11:11, 18/11/2018

Nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong dạy và học

Lễ kỷ niệm 20-11 năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã dành phần lớn thời gian để tuyên dương các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, bởi đây là những nhân tố đã góp phần tạo ra chuyển biến bước đầu cho giáo dục tỉnh.

Lễ kỷ niệm 20-11 năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã dành phần lớn thời gian để tuyên dương các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, bởi đây là những nhân tố đã góp phần tạo ra chuyển biến bước đầu cho GD tỉnh.


Nỗ lực đổi mới, sáng tạo


Ở Cam Ranh, Trường THPT Ngô Gia Tự được xem là một trong những cái nôi đào tạo học sinh (HS) giỏi của thành phố. Cô Nguyễn Thị Thanh Lý - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường đã thực hiện hàng loạt đổi mới trong quản lý GD, phương pháp dạy và học, công tác kiểm tra, đánh giá HS; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên; khen thưởng; nghiên cứu khoa học trong giáo viên và HS… Đã có nhiều tiết dạy học theo dự án, dạy học kết hợp trải nghiệm thực tế, như: học công nghệ tại vườn rau; rèn ý thức kỷ luật, nề nếp với chương trình tập làm chiến sĩ… Nhờ đó, hiệu quả đào tạo của trường ngày càng được nâng lên. Năm học vừa qua, trường có 8 dự án nghiên cứu khoa học kỹ thuật đạt giải cấp tỉnh và quốc gia; 35 HS đạt giải trong cuộc thi HS giỏi cấp tỉnh; nhất toàn đoàn cuộc thi sáng tạo các giải pháp bảo vệ môi trường cấp tỉnh; giải nhất cuộc thi kể chuyện Bác Hồ và những bài học đạo đức, lối sống dành cho HS cấp tỉnh; 1 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia, 6 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh…

 

Học sinh Trường THPT Ngô Gia Tự trải nghiệm tập làm chiến sĩ.

Học sinh Trường THPT Ngô Gia Tự trải nghiệm tập làm chiến sĩ.


Cô Trần Thị Xuân Hồng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Vạn Lương (Vạn Ninh) lại tìm tòi đổi mới phù hợp với đặc thù GD trẻ mầm non. Với cô, đổi mới không thể thiếu sự đồng thuận của tập thể. Nhiều năm liền, trường luôn dẫn đầu khối thi đua mầm non của huyện; được UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen; 3 năm liên tục (2015 - 2016 đến nay) được UBND tỉnh tặng cờ thi đua. Nhưng với cô Hồng, vui nhất là khi nhận được chia sẻ của phụ huynh: “Hôm nay cháu đi học về ngoan hơn, biết nhiều điều hơn, có nhiều kỹ năng hơn”.


Là giáo viên, tổ trưởng bộ môn Ngữ văn Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (Nha Trang), qua quá trình giảng dạy, học hỏi, cô Phạm Thị Bích Thủy chiêm nghiệm, để đổi mới, người thầy cần tạo tâm thế tốt khi lên lớp, luôn tự tin; cần tạo được sự tin cậy, thân thiện với HS, loại bỏ tư tưởng áp đặt một chiều để tạo sự hứng thú, tích cực cho HS. Bên cạnh đó, cần sử dụng đồ dùng dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin hợp lý. Mỗi bài dạy, mỗi tình huống sư phạm cần vận dụng linh hoạt, không máy móc. Thực tế, ở tổ của cô đã có những giáo viên thành công khi ứng dụng phương pháp sơ đồ tư duy (Grap) trong ôn thi cho HS khối 12. Bên cạnh đó, việc nhà trường giao quyền tự chủ cho tổ trong phân phối chương trình giảng dạy cũng là yếu tố quan trọng để công tác chuyên môn đổi thay tích cực: giờ giảng đi vào thực tế hơn, giáo viên chủ động hơn về thời gian, phương pháp, HS học tập hứng thú hơn.


Góp phần tạo chuyển biến bước đầu  


Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thời gian qua, nhiều cá nhân, tập thể trong ngành GD-ĐT tỉnh đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, thi, đánh giá HS phổ thông theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Điều đó đã bước đầu mang lại những chuyển biến tích cực cho GD Khánh Hòa.


Năm qua, chất lượng GD toàn diện của HS toàn tỉnh tiếp tục tăng. Mô hình trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm triển khai có hiệu quả. Trong kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia năm 2018, Khánh Hòa đạt 20 giải, trong đó có 2 giải nhì, 9 giải ba, tăng cả về số lượng và chất lượng so với năm 2017 (chỉ đạt 15 giải, gồm 5 giải ba và 10 giải khuyến khích). Kết quả tốt nghiệp THPT năm 2018 đạt 98%, tăng 1,6% so với năm trước. Tỷ lệ thí sinh đạt 15 điểm/3 môn thi tổ hợp để xét tuyển đại học, cao đẳng tăng 4,2% so với năm trước.


Tuy nhiên, theo bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT, để có thể đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29, ngành đã xây dựng nhiều giải pháp, nhưng trước tiên vẫn là nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Ngoài bồi dưỡng kiến thức chung, kiến thức chuyên môn và chuyên môn ngành, ngành đặc biệt chú trọng bồi dưỡng đạo đức, tư tưởng chính trị và quan trọng nhất là bồi dưỡng năng lực sáng tạo cho đội ngũ nhà giáo, để có thể dạy học chuyển từ trang bị kiến thức một chiều sang dạy học theo phương pháp tích cực nhằm phát huy năng lực và phẩm chất cho HS.


TIỂU MAI