Giáo dục STEM (tên viết tắt tiếng Anh của 4 từ: khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) là phương pháp giảng dạy nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức, kỹ năng liên quan đến 4 lĩnh vực này theo cách tiếp cận liên môn, giúp người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống. Phương pháp này bước đầu đang được triển khai tới các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Giáo dục STEM (tên viết tắt tiếng Anh của 4 từ: khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) là phương pháp giảng dạy nhằm trang bị cho học sinh (HS) những kiến thức, kỹ năng liên quan đến 4 lĩnh vực này theo cách tiếp cận liên môn, giúp người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống. Phương pháp này bước đầu đang được triển khai tới các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Dạy học gắn với ứng dụng thực tế
Bà Nguyễn Thị Thu Hường - tập huấn viên STEM của chương trình EIE (Mỹ) và nghiên cứu viên chương trình STEM của Viện Nghiên cứu NEMO (Hà Lan) cho biết, giáo dục STEM không còn xa lạ với thế giới; ở Việt Nam những năm gần đây cũng đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều địa phương. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và Sở GD-ĐT đã có những đợt tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên các trường để tiếp cận.
STEM là một phương thức giáo dục mà ở đó, thay vì dạy 4 môn tách biệt, STEM kết hợp thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế. Chẳng hạn, ở môn Vật lý, khi dạy đến bài có áp dụng công thức: Vận tốc (V) = Quãng đường (S)/Thời gian (t), thay vì dạy trong 4 bức tường khô khan, thầy cô sẽ dạy theo chủ đề STEM “Phản lực - chế tạo xe đua không động cơ”. Trong đó, HS sẽ dùng thước để đo quãng đường, dùng đồng hồ để bấm thời gian, từ đó suy ra được vận tốc do chiếc xe mình chế tạo. Nếu tổ chức cuộc “đua xe không động cơ” giữa các tổ trong lớp học, tích hợp nội dung kiến thức giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, HS sẽ hứng thú và tiếp thu kiến thức nhanh hơn.
Theo ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, giáo dục STEM không hướng đến mục tiêu đào tạo để HS trở thành những nhà toán học, nhà khoa học, kỹ sư hay những kỹ thuật viên, mà chủ yếu trang bị cho HS kiến thức, kỹ năng để làm việc và phát triển trong thế giới công nghệ hiện đại ngày nay. Điều quan trọng nhất là gây hứng thú học tập cho HS trong việc tiếp cận kiến thức khoa học. Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục bắt buộc, trong đó nhấn mạnh tới sự huy động tổng hợp các kiến thức và kỹ năng từ nhiều lĩnh vực để HS áp dụng vào thực tế. Dạy học STEM là một trong những hoạt động trong khuôn khổ của giáo dục trải nghiệm.
Thầy cô hứng thú với tiết học STEM
Trong giáo dục phổ thông, giáo dục STEM được chia làm 3 mức độ: dạy học các môn học theo phương thức giáo dục STEM; tổ chức các hoạt động trải nghiệm STEM; tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật. Việc xây dựng một bài học STEM cũng tuân theo quy trình cụ thể; mỗi hoạt động học được thiết kế rõ về mục đích, nội dung và sản phẩm học tập mà HS phải hoàn thành. |
Đóng vai là những HS, 80 giáo viên THCS và THPT trong đợt tập huấn về giáo dục STEM do Sở GD-ĐT tổ chức đã có những trải nghiệm thú vị với các tiết học mẫu. Ở tiết học “Chất chỉ thị”, dưới sự dẫn dắt, khơi gợi, điều hành của thầy giáo, trong vòng 20 phút, các nhóm đã sử dụng dung dịch bắp cải tím và các nguyên vật liệu được cung cấp để đổi màu các dung dịch khác nhau, pha chế nên nhiều loại nước uống với đủ màu sắc bắt mắt để chuẩn bị cho hội trại của trường. Không khí lớp học luôn sôi động, đầy hứng khởi mà ở đó, người học được trao đổi, bàn luận, sáng tạo, thử nghiệm và chờ đợi thành quả.
Thầy Đặng Ngọc Tiến (Trường THPT Tô Văn Ơn, huyện Vạn Ninh) chia sẻ, các tiết học cụ thể đã giúp giáo viên nắm rõ hơn cách tổ chức thực hành hoạt động trải nghiệm để tạo hứng thú cho HS, đưa HS đến gần với thực tế. Ưu điểm của giáo dục STEM là HS được trải nghiệm nhiều. Việc sử dụng vật liệu tái chế để tạo thành sản phẩm có khả năng thực hiện được trong trường phổ thông. Thầy Nguyễn Huy Chương (Trường THCS Nguyễn Thái Bình, huyện Khánh Vĩnh) cũng cho rằng đây là phương pháp học tích cực, hiệu quả, thu hút HS, không nặng nề về kiến thức mà quan trọng là giúp HS có kỹ năng vận dụng kiến thức để làm ra sản phẩm mà các em yêu thích.
Hiện nay, cả nước chưa có chương trình dạy học STEM; Bộ GD-ĐT mới chỉ ban hành dự thảo tài liệu tập huấn xây dựng và thực hiện các chủ đề giáo dục STEM trong trường trung học để định hướng triển khai. Tuy có những ưu điểm song việc đưa giáo dục STEM vào chương trình giáo dục phổ thông bước đầu sẽ không tránh khỏi khó khăn và cần một quá trình, nhất là trong điều kiện cơ sở vật chất ở nhiều trường hiện nay còn hạn chế. Theo thầy Đặng Ngọc Tiến: “Phòng học hẹp, sĩ số HS khá đông, việc quản lý HS sẽ có khó khăn. Trước mắt có thể tổ chức các chuyên đề tích hợp liên môn theo hướng giáo dục STEM. Điều này có thể thực hiện được vì nguyên liệu, giá thành để làm các sản phẩm tương đối rẻ, đơn giản, dễ tìm”. Theo thầy Nguyễn Huy Chương: “Ngoài vấn đề cơ sở vật chất thì khả năng của giáo viên còn những hạn chế nhất định, trong khi một tiết học STEM phải có sự chuẩn bị rất nhiều. Ngoài ra, ở trường có gần 70% là HS dân tộc thiểu số, kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm còn hạn chế. Vì vậy, trước mắt các trường có thể thực hiện một số tiết thực nghiệm để giáo viên học hỏi và HS được tiếp cận với phương pháp học mới này”.
H.NGÂN