06:03, 09/03/2018

Xã hội hóa trang thiết bị dạy Tin học

Trong điều kiện ngân sách cho ngành còn hạn hẹp, xã hội hóa đầu tư thiết bị và máy tính phục vụ dạy môn Tin học trên địa bàn tỉnh đang là yêu cầu đặt ra nhằm nâng cao chất lượng dạy và học môn Tin học. 

Trong điều kiện ngân sách cho ngành còn hạn hẹp, xã hội hóa (XHH) đầu tư thiết bị và máy tính phục vụ dạy môn Tin học trên địa bàn tỉnh đang là yêu cầu đặt ra nhằm nâng cao chất lượng dạy và học môn Tin học. Đồng thời, chuẩn bị cho việc triển khai giảng dạy chính khóa môn học này trong chương trình giáo dục phổ thông thời gian tới.


Chưa đáp ứng yêu cầu dạy và học


Hiện nay, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Tin học là môn học tự chọn ở cấp THCS và môn học chính khóa ở cấp THPT. Tuy nhiên, việc dạy môn học này còn gặp nhiều khó khăn do đa số các trường THCS chưa có phòng máy tính để dạy thực hành. Còn các trường THPT tuy được trang bị phòng thực hành nhưng số máy vi tính, các thiết bị hiện có cũng quá tải so với số học sinh (HS) theo học. Các trường phải bố trí dạy tăng ca, dạy trái buổi. Các phòng máy hoạt động gần như kín thời gian trong ngày nên máy vi tính và các thiết bị nhanh xuống cấp, trong khi kinh phí không đáp ứng việc thay thế, sửa chữa, làm ảnh hưởng đến hiệu quả dạy và học. Cũng do thiếu máy tính, thiết bị nên mới chỉ có khoảng 11% số HS được học nghề phổ thông Tin học ở cả 2 cấp THCS, THPT.

 

 Học sinh thi nghề Tin học.

Học sinh thi nghề Tin học.


Theo thống kê hiện nay, tổng số máy tính dùng cho việc giảng dạy môn Tin học là khoảng 4.700 máy, với hơn 260 phòng máy. Để đáp ứng yêu cầu của Bộ GD-ĐT về việc thực hành 2 HS/máy thì trong năm học 2018 - 2019, số lượng máy vi tính và các thiết bị cần trang bị để dạy, học bộ môn Tin học, học nghề phổ thông Tin học cần trang bị thêm là hơn 3.500 máy tính, hơn 200 phòng máy và hệ thống máy chiếu, bảng thông minh, bảng tương tác, màn hình ti vi. Trong đó, các phòng GD-ĐT hơn 2.200 máy; các trường THPT công lập, ngoài công lập và các trung tâm GD thường xuyên - hướng nghiệp hơn 1.300 máy...


Chỉ có thể là xã hội hóa

 

Toàn tỉnh hiện có 85/118 trường THCS, 32/32 trường THPT, 9/9 trung tâm GD thường xuyên - hướng nghiệp dạy Tin học. Đa số đội ngũ giáo viên được đào tạo đúng chuyên môn, đáp ứng nhu cầu giảng dạy. Trong đó, cấp THCS có gần 300 giáo viên, cấp THPT có hơn 150 giáo viên.

Ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, trong chương trình GD phổ thông mới, môn Tin học được Bộ GD-ĐT quy định là môn học bắt buộc có phân hóa, xuyên suốt từ lớp 3 cấp tiểu học đến lớp 9 THCS thay vì môn tự chọn như chương trình hiện hành. Ở cấp THPT, đây là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của HS. Điều này đặt ra yêu cầu đối với ngành GD-ĐT là phải chuẩn bị đổi mới cả về nội dung, phương pháp, đầu tư thiết bị và máy tính phục vụ dạy học Tin học. Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp thì việc đẩy mạnh công tác XHH, huy động các tổ chức, đơn vị và cá nhân để đầu tư thiết bị và máy tính phục vụ dạy và học môn Tin học là rất cần thiết.


Mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản thống nhất chủ trương về việc xây dựng Đề án “XHH đầu tư thiết bị và máy tính phục vụ dạy môn Tin học đối với ngành học phổ thông trên địa bàn tỉnh”. Việc triển khai đề án nhằm tổ chức dạy và học môn Tin học theo chương trình của Bộ GD-ĐT ở tất cả các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh cũng như đáp ứng nhu cầu học nghề Tin học của HS. Đồng thời để chuẩn bị cho việc triển khai giảng dạy chính khóa môn Tin học trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể kể từ năm học 2020 - 2021 đối với cấp THCS và THPT. Theo đó, đề án sẽ được thực hiện ở tất cả các trường THCS, THPT trong tỉnh. Riêng đối với 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh dự kiến sẽ cân đối ngân sách Nhà nước để đầu tư.  Ông Lê Tuấn Tứ cho biết, Sở GD-ĐT là đơn vị tổ chức chỉ đạo, kêu gọi huy động nguồn vốn từ các nhà đầu tư để trang bị thiết bị các phòng thực hành môn Tin học ở các trường phổ thông. Đồng thời, hướng dẫn các trường tích cực thực hiện XHH để trang bị thiết bị phục vụ dạy và học. Hiện nay, đề án đang được sở chủ trì xây dựng và gửi cho các phòng GD-ĐT, đơn vị đóng góp ý kiến để chuẩn bị trình UBND tỉnh.


T.VIỆT