06:06, 14/06/2013

Tạo môi trường giáo dục hiệu quả cho trẻ

Sau 4 năm triển khai thực hiện chương trình Giáo dục mầm non mới, cấp học mầm non của tỉnh đã gặt hái được nhiều kết quả khả quan.

Sau 4 năm triển khai thực hiện chương trình Giáo dục mầm non (GDMN) mới, cấp học MN của tỉnh đã gặt hái được nhiều kết quả khả quan.


Chương trình GDMN mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) triển khai từ năm 2009 nhằm đạt các mục tiêu: giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1; hình thành và phát triển ở trẻ những chức năng tâm sinh lý, năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng, những kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi...


Để thực hiện chương trình này tại tỉnh Khánh Hòa, Sở GD-ĐT và các phòng GD-ĐT đã dựa vào chương trình khung của Bộ, xây dựng kế hoạch năm học phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Sau mỗi năm học, kế hoạch này được bổ sung, điều chỉnh để đảm bảo tính khoa học và hợp lý. Từ kế hoạch năm học, mỗi giáo viên (GV) xây dựng kế hoạch chủ đề/tháng, tuần, ngày cho lớp mình phụ trách. Bà Trần Thị Lãy - Trưởng phòng GDMN (Sở GD-ĐT) cho biết, tập trung bồi dưỡng đội ngũ GV là công tác được đặc biệt coi trọng trong suốt quá trình triển khai chương trình từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Bên cạnh các lớp tập huấn về chương trình GDMN mới, các lớp bồi dưỡng về công nghệ thông tin, làm đồ dùng, đồ chơi, lớp biên đạo múa… cũng được triển khai. Ngoài ra, các đơn vị còn động viên GV học thêm về ngoại ngữ, tin học, nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới; mạnh dạn áp dụng những phương pháp mới, truy cập thông tin qua mạng và các phương tiện khác để bổ sung tư liệu, nâng cao kiến thức và kỹ năng thực hiện chương trình; tổ chức các đoàn đi tham quan học tập kinh nghiệm ở các tỉnh, giữa các trường trong tỉnh.

 

Lớp học được đầu tư khang trang, sạch đẹp hơn.
Lớp học được đầu tư khang trang, sạch đẹp hơn.


Đặc biệt, để các trường đảm bảo điều kiện cơ bản nhằm thực hiện chương trình GDMN mới, tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất (gần 240 tỷ đồng), mua sắm trang thiết bị, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ GV (hơn 231 tỷ đồng). Nhờ đầu tư có quy mô và đồng bộ, đến nay, 100% trường MN được trang bị máy tính và nối mạng internet; 100% GV có trình độ đào tạo chuyên môn đạt chuẩn, trong đó trên chuẩn chiếm hơn 80%; 100% trường MN, mẫu giáo học 2 buổi/ngày và học chương trình GDMN mới; 100% trường có sự thay đổi rõ nét về việc tạo môi trường hoạt động trong lớp cho trẻ, lớp học sạch đẹp hơn, số góc chơi trong lớp phong phú hơn, đồ dùng, đồ chơi trong các góc cũng nhiều hơn về số lượng, chủng loại… Việc xây dựng cảnh quan, môi trường hoạt động ngoài sân cho trẻ cũng được các đơn vị quan tâm. Nhìn chung, môi trường GD trong và ngoài lớp ở các trường đã có sự hấp dẫn, kích thích trẻ tham gia tìm tòi khám phá, bộc lộ khả năng cá nhân… Bà Bùi Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường MN Lý Tự Trọng cho biết, từ khi thực hiện chương trình GDMN mới, các trường chú ý hơn đến việc lựa chọn những hoạt động gần gũi, thiết thực với cuộc sống của trẻ như: dạy kỹ năng tự phục vụ bản thân, kỹ năng giao tiếp - ứng xử, hợp tác, kỹ năng giải quyết xung đột, kiềm chế cảm xúc…Một số GV đã biết tận dụng và khai thác các phương tiện sẵn có trong môi trường xung quanh để dạy trẻ. Việc tổ chức các hoạt động khám phá xã hội thông qua hình thức giao lưu với người thật, việc thật, tham quan, dã ngoại cũng được tăng cường, giúp trẻ mở rộng vốn sống và mạnh dạn, tự tin hơn.


Khánh Hòa là một trong những tỉnh đặc biệt chú trọng dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số nhằm giảm tỉ lệ trẻ lưu ban, bỏ học ở cấp tiểu học. Bên cạnh tổ chức học bán trú ở tất cả các lớp có học sinh dân tộc thiểu số để trẻ có nhiều thời gian tham gia các hoạt động ở trường, được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt hơn, Sở GD-ĐT còn tham mưu với HĐND tỉnh hỗ trợ tiền ăn trưa cho học sinh mẫu giáo 3 - 5 tuổi là người dân tộc thiểu số 220.000 đồng/tháng; khuyến khích các đơn vị tổ chức cho lớp 5 tuổi hoạt động luôn trong 2 tháng hè nhằm tạo cơ hội phát triển tốt hơn cho trẻ. Trong đợt khảo sát trẻ 5 tuổi trên phạm vi toàn tỉnh mới đây, hầu hết trẻ được khảo sát đều đạt yêu cầu hoàn thành chương trình GDMN mới. Đây là kết quả đáng khích lệ sau 4 năm triển khai thực hiện chương trình này của tỉnh.


Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác GDMN ở Khánh Hòa vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Cụ thể, hệ thống trường lớp tuy được xây dựng, nâng cấp, mở rộng ngày càng hoàn thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh. Các trường MN, mẫu giáo ở khu vực nông thôn chưa đủ điều kiện để thu nhận các cháu trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo bé và nhỡ. Một số trường MN chưa đảm bảo các điều kiện để tổ chức cho trẻ học bán trú. Việc quy hoạch quỹ đất ở các xã, phường, thị trấn (khu trung tâm) cho các trường MN gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các trường MN ở khu vực này đều có sân chơi hẹp, hạn chế trong việc xây dựng môi trường và tổ chức các hoạt động cho trẻ…


THU HIỀN