22:07, 15/10/2024

Chủ động giám sát vi rút cúm gia cầm tại các chợ

HỒNG ĐĂNG

Kết quả giám sát của cơ quan chuyên môn cho thấy, có sự lưu hành vi rút Cúm gia cầm ở một số chợ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Đây là loại vi rút có khả năng gây hại rất lớn cho đàn gia cầm và có khả năng lây sang người.

Phát hiện sự lưu hành vi rút cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm bán tại chợ

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thực hiện đợt giám sát chủ động sự lưu hành vi rút Cúm gia cầm đợt 1 năm 2024, ngày 26-9 vừa qua, chi cục đã tiến hành lấy 28 mẫu gộp swab hầu họng trên gà, vịt sống bán ở chợ tại các địa phương: Ninh Hòa, Nha Trang, Diên Khánh và Cam Lâm (mỗi địa phương lấy 7 mẫu gộp) để xét nghiệm tìm vi rút cúm A subtype H5N1, H5N6 và H5N8.

Theo kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng IV trả về ngày 2-10, bằng phương pháp xét nghiệm Real-time PCR trên mẫu xét nghiệm, trong số 28 mẫu được xét nghiệm cúm gia cầm, phát hiện có 7 mẫu có sự lưu hành vi rút cúm A/H5N1. Các mẫu này đều nằm ở Ninh Hòa và Nha Trang. Còn các mẫu lấy ở Diên Khánh và Cam Lâm chưa phát hiện vi rút với cúm A.

Cụ thể, kết quả giám sát cho thấy gia cầm bán ở đường Sông Cạn, gần chợ Dinh, thị xã Ninh Hòa có 2 mẫu dương tính với vi rút Cúm gia cầm H5N1 (1 mẫu trên gà và 1 mẫu trên vịt). Còn tại chợ Vĩnh Hải, TP. Nha Trang có 5 mẫu (3 mẫu vịt và 2 mẫu gà) dương tính với vi rút Cúm gia cầm H5N1.

Ông Huỳnh Kim Khánh, Chi Cục trưởng Chi cục chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, những năm qua, trên địa bàn tỉnh, tình hình dịch bệnh động vật cơ bản được khống chế. Đối với cúm gia cầm, hàng năm, tỉnh triển khai 2 đợt tiêm phòng cúm gia cầm. Trong số hơn 2,8 triệu con gia cầm, hàng năm, trên địa bàn tỉnh đều triển khai tiêm phòng và thực hiện đạt các mục tiêu ít nhất 80% gia cầm được tiêm phòng đầy đủ các vắc xin phòng bệnh theo quy định. Nhìn chung tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm được kiểm soát, không để xảy ra ổ dịch lớn, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Tuy nhiên, cũng theo cơ quan chuyên môn, việc gia cầm sống và các sản phẩm gia cầm bày bán, giết mổ ở các chợ truyền thống còn tương đối phổ biến, gây khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh cũng như tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh, trong đó có bệnh cúm gia cầm với các thể độc lực cao.

Triển khai các biện pháp xử lý

Ngay khi phát hiện các mẫu gia cầm dương tính với cúm A/H5N1 tại một số chợ có buôn bán gia cầm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã có công văn yêu cầu Trạm Chăn nuôi và Thú y Nha Trang và Ninh Hòa tham mưu chính quyền địa phương chỉ đạo Ban quản lý chợ trên địa bàn thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử trùng, tiêu độc khu vực buôn bán gia cầm và khu vực lân cận. Tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch Cúm trên đàn gia cầm tại địa phương, đặc biệt chú ý tại nơi có ổ dịch cũ; kịp thời phát hiện và xử lý ngay các đàn gia cầm ốm, chết và lấy mẫu các trường hợp bất thường, nghi ngờ gửi cơ quan chuyên môn xét nghiệm xác định.

Ngày 20-9 vừa qua, Trạm Chăn nuôi Thú y Ninh Hòa đã phân bổ 276.600 liều vắc xin và các vật tư tiêm phòng cúm gia cầm cho 27 xã phường. UBND các xã phường đang tổ chức tiêm phòng cho đàn gia cầm theo quy định, đồng thời giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi để kịp thời phát hiện, triển khai các biện pháp xử lý, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Tương tự, hiện toàn tỉnh đang đồng loạt triển khai tiêm phòng vắc xin Cúm gia cầm đợt 2-2024 cho đàn gia cầm trên địa bàn. Cùng với tiêm phòng, cán bộ chuyên môn cũng tập trung hướng dẫn người chăn nuôi bổ sung chất dinh dưỡng tăng sức đề kháng cho đàn gia cầm; vệ sinh chuồng trại, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, đồng thời tiếp tục tăng cường giám sát dịch bệnh, lấy mẫu xét nghiệm, kịp thời phát hiện và triển khai các biện pháp khống chế, không để dịch bệnh lây lan.

Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đối với công tác tiêm phòng cúm gia cầm, ngoài việc người chăn nuôi có trách nhiệm tiêm phòng cho vật nuôi theo quy định của pháp luật, đặc biệt là các trang trại, gia trại chăn nuôi, trên cơ sở nguyên tắc phân vùng nguy cơ, Nhà nước có chính sách hỗ trợ kinh phí tiêm phòng vắc xin Cúm gia cầm cho các đàn gia cầm của cơ sở chăn nuôi gia cầm dưới 500 con ở các địa phương có nguy cơ cao tại 71 xã thuộc các địa phương: Diên Khánh, Cam Lâm, Ninh Hòa và Nha Trang. Mỗi năm 2 đợt tiêm, Nhà nước phân bổ khoảng hơn 1 triệu liều vắc xin để thực hiện chính sách này. Trong đó đến nay, đợt 1 đã tiêm xong, đợt 2 đã phân bổ vắc xin cho các địa phương để tiến hành tiêm trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11 theo kế hoạch.

Hồng Đăng

BOX:

Theo tài liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bệnh cúm gia cầm là một bệnh truyền nhiễm ở loài chim (bao gồm cả gia cầm và chim hoang dã) và động vật có vú (bao gồm cả người). Ở Việt Nam hiện nay đã xác định chủng vi rút gây bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao là H5N1 và H5N6. Một số chủng vi rút cúm gia cầm không gây bệnh cho gia cầm nhưng có thể lây truyền bệnh cho người và gây tử vong ở người (vi rút cúm A/H7N9).

Gia cầm mắc bệnh Cúm gia cầm thể độc lực cao có thời gian ủ bệnh ngắn, thường bị chết đột ngột và không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Tỷ lệ chết có thể lên tới 100% tổng đàn trong vòng vài ngày. Khi mắc bệnh, gia cầm đi không bình thường, loạng choạng, lắc đầu, run rẩy, mệt mỏi, nằm tụ tập từng đám; có các biểu hiện ở đường hô hấp như ho, khó thở, sổ mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, thở khò khè, viêm xoang, sưng viêm mí mắt, chảy nhiều nước mắt, nhiều con sưng khớp; sưng phù đầu và mặt, sưng mí mắt, mào và tích tím tái; xuất huyết dưới da, đặc biệt ở những chỗ da không có lông; tiêu chảy, phân loãng màu trắng hoặc trắng xanh, ở những con đang đẻ năng suất trứng giảm rõ rệt, có trường hợp đẻ trứng không có vỏ. Tiêm phòng đầy đủ, chăn nuôi an toàn là giải pháp hữu hiệu nhất để phòng tránh dịch cúm gia cầm.

Đàn gia cầm chăn nuôi tại huyện Cam Lâm
Đàn gia cầm chăn nuôi tại huyện Cam Lâm
Cán bộ chuyên môn tiêm phòng cúm gia cầm cho các hộ nuôi nhỏ lẻ ở vùng nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh
Cán bộ chuyên môn tiêm phòng cúm gia cầm cho các hộ nuôi nhỏ lẻ ở vùng nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh