10:12, 23/12/2018

Dạy học mầm non: Lấy trẻ làm trung tâm

Mỗi trẻ là một cá thể riêng biệt, với tích cách, sự hứng thú, cách học tập khác nhau. Việc tổ chức giờ học cho trẻ theo hướng tiếp cận "lấy trẻ làm trung tâm" chính là một trong những mục tiêu của đổi mới giáo dục hiện nay. Hội thi giáo viên dạy giỏi bậc học mầm non tỉnh năm học 2018 - 2019 góp phần thực hiện mục tiêu đó.

Mỗi trẻ là một cá thể riêng biệt, với tích cách, sự hứng thú, cách học tập khác nhau. Việc tổ chức giờ học cho trẻ theo hướng tiếp cận “lấy trẻ làm trung tâm” chính là một trong những mục tiêu của đổi mới giáo dục hiện nay. Hội thi giáo viên (GV) dạy giỏi bậc học mầm non tỉnh năm học 2018 - 2019 góp phần thực hiện mục tiêu đó.


Học hỏi kinh nghiệm từ hội thi


Cô giáo phải làm gì khi đã kết thúc giờ chơi, tất cả trẻ đều đã rửa tay sạch sẽ, chỉ còn một bé vẫn không chịu nghe lời? Cô Nguyễn Thị Thương - Trường Mầm non 3-2 (TP. Nha Trang) cho rằng: “Hoạt động ngoài trời rất bổ ích, lý thú giúp trẻ phát triển toàn diện. Ở giai đoạn “khủng hoảng tuổi lên 3, lên 4”, trẻ luôn thích tự làm mọi việc để thể hiện cái tôi cá nhân của mình. Những tình huống tương tự như vậy vốn diễn ra hàng ngày ở trường, lớp mầm non. Tôi chọn giải pháp khuyến khích trẻ vào một hoạt động mới lạ khác, hoặc tiếp tục chơi cùng trẻ rồi khéo léo dẫn dắt bé theo mình. Để thuyết phục trẻ, điều quan trọng là cô phải hiểu được tâm lý và tính cách của từng bé để đưa ra hướng giải quyết phù hợp”.  

 

Hoạt động ngoại khóa của các bé Trường Mầm non 3-2.

Hoạt động ngoại khóa của các bé Trường Mầm non 3-2.


Đó là một trong các tình huống sư phạm được đưa ra tại Hội thi GV dạy giỏi bậc học mầm non tỉnh năm học 2018 - 2019 vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Ở phần thi thực hành tổ chức hoạt động giáo dục, với một hoạt động bắt buộc và một hoạt động tự chọn, các GV đã mang đến nhiều tiết dạy hay, sinh động. Nhiều GV đã vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy truyền thống và hiện đại, sử dụng đồ dùng, thiết bị dạy học để tổ chức các hoạt động, trò chơi vui nhộn, cuốn hút trẻ tham gia hăng say. Ở một số hoạt động như: bé với nghề gốm Vạn Ninh, bé yêu cô công nhân vệ sinh..., các GV đã sáng tạo trong sử dụng đồ dùng, đồ chơi, các bé trải nghiệm các hoạt động một cách tự nhiên, chủ động giao tiếp với nhau và tự tin hơn với sự dẫn dắt của cô giáo. 38/45 GV đã được công nhận GV dạy giỏi mầm non năm học 2018 - 2019, trong đó có 2 GV đạt loại xuất sắc là cô Nguyễn Thị Thương (Trường Mầm non 3-2) và Ngô Thị Thúy Vân (Trường Mầm non Hương Sen, TP. Nha Trang).


Từ hội thi, ban tổ chức cũng chỉ ra những điểm hạn chế để các GV rút kinh nghiệm. Theo ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, một số hoạt động của GV xác định kiến thức chưa rõ ràng, kỹ năng chưa phù hợp với độ tuổi, chưa khai thác triệt để đồ dùng, chưa biết khai thác các sản phẩm do trẻ làm ra để sử dụng cho việc học và chơi. Đồ dùng, nguyên vật liệu cho trẻ sử dụng chưa phong phú, trẻ không được tự lựa chọn theo ý thích mà chỉ thực hiện theo mẫu của GV. Cũng có GV chưa linh hoạt trong xử lý tình huống, chưa chú ý đến hình thức tổ chức hoạt động và khả năng của trẻ, chưa dành thời gian để trẻ suy nghĩ và chia sẻ ý kiến cá nhân hoặc GV bỏ qua những ý kiến cá nhân của trẻ, còn áp đặt trẻ theo cách nghĩ của mình. Có GV chưa chú trọng đến việc cho trẻ trải nghiệm, phát hiện và chia sẻ mà chỉ thực hiện theo mẫu, hệ thống câu hỏi, chưa kích thích được tư duy của trẻ và chưa quan tâm đến những trẻ cá biệt…


Đẩy mạnh giáo dục lấy trẻ làm trung tâm


Theo ông Lê Đình Thuần, dạy học lấy trẻ làm trung tâm khác với dạy học truyền thống là GV không truyền đạt kiến thức một chiều cho trẻ mà tạo ra các điều kiện, cơ hội để mọi trẻ được chủ động, sáng tạo, tham gia hoạt động. Để đạt được điều này, GV cần nắm được hứng thú, nhu cầu, khả năng của từng trẻ trong lớp, từ đó lựa chọn được nội dung, phương pháp phù hợp với từng nhóm, từng cá nhân. Kể từ năm học 2017 - 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phát động tại các cơ sở giáo dục mầm non trong toàn tỉnh đẩy mạnh xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Các trường, lớp đã trang trí, xây dựng góc chơi phong phú, thường xuyên thay đổi môi trường hoạt động cho trẻ, cải tạo các khu vui chơi ngoài trời, tận dụng mọi không gian để trẻ “học mà chơi, chơi mà học”. Các GV cũng áp dụng những phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực vào việc tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của trường, lớp và khả năng của trẻ; tăng cường tổ chức các hoạt động dạy kỹ năng sống...


Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non phát triển chương trình giáo dục phù hợp với văn hóa, điều kiện của địa phương, nhà trường và khả năng, nhu cầu của trẻ. Bên cạnh đó, tích hợp các nội dung giáo dục kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi, đổi mới môi trường giáo dục cho trẻ tích cực khám phá. Các trường cũng cần tăng cường tổ chức hoạt động giao lưu giữa phụ huynh và các cháu; giao lưu giữa các nhóm lớp trong trường nhân các ngày hội, lễ; giao lưu giữa các trường trong cụm…


H.NGÂN