Cùng với chú trọng phát triển kinh tế, huyện Diên Khánh luôn quan tâm thực hiện tốt công tác lao động, người có công và xã hội. Qua đó, góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn.
Chú trọng giải quyết việc làm cho người dân
Những năm qua, để tạo việc làm bền vững cho người dân, Diên Khánh chú trọng rà soát nhu cầu học nghề của người trong độ tuổi lao động chưa có việc làm. Từ đó, bố trí kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề và kết nối việc làm theo nguyện vọng cho người lao động. Qua rà soát, chị Nguyễn Thị Thắm (xã Suối Tiên) cùng nhiều người dân ở địa phương có nhu cầu học nghề may công nghiệp. Sau đó, chị Thắm được tham gia lớp dạy nghề may ngay tại xã, do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh mở. Trong 3 tháng học, chị Thắm được địa phương hỗ trợ 100% chi phí đào tạo. Sau khi tốt nghiệp, chị được địa phương kết nối vào làm việc tại Công ty TNHH May mặc đồ bơi Thống Nhất (Khu Công nghiệp Suối Dầu, huyện Cam Lâm) với mức lương gần 7 triệu đồng/tháng. Nhờ có công việc, thu nhập ổn định nên cuộc sống gia đình chị Thắm không còn khó khăn như trước. Chị Thắm chỉ là một trong số những lao động địa phương được hỗ trợ đào tạo nghề gắn với tạo việc làm. Được biết, trong năm 2023, toàn huyện đã hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 3.000 người, trong đó có 70 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. Cuối tháng 5-2024, huyện sẽ khai giảng lớp đào tạo nghề nghiệp vụ bếp cho 30 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Đào tạo nghề may công nghiệp cho lao động huyện Diên Khánh. |
Để kết nối việc làm cho người dân, Diên Khánh đã xây dựng đội ngũ cộng tác viên tư vấn, giới thiệu việc làm ở cơ sở. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh khảo sát nhu cầu việc làm của người dân. Trên cơ sở đó, kêu gọi các doanh nghiệp (DN) có nhu cầu tuyển lao động tham gia các phiên giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến để gặp gỡ, phỏng vấn người lao động. Đồng thời, từ thông tin tuyển dụng của các DN, huyện đã thông tin, tuyên truyền đến các xã, thị trấn để người dân nắm bắt, chủ động tìm kiếm việc làm. Qua đó, trong năm 2023, toàn huyện đã giải quyết việc làm cho hơn 1.200 người; tư vấn, hỗ trợ cho 14 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Năm 2024, toàn huyện phấn đấu giải quyết việc làm cho hơn 1.100 người.
Tổ chức phiên giao dịch việc làm kết nối doanh nghiệp với người lao động huyện Diên Khánh. |
Để người dân có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, huyện còn triển khai hiệu quả nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2024, toàn huyện đã giải ngân cho 524 hộ vay, với số tiền hơn 24,8 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, các hộ dân đã đầu tư vào phát triển trồng trọt, chăn nuôi, mở rộng cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán... để tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập. Hiện nay, toàn huyện có 70.306 người trong độ tuổi lao động. Để số lao động này tham gia bảo hiểm xã hội, toàn huyện đã triển khai nhiều giải pháp như: Tổ chức hội nghị tuyên truyền đến thôn, tổ dân phố; lập tổ tuyên truyền, vận động đến từng người dân; phát động phong trào thi đua cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vận động người thân tham gia bảo hiểm xã hội... Qua đó, đến nay, toàn huyện có 21.307 người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, 1.931 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, 20.492 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp...
Chăm lo công tác xã hội
Bà Nguyễn Thị Thanh Lê - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết, toàn huyện có 1.850 người có công với cách mạng, trong đó có 407 người đang được hưởng trợ cấp hàng tháng. Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, toàn huyện luôn thực hiện đồng bộ các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đối với người có công. Đồng thời, huyện còn tích cực vận động các nguồn lực chăm lo chu đáo đối với người có công. Trong năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024, toàn huyện đã tổ chức thăm, trao quà cho gần 5.000 lượt người có công với số tiền hơn 2 tỷ đồng; chi trả chế độ thờ cúng liệt sĩ cho 936 gia đình với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới và sửa chữa 3 căn nhà tình nghĩa với số tiền hơn 110 triệu đồng... Nhờ đó, đến nay, 100% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm việc với UBND huyện Diên Khánh về tình hình thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội. |
Cùng với đó, hơn 6.990 đối tượng bảo trợ xã hội đều được huyện quan tâm thực hiện đầy đủ chế độ trợ cấp hàng tháng và các chế độ khác theo quy định. Trong công tác giảm nghèo, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ, với nhiều giải pháp được triển khai hiệu quả. Nhiều mô hình sinh kế được triển khai đã tiếp thêm động lực vươn lên của hộ nghèo; các chính sách hỗ trợ về nhà ở, nước sạch vệ sinh môi trường, đất ở, đất sản xuất, bảo hiểm y tế, tiền điện… được huyện thực hiện đồng bộ. Nhờ đó, trong năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024, toàn huyện đã giảm được 107 hộ nghèo, 130 hộ cận nghèo.
Ông TẠ HỒNG QUANG - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Thời gian tới, huyện cần bám sát kế hoạch chỉ tiêu, nhiệm vụ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, rà soát chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu đã đề ra; thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách bảo trợ xã hội, phúc lợi xã hội; triển khai đồng bộ các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đồng thời, cần thực hiện rà soát hộ nghèo, cận nghèo chính xác để thực hiện chính sách hiệu quả, giúp người dân thoát nghèo bền vững; tăng cường chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt; phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho người dân, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo…
VĂN GIANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin