04:11, 20/11/2017

Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo

Những năm qua, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh đã có bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, góp phần đưa sự nghiệp đổi mới giáo dục đạt những kết quả đáng khích lệ.

Những năm qua, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (GD) của tỉnh Khánh Hòa đã có bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, góp phần đưa sự nghiệp đổi mới GD đạt những kết quả đáng khích lệ.

 

Nhiều giải pháp đột phá


Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), một trong những giải pháp có tính đột phá được sở thực hiện nhằm nâng cao chất lượng GD của tỉnh là đã mạnh dạn đổi mới công tác quản lý GD về nhiều mặt, nhất là đối với những lĩnh vực quan trọng và nhạy cảm như: tuyển sinh đầu cấp, thuyên chuyển và tuyển dụng giáo viên (GV); quy hoạch đội ngũ lãnh đạo và cán bộ quản lý GD các cấp... theo hướng đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ và công bằng. Trong đó, công tác tuyển dụng GV được thực hiện công khai từ khâu thông báo chỉ tiêu, điều kiện tuyển dụng, danh sách thí sinh đủ điều kiện dự tuyển, danh sách trúng tuyển... Điều kiện dự tuyển của GV trường chuyên khắt khe hơn nhằm tuyển chọn được đội ngũ GV giỏi. Việc sát hạch được thực hiện thông qua dạy thực hành để thấy rõ năng lực, trình độ thực tế của từng người, tránh tình trạng bằng cấp chưa đi cùng chất lượng.

 

Học sinh Trường Tiểu học Phước Tiến (TP. Nha Trang) tặng hoa cho các thế hệ thầy cô giáo của nhà trường

Học sinh Trường Tiểu học Phước Tiến (TP. Nha Trang) tặng hoa cho các thế hệ thầy cô giáo của nhà trường


Ngành GD cũng rất quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo. Đến nay, gần 100% GV của tỉnh đạt chuẩn về trình độ đào tạo, trong đó trên chuẩn hơn 77%. Đồng thời, thực hiện luân chuyển cán bộ quản lý GD và GV để nâng cao chất lượng của các trường. Thời gian qua, Sở GD-ĐT đã tiến hành luân chuyển một số cán bộ quản lý GD và GV không đáp ứng yêu cầu giảng dạy.


Trong công tác quản lý GD, việc Sở GD-ĐT giao quyền chủ động cho các trường trong xây dựng, sắp xếp kế hoạch, phương pháp và nội dung dạy học cho thấy hiệu quả khả quan. Các trường đã khắc phục những hạn chế của chương trình, sách giáo khoa hiện hành để triển khai các phương pháp, hình thức và kỹ thuật dạy học tích cực; chú trọng các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo, nghiên cứu khoa học và đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh...


Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT và các đơn vị trong toàn ngành đã thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ chính sách của Nhà nước đối với nhà giáo và cán bộ quản lý GD. Tỉnh còn ban hành nhiều chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GD nói chung và ở vùng sâu, vùng xa nói riêng. Nhờ đó, góp phần động viên các nhà giáo khắc phục khó khăn và yên tâm công tác.


Với sự quan tâm của các cấp, sự nỗ lực của ngành GD tỉnh, những năm qua, sự nghiệp GD-ĐT của tỉnh đã có bước chuyển biến đáng kể và đạt được những thành tích đáng khích lệ. Theo ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT, quy mô GD và mạng lưới trường lớp của tỉnh không ngừng được đầu tư, nâng cao toàn diện, đặc biệt là ở các địa bàn khó khăn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số. Kết quả phổ cập GD mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập GD tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS tiếp tục được giữ vững. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng, tỷ lệ học sinh yếu kém giảm qua các năm; kết quả tuyển sinh cao đẳng, đại học năm sau cao hơn năm trước và luôn ở top các tỉnh có chất lượng cao của cả nước. Năm 2017, toàn tỉnh có 66,65% học sinh đỗ vào các trường đại học, tăng 8,48% so với năm 2016.

 

 Cô và trò Trường THCS Trần Phú, TP. Cam Ranh
Cô và trò Trường THCS Trần Phú, TP. Cam Ranh


Tiếp tục nỗ lực


Để đáp ứng tốt yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo cũng như yêu cầu của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cho ngành GD tỉnh. Thực tế hiện nay, một bộ phận nhà giáo và cán bộ quản lý GD chưa theo kịp sự phát triển của kinh tế - xã hội và khoa học công nghệ, chưa tâm huyết với nghề, một số nơi còn chạy theo bệnh thành tích và bằng cấp... Bên cạnh đó, mặc dù đã được quan tâm song chất lượng cuộc sống và điều kiện giảng dạy của nhiều GV vẫn còn hạn chế...


Ông Lê Tuấn Tứ cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà ngành GD tỉnh đặt ra trong thời gian tới là tập trung đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý GD, chấn chỉnh những bất cập trong công tác quản lý, tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của nhà trường đi đôi với việc hoàn thiện cơ chế công khai, minh bạch. Mặt khác, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD một cách toàn diện như: tuyển dụng GV để bảo đảm đủ GV các cấp; đổi mới việc bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ cán bộ quản lý và GV theo hướng tự học để đạt hiệu quả thực chất; tạo mọi điều kiện để cán bộ quản lý và GV được học sau đại học để nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ quản lý.


Ngành cũng sẽ tiếp tục thực hiện thay thế, luân chuyển cán bộ quản lý, GV để nâng cao chất lượng của các trường, nhất là ở trường chuyên và các trường chất lượng cao. Bên cạnh đó, duy trì phương thức tuyển dụng GV như hiện nay để bảo đảm tính công bằng, minh bạch, khách quan; xây dựng đề án triển khai thí điểm thi tuyển chức danh hiệu trưởng ở các đơn vị trực thuộc. Đồng thời, chú trọng hơn nữa việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tác phong của nhà giáo để làm tấm gương cho học sinh; chăm lo đời sống cho đội ngũ nhà giáo tốt hơn để các thầy cô yên tâm hoàn thành nhiệm vụ “trồng người”.


H.NGÂN


 




Toàn ngành GD tỉnh có hơn 22.700 cán bộ, GV, nhân viên thuộc 543 cơ sở GD mầm non, phổ thông, các loại hình trung tâm GD thường xuyên và hướng nghiệp. Trong đó, cán bộ quản lý GD các cấp gần 1.200 người, GV gần 15.700 người.

_____________________________________



Những năm qua, ngoài các chế độ chính sách của Nhà nước, tỉnh còn thực hiện chính sách thu hút bằng chế độ hỗ trợ tiền thuê nhà ở 700.000 đồng/tháng (hưởng trong 5 năm) cho GV đang công tác tại các trường THPT, trung tâm GD thường xuyên và hướng nghiệp của 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh. Đối với GV dạy các lớp chuyên tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP. Nha Trang), tỉnh hỗ trợ 50% mức lương theo ngạch, bậc đang hưởng. Ngoài ra, những GV được cử đi học sau đại học được tỉnh hỗ trợ bảo vệ luận án thạc sĩ 35 triệu đồng (nếu là người dân tộc thiểu số được hỗ trợ 45 triệu đồng); tiến sĩ 50 triệu đồng (nếu là người dân tộc thiểu số được hỗ trợ 60 triệu đồng) và các khoản trợ cấp thêm trong thời gian đi học.