Với niềm đam mê khoa học, em Nguyễn Xuân Phương Ngân, lớp 12A6 Trường THPT Lý Tự Trọng (TP. Nha Trang) đã nghiên cứu và thực hiện Dự án “Marinet - Ứng dụng áp dụng công nghệ AI và Blockchain để hỗ trợ ngư dân trong quá trình đánh bắt, sơ chế, bảo quản và phân phối thủy sản”. Đây là 1 trong 6 dự án đạt giải nhất của cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học tỉnh năm học 2023 - 2024 do Sở Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức.
Ngân cho biết, Marinet là kết hợp giữa từ "marine" (biển) và "net" (mạng lưới kết nối). Tìm hiểu về ngành ngư nghiệp, em nhận thấy nhiều ngư dân thường dựa vào kinh nghiệm cá nhân để đánh bắt, chế biến và bảo quản thủy sản khiến chất lượng sản phẩm giảm sút. Bên cạnh đó, ngư dân chủ yếu kết nối với thị trường nhỏ lẻ, dẫn đến việc bị thương lái ép giá, chưa mở rộng được thị trường. Vì vậy, dự án hướng đến phát triển nền tảng ứng dụng điện thoại (app) với 2 tính năng. Một là ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) nhận diện, đánh giá tình trạng chất lượng và đề xuất cách bảo quản, chế biến thủy sản phù hợp với từng loại. Hai là thiết lập sàn thương mại điện tử tích hợp công nghệ Blockchain (một hệ thống phân tán dữ liệu, xây dựng dựa trên chuỗi các khối liên kết với nhau thông qua mã hóa) để quản lý thông tin, kết nối các giao dịch giữa doanh nghiệp với ngư dân, ngư dân với ngư dân và hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Phương Ngân giới thiệu về dự án tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học tỉnh. |
Trong quá trình nghiên cứu, Ngân đã dành nhiều thời gian để tham khảo tài liệu cả tiếng Việt và tiếng Anh, tìm hiểu các khái niệm, chỉ số liên quan, thu thập hình ảnh thực tế và trên mạng Internet, sau đó sử dụng các thuật toán xử lý ảnh để nhận biết các loại sản phẩm và động vật thủy sản. Đến nay, em đã thu thập được hơn 50 hình ảnh cá ngừ đại dương và vẫn đang tiếp tục gia tăng bộ cơ sở dữ liệu. Sau khi có hình ảnh, Ngân thử nghiệm quét, phân tích, đánh giá chất lượng và đề xuất các thông tin bảo quản, chế biến cá ngừ đại dương Việt Nam. Em cũng tiếp tục nghiên cứu thực hiện đối với nhiều loài thủy sản hơn, đồng thời xây dựng sàn thương mại điện tử ngành thủy sản tích hợp công nghệ Blockchain, tạo ra các bài đăng mô tả sản phẩm, thông tin chất lượng và giá cả, giúp ngư dân dễ dàng tham gia thị trường.
Được biết, khi còn là học sinh cấp 1 và 2, Ngân đã yêu thích các chương trình về khoa học, hứng thú với những cuốn sách viết về cuộc đời và những phát minh của các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới. Ngân tập tành làm đồ chơi, dụng cụ từ nguyên vật liệu cũ, tham gia các cuộc thi, hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ STEM… và dần nhận ra đam mê thực sự của mình là kinh doanh và công nghệ. Trước khi đến với cuộc thi, Ngân từng 3 năm liên tiếp đạt giải nhì tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh khi học lớp 9, 10 và 11. Ngân cho rằng, hành trình khám phá phía trước còn rất rộng mở, em sẽ tiếp tục tham gia các sân chơi để thử sức và trau dồi kỹ năng, kiến thức cho mình.
Thầy Nguyễn Lam - giáo viên Trường THPT Lý Tự Trọng, người hướng dẫn Ngân thực hiện dự án Marinet nhận định, Ngân là một học sinh rất đam mê nghiên cứu khoa học và thực sự có năng lực trong lĩnh vực này. Từ ý tưởng của mình, em rất chịu khó mày mò, tìm hiểu, tìm kiếm câu trả lời cho những giả thuyết đưa ra. Dự án của Ngân được các giám khảo cuộc thi đánh giá cao bởi tính sáng tạo và hàm lượng khoa học cao. Trước đó, dự án đã tham gia và giành giải nhất bảng học sinh - sinh viên tại chương trình “Cuộc đua khởi nghiệp” năm 2023 do Tỉnh đoàn và Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tổ chức. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng sẵn sàng hỗ trợ Ngân tiếp tục hoàn thiện dự án để sớm cho ra mắt ứng dụng Marinet trên thị trường.
H.NGÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin