Bạn tôi là giáo viên dạy toán cấp ba. Một hôm, trong câu chuyện cà phê, tôi mới biết được nỗi trăn trở trong lòng bạn.
1. Bạn tôi là giáo viên dạy toán cấp ba. Một hôm, trong câu chuyện cà phê, tôi mới biết được nỗi trăn trở trong lòng bạn.
Chuyện là, lớp 12 bạn đang chủ nhiệm có một học sinh có tính cách mạnh mẽ, độc lập. Tuy em này học không giỏi, kém nhất môn Toán, nhưng so với học sinh trong lớp, em rất bản lĩnh. Em có thể tự sửa xe máy, sửa điện nước, đóng bàn ghế gỗ… Hè năm lên lớp 12, em đi phượt với một người anh từ Nam ra Bắc, lên Hà Giang. Em kể với thầy, em học được nhiều điều trong chuyến đi ấy và cảm thấy lớn lên rất nhiều. Em tâm sự không thích học đại học mà chỉ muốn học nghề rồi mở một ga-ra sửa xe ô tô. Bước đầu khó khăn, em tự tin có thể khởi nghiệp từ việc sửa xe máy. Điều này hoàn toàn trái với mong muốn của cha mẹ kỳ vọng em sẽ vào đại học ngành kế toán, sau này ra trường dễ xin việc, lại không phải làm lụng tay chân vất vả.
Bạn tôi biết rõ sức học của học trò, may lắm em ấy chỉ vào được cao đẳng. Bạn hoàn toàn ủng hộ phương án học nghề sau đó mở tiệm sửa xe. Bạn đã đến thuyết phục gia đình học trò, nhưng thất bại. Cậu học trò thi rớt đại học và vào một trường cao đẳng ngành kế toán theo ý cha mẹ, không phù hợp với tính cách mạnh mẽ, xốc vác và hơn nữa là yêu nghề kỹ thuật. Bạn tôi tiếc cho em, cho cha mẹ em đã không nhận ra tính cách của con mình để hướng nghiệp phù hợp.
2. Một lần, tôi tham dự cuộc tọa đàm với các bạn trẻ phần lớn tuổi chưa đến 25. Nghe các em tâm sự mới hay có 10 em bỏ đại học nửa chừng, trong đó 5 em học lại ngành khác, còn lại học nghề hay đi làm. Điểm chung của các em này là thi đại học theo ý cha mẹ, học 2 năm, không hợp, không theo nổi, bỏ, thi lại trường khác. Đó đều là các em có gia đình ở tỉnh.
Có em tâm sự, gia đình không biết em bỏ học. Hiện nay, em vẫn giấu cha mẹ và chưa nghĩ chuyện nói thật. Việc chậm tốt nghiệp, em sẽ đi làm tự trang trải, không nhận tiền từ gia đình nữa. Có em cho biết, đến năm thứ hai, em nhận ra ngành hóa đang theo học không phù hợp nên âm thầm thi lại trường khác, ngành văn học. Hiện nay em gần ra trường và rất hài lòng về lựa chọn này vì em yêu văn học, có một số truyện ngắn được đăng báo. Em hy vọng, tương lai theo đuổi được nghiệp văn chương.
3. Chị bạn tôi có cậu con trai học rất giỏi. Từ trường chuyên năm phổ thông, cháu thi đậu vào đại học ngoại thương. Hết năm thứ hai, cậu nghỉ vì lý do chính là chán học. Cậu học một lớp công nghệ thông tin và luyện tiếng Anh. Rồi cậu được tuyển vào làm phòng vi tính ở một công ty chuyên xuất khẩu bàn ghế ngoài trời của Pháp. Do tiếng Anh giỏi nên cậu có mức lương được đánh giá theo khả năng. 10 năm làm việc, giờ đây, cậu lên chức trưởng phòng, lương ổn định khá. Cậu cho biết, nhiều bạn bè lớp đại học, tốt nghiệp ra trường có người vẫn còn long đong không có việc làm, có người làm lương thấp và có bạn làm không đúng ngành học. Cậu khẳng định không có gì hối tiếc khi bỏ học từ năm thứ hai và chuyển sang con đường khác.
Chỉ có chị bạn tôi thì khóc hết nước mắt với tính “ngang bướng” của con trai. Tuy bây giờ công việc ổn định, nhưng chị vẫn không hài lòng vì con chưa học xong đại học. Chị luôn nghĩ, nếu học đại học, cháu học thêm cao học rồi tiến sĩ. Mộng của chị là con đi học nước ngoài rồi về dạy một trường đại học nào đó coi như tiêu tan!
4. Một chị bạn khác có con gái từ nhỏ vốn là một học sinh giỏi toàn diện. Lớp 10, cháu thi đậu vào trường chuyên. Trong lớp, cháu luôn ở vị trí top 10. Để đạt những điều đó, không chỉ riêng năng lực của em, mà còn sự nỗ lực và hỗ trợ của cha mẹ rất nhiều trong việc đồng hành trường lớp cùng con.
Từ kỳ vọng của thầy cô giáo, cha mẹ và nguyện vọng của các em, các bạn học giỏi trong nhóm top đều đăng ký thi đại học trường top. Năm đó, lớp chỉ có 1 em đậu thủ khoa Đại học Y Dược, 3 em đậu nguyện vọng 1. Con gái bạn tôi chỉ thiếu nửa điểm để vào Đại học Y Dược. Cha mẹ động viên học lại sang năm thi nhưng cháu không chịu, nộp hồ sơ nguyện vọng 2 vào một trường đại học tư, ngành công nghệ thông tin. Mẹ cháu thất vọng vô cùng nhưng đành chịu thua!
5. Không xa xôi, ngay bên cạnh tôi mỗi ngày là cậu sinh viên năm thứ tư đại học kiến trúc. Một hôm, trong bữa cơm, bỗng dưng cháu nói với tôi: “Con không phù hợp ngành học này, mẹ đừng kỳ vọng vào con”. Miếng cơm trong miệng tôi bã bời. Nhưng sau đó, tôi nói với con: “Ngày xưa mẹ vào đại học ngành kỹ thuật toàn những môn học không phù hợp, có những môn hoàn toàn không hiểu luôn, nhưng mẹ đã vượt qua và ra trường. Đi làm, công việc của mẹ chỉ dính dáng chút xíu ngành đã học, còn đa phần là tự nghiên cứu và nghề dạy nghề. Rồi mẹ có “nghề tay trái” là viết văn, viết báo. Tổng kết cuộc đời, mẹ thấy, những kiến thức đã học trong trường đại học hỗ trợ cho mẹ rất nhiều ngay cả việc viết văn”.
Tôi không hiểu con trai tiếp thu như thế nào vì mỗi thời mỗi khác. Tôi không ép cháu học ngành mà cháu đang học, nhưng khi ấy, cháu còn không biết mình thích học ngành gì. Theo ý tôi, cháu cần xong đại học rồi sau đó tính tiếp. Có thể ra trường cháu không làm việc theo ngành đã học hay sẽ học một ngành khác và biết đâu lại có hứng thú học tiếp cao học… điều đó không quan trọng bởi khi đã muốn học, thích học rồi thì bao nhiêu tuổi bắt đầu cũng không muộn.
Có ai đồng cảm với tôi không?
KIM DUY