10:08, 09/08/2017

Phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em

Thời gian qua, tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trong tỉnh có giảm nhưng diễn biến rất phức tạp. Vì thế, đòi hỏi các ngành chức năng tăng cường hơn nữa việc trang bị kiến thức về giới tính, kỹ năng phòng, chống các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục cho trẻ em, học sinh.

Thời gian qua, tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trong tỉnh có giảm nhưng diễn biến rất phức tạp. Vì thế, đòi hỏi các ngành chức năng tăng cường hơn nữa việc trang bị kiến thức về giới tính, kỹ năng phòng, chống các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục cho trẻ em, học sinh.


Theo thống kê của Công an tỉnh Khánh Hòa, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 4 vụ xâm hại tình dục trẻ em, so với cùng kỳ năm 2016, tình trạng này đã có xu hướng giảm. Tuy nhiên, vấn nạn xâm hại tình dục ở trẻ em vẫn đang là vấn đề nóng, cần được xã hội quan tâm.

 

Theo Thượng tá Đặng Hoàng Long - Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh, việc xử lý các đối tượng xâm hại trẻ em còn gặp nhiều khó khăn, vì hầu hết các vụ việc sau một thời gian dài mới được phát hiện, trình báo. Đa số nạn nhân còn nhỏ tuổi, không nhận thức được hành vi nguy hiểm của đối tượng. Sau khi dụ dỗ, cưỡng ép trẻ để thực hiện hành vi hiếp dâm, dâm ô, các đối tượng thường đe dọa, uy hiếp nạn nhân. Mặt khác, do tâm lý xấu hổ, mặc cảm nên nạn nhân không dám nói cho người thân hoặc người giám hộ biết; một số trường hợp sợ ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của gia đình nên không báo cho cơ quan chức năng xử lý… Tuy nhiên, theo Thượng tá Long, việc xử lý các đối tượng sau khi phát giác vụ việc chỉ là biện pháp cuối cùng. Công tác phòng, chống loại tội phạm này cần có sự chung tay, vào cuộc của toàn xã hội, đặc biệt là gia đình và nhà trường cần quan tâm công tác giáo dục cho trẻ về giới tính, những điều cần chú ý khi tiếp xúc với người khác giới, những biện pháp bảo vệ mình…


Vừa qua, UBND tỉnh đã có chỉ thị về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục, nhà trường thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ trẻ em, tăng cường giáo dục kiến thức về giới và kỹ năng phòng tránh bạo lực, xâm hại trẻ em cho giáo viên và học sinh; UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các đoàn thể, hội tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em, tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và toàn xã hội lên án mạnh mẽ, kịp thời phát hiện, tố giác các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em…

 

Lớp tập huấn kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục ở trẻ em do Báo Nhi Đồng cùng Vụ Công tác học sinh, sinh viên tổ chức tại Trường Tiểu học Lộc Thọ (TP. Nha Trang)

Lớp tập huấn kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục ở trẻ em do Báo Nhi Đồng cùng Vụ Công tác học sinh, sinh viên tổ chức tại Trường Tiểu học Lộc Thọ (TP. Nha Trang)

 

Ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, thời gian qua, sở đã tuyên truyền và triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ trẻ em; tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực đối với trẻ em cho cán bộ, giáo viên, học sinh, các bậc phụ huynh… Bên cạnh đó, các đơn vị trường học chủ động phối hợp với các tổ chức, chính quyền, đoàn, hội, đội để tăng cường công tác bảo vệ trẻ em. Là ngành đặc thù, có các đơn vị trực tiếp giảng dạy, chăm sóc trẻ em, năm học 2017 - 2018, sở sẽ triển khai lồng ghép việc giáo dục giới tính, trang bị kỹ năng phòng, chống xâm hại cho học sinh vào các bộ môn như: Giáo dục công dân, Địa lý, Văn học… Đến nay, tỉnh chưa có trường hợp nào xảy ra việc xâm hại trẻ em trong trường học. Tuy nhiên, việc trang bị kỹ năng phòng, chống cho học sinh, trẻ em là rất cần thiết. “Trong tháng 8, sở sẽ mời các chuyên gia từ TP. Hồ Chí Minh về triển khai tập huấn cho các giáo viên. Việc tập huấn kỹ năng sẽ triển khai trực quan bằng thực hành, để mọi người có cái nhìn đúng đắn, rõ ràng hơn về việc xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó, chúng tôi đã phối hợp với Báo Nhi Đồng mời các chuyên gia về tập huấn thí điểm các kỹ năng cho học sinh tại một số trường tiểu học, nếu có hiệu quả sẽ triển khai rộng rãi. Thực hiện chỉ thị của UBND tỉnh, sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục có những kế hoạch triển khai cụ thể”, ông Thuần cho biết.


Theo anh Trương Tấn Hùng - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, sau khi Luật Trẻ em có hiệu lực, đơn vị đã triển khai nhiều văn bản chỉ đạo, hoạt động cụ thể về tăng cường phòng, chống xâm hại trẻ em. Cụ thể, Tỉnh đoàn giao các nhà thiếu nhi tăng cường tổ chức các hoạt động cho thiếu nhi, trong các hội thi được tổ chức phải lồng ghép thêm nội dung phòng, chống xâm hại trẻ em; trong các hoạt động thường niên như: Học kỳ trong quân đội, Diễn đàn trẻ em…, đơn vị đã đưa vấn đề nóng này vào để các thiếu nhi thảo luận trao đổi, từ đó có hướng nhìn nhận, đúng đắn về việc xâm hại trẻ em.


“Chúng tôi đã có văn bản phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, trong năm học mới, tổ chức đoàn, đội tại các trường sẽ tập trung các chuyên đề về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong hoạt động ngoại khóa. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung triển khai nhiều hoạt động hơn nữa, quan tâm chăm sóc, trang bị cho thiếu nhi các kỹ năng phòng tránh vấn nạn này”, anh Hùng nói.


V.T