Trước năm 2017, huyện Diên Khánh không có hồ bơi nào. Hiện nay, toàn huyện đã có 3 cơ sở bơi tư nhân, trong đó 1 cơ sở ở xã Diên Toàn, 2 cơ sở ở xã Diên Phước và thị trấn Diên Khánh. Theo các cơ sở bơi tư nhân, hoạt động của họ thời gian qua gặp nhiều khó khăn.
Còn khó khăn
Trước năm 2017, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) không có hồ bơi nào. Hiện nay, toàn huyện đã có 3 cơ sở bơi tư nhân, trong đó 1 cơ sở ở xã Diên Toàn, 2 cơ sở ở xã Diên Phước và thị trấn Diên Khánh. Theo các cơ sở bơi tư nhân, hoạt động của họ thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Bà Võ Thị Hường - chủ cơ sở bơi Phú Lộc (thị trấn Diên Khánh) cho biết, gia đình bà đầu tư 3 bể bơi di động với kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí vệ sinh nguồn nước, tiền điện… khoảng 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, số trẻ đến với cơ sở rất ít, tập trung chủ yếu vào 3 tháng hè với khoảng 200 lượt em đến tham gia học bơi. Với giá vé bơi tự do 20.000 đồng/lượt, nhiều tháng cơ sở thu không đủ trang trải chi phí. Để có nguồn thu, gia đình bà đã đến tận các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn huyện phát tờ rơi, làm việc với lãnh đạo nhà trường để phối hợp tổ chức dạy bơi cho học sinh với giá ưu đãi. Phần lớn các trường học rất quan tâm nhưng điều kiện để thực hiện còn khó khăn. Trong khi đó, chủ cơ sở bơi ở xã Diên Toàn cho biết, phụ huynh học sinh vẫn chưa quan tâm đúng mức việc trang bị kỹ năng bơi lội, phòng tránh đuối nước cho trẻ. Vì vậy, cơ sở chủ yếu hoạt động nhờ vào nguồn thu của việc bán vé bơi tự do vào các tháng hè, còn các khóa dạy bơi mở ra rất ít học sinh tham gia.
Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Diên Khánh, hầu như năm nào trên địa bàn huyện cũng xảy ra tình trạng tử vong do đuối nước ở trẻ em. Từ năm 2015 đến 2018, toàn huyện có 10 em bị tai nạn đuối nước, riêng năm 2018 có 4 em tử vong vì tai nạn đuối nước. Với thực trạng đó, thực hiện Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em (triển khai từ năm 2017), các ban, ngành của huyện đã có nhiều hoạt động tuyên truyền giáo dục về kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em thông qua các buổi sinh hoạt đoàn đội, ngoại khóa ở trường; tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh của huyện, xã, thị trấn; phối hợp tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên dạy thể dục các trường học về chương trình (hiện nay, toàn huyện có 16/65 giáo viên dạy môn thể dục được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện dạy bơi). Tuy nhiên, phần lớn các hoạt động trên đều đang ở mức độ tuyên truyền, thiếu thực hành, đặc biệt là thiếu điều kiện cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với nước để nhận biết những mối nguy hại và có kỹ năng phòng tránh.
Sẽ có nhiều hoạt động cụ thể
Ông Trần Hạnh Huy - Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết, năm nay, bên cạnh công tác tuyên truyền, phòng sẽ tham mưu UBND huyện một số hoạt động cụ thể nhằm tăng tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 15 tuổi biết bơi, hạn chế tình trạng học sinh đuối nước. Theo đó, huyện sẽ kiểm tra các hồ bơi để chuẩn bị cho mùa hè 2019 về điều kiện vệ sinh, an toàn theo quy định, nghiệp vụ của huấn luyện viên bơi, nhân viên cứu hộ… Ngoài ra, phòng sẽ tham mưu huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập câu lạc bộ bơi lội, trước mắt đối với các xã, thị trấn có hồ bơi tư nhân hoặc vùng lân cận. Phòng cũng phối hợp với ngành Giáo dục huyện đẩy mạnh hoạt động dạy bơi, học bơi cho học sinh các cấp, hướng tới tổ chức các hội thi, giải bơi cho thiếu nhi.
Được biết, theo Quyết định số 3220 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án thí điểm dạy bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh Tiểu học và THCS trong nhà trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 – 2020, tại Trường THCS Trần Đại Nghĩa (xã Diên Hòa) đang được xây dựng và lắp đặt hồ bơi di động với diện tích hồ khoảng 200m2. Hiện nay, hồ bơi trong giai đoạn hoàn tất. Ngoài ra, cuối năm nay, Đề án của tỉnh cũng dự kiến xây dựng và lắp đặt hồ bơi di động tại Trường Tiểu học Diên Điền. Với những nỗ lực và hoạt động cụ thể, hy vọng Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước của huyện Diên Khánh thời gian tới sẽ đạt được kết quả tích cực, góp phần hạn chế tai nạn đuối nước ở trẻ em.
MAI HOÀNG