Chính sách giao khoán bảo vệ rừng vừa tạo thêm sinh kế cho người dân, vừa góp phần bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách này ở địa bàn thị xã Ninh Hòa đang gặp những khó khăn.
Người dân chưa mặn mà
Theo lãnh đạo UBND xã Ninh Tây, qua rà soát việc triển khai thực hiện hỗ trợ khoán bảo vệ rừng theo Tiểu dự án 1 - Dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn xã có hơn 2.700ha rừng có thể giao khoán cho nhân dân tham gia bảo vệ. Từ năm 2022 đến nay, UBND xã đã chủ trì phối hợp với Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện dự án theo từng năm, trong đó thông báo rộng rãi trên đài truyền thanh và niêm yết công khai diện tích rừng tự nhiên của xã quản lý để nhân dân biết và đăng ký tham gia. Mỗi năm, xã đều tiến hành nhiều đợt họp dân của 7 thôn trên địa bàn để phổ biến, tuyên truyền về nội dung, mục đích, ý nghĩa của dự án; chế độ chính sách, quyền lợi và trách nhiệm của bên khoán và nhận khoán bảo vệ rừng; đối tượng được nhận khoán; địa điểm, khu vực rừng để giao khoán bảo vệ; đồng thời vận động nhân dân nhận khoán bảo vệ rừng.
Khu vực rừng trồng trên địa bàn xã Ninh Tây. Ảnh: Thiện Tâm |
Tuy nhiên, trong những năm qua, không có hộ ĐBDTTS và hộ người Kinh nghèo nào (đối tượng được triển khai chính sách này) trên địa bàn xã Ninh Tây đăng ký nhận khoán bảo vệ rừng. Lý do chủ yếu người dân đưa ra đó là vị trí, địa điểm khu vực rừng tự nhiên xã quản lý để giao cho người dân nhận khoán bảo vệ rất xa buôn làng, khu cộng đồng dân cư sinh sống; rừng có độ dốc cao, đi lại rất khó khăn. Qua rà soát, khu vực rừng giao khoán cách khu dân cư từ 8 đến hơn 20km tùy khu vực. Công việc nhận giao khoán bảo vệ rừng rất vất vả và phức tạp, song mức hỗ trợ cho hộ dân tham gia chỉ có 400.000 đồng/ha/năm là quá thấp so với giá cả thị trường hiện nay. Do đó, việc triển khai Tiểu dự án 1 - Dự án 3 trên địa bàn thị xã Ninh Hòa, cụ thể là ở xã Ninh Tây trong những năm qua không thực hiện được. Nguồn kinh phí chi trả cho nội dung này của năm 2022 được chuyển sang 2023, rồi từ năm 2023 chuyển sang năm 2024.
Đề xuất trả lại kinh phí
Đầu năm 2024, UBND thị xã Ninh Hòa có công văn đề nghị UBND xã Ninh Tây tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và vận động người dân đăng ký nhận khoán bảo vệ rừng; rà soát diện tích rừng và đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng chính sách để tiếp tục đưa vào chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn 2021 - 2025.
Thực hiện chỉ đạo của UBND thị xã, trong tháng 3, UBND xã Ninh Tây cùng các đơn vị, Mặt trận, đoàn thể tổ chức nhiều đợt họp dân theo từng thôn để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia nhận giao khoán bảo vệ rừng. Qua ghi nhận, ngoài trồng keo, mía, trong thời gian nông nhàn, các hộ ĐBDTTS trên địa bàn xã chủ yếu làm thuê cho một số công ty, nhà máy... theo hình thức công nhật nhằm giải quyết cuộc sống hàng ngày. Mặt khác, ngoài những khó khăn như đã nêu ở trên, việc hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng 1 năm, sau đó, UBND xã mới tổ chức nghiệm thu, chi trả nên người dân nhận bảo vệ rừng không có nguồn kinh phí để trang trải cho những chuyến đi tuần tra, bảo vệ rừng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dân không mặn mà nhận giao khoán bảo vệ rừng.
Theo báo cáo của UBND thị xã Ninh Hòa, mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp vận động, tuyên truyền, khuyến khích nhưng đến nay không có hộ dân nào có nhu cầu đăng ký nhận khoán bảo vệ rừng. Do đó, tháng 4, UBND thị xã đã có văn bản về việc rà soát, đề xuất điều chỉnh vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi năm 2024, trong đó đề xuất trả lại toàn bộ kinh phí 360 triệu đồng của nội dung Tiểu dự án 1 - Dự án 3.
Theo kế hoạch, năm 2024, chương trình đặt mục tiêu toàn tỉnh hỗ trợ khoán bảo vệ hơn 10.000ha rừng cho người dân quản lý, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, năm 2024, nguồn vốn sự nghiệp phân bổ hơn 9,3 tỷ đồng, trong đó vốn năm 2022 - 2023 chuyển sang hơn 5,1 tỷ đồng để triển khai nội dung này. Các địa phương và đơn vị được giao quản lý, bảo vệ rừng tập trung chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, xác lập hồ sơ giao khoán bảo vệ rừng theo quy định. Kết quả đến hết tháng 6 thực hiện được hơn 1,5 tỷ đồng, đạt 16,8%.
HỒNG ĐĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin