thị Sáu; dự án cải tạo nhà vệ sinh trường học của em Phạm Anh Nhật - Trường THPT Ngô Gia Tự (TP. Cam Ranh); dự án xây dựng mô hình hội chợ thực hành lối sống xanh, lối sống tối giản tại Nha Trang của em Bùi Bảo Ngọc và Lê Huy - Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn. Các sản phẩm, đề tài này đã được ban tổ chức trao giải nhất. Bên cạnh đó, các đề tài như: Giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường biển ở TP. Cam Ranh; sử dụng lá bàng khô để nâng cao chất lượng nước trong đìa nuôi tôm, cá tại TP. Cam Ranh của học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo (Cam Ranh); cải tạo môi trường học tập và sinh hoạt tại trường nội trú của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Khánh Sơn… khá thiết thực, góp phần bảo vệ môi trường tại địa phương.


Phát huy tiềm năng sáng tạo của học sinh


Ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá, cuộc thi cho thấy tiềm năng, ý tưởng sáng tạo trong đội ngũ học sinh, phù hợp với “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”. Nhiều đơn vị đã đầu tư nghiêm túc, chuẩn bị chu đáo, bài bản đối với sản phẩm. Trong đó, có các sản phẩm được đề xuất tiếp tục hoàn thiện, phát triển để tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học. Cô Định Thị Hoa - Trường THPT Hoàng Hoa Thám (huyện Diên Khánh) cho rằng, cuộc thi là sân chơi bổ ích, giúp học sinh giao lưu, học hỏi, thể hiện khả năng sáng tạo trong các ý tưởng và hành động tuyên truyền bảo vệ môi trường.


Tuy nhiên, cuộc thi vẫn còn có những hạn chế cần khắc phục. Toàn tỉnh có hơn 500 đơn vị, trường học nhưng do nguồn kinh phí có hạn nên cuộc thi chỉ tổ chức trong khuôn khổ 30 trường (8 trường THCS và 22 trường THPT) và chỉ có gần 140 học sinh tham gia. Chất lượng các sản phẩm, mô hình còn chưa đồng đều, chưa mang tính đột phá. Nhiều sản phẩm dự thi ít có ý tưởng mới, tính sáng tạo, giải pháp đưa ra còn chung chung, khả năng áp dụng rộng rãi vào đời sống còn hạn chế. Các sản phẩm đạt chất lượng cao theo đúng nghĩa rất hiếm hoi. Ngoài ra, cuộc thi chưa thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân và các nhà tài trợ quan tâm tài trợ… Sở Giáo dục và Đào tạo đã rút kinh nghiệm trong việc triển khai cuộc thi ở thời điểm phù hợp để các đơn vị có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, không để tình trạng đăng ký tham gia vòng sơ khảo, chung khảo gấp rút như vừa qua. Sở cũng đề nghị các trường đầu tư hơn cho cuộc thi (được tổ chức 2 năm/lần) và tích cực phát động tuyên truyền, tìm giải pháp bảo vệ môi trường thiết thực, hiệu quả.


H.NGÂN