20:46, 09/11/2023

Những thông điệp ý nghĩa về bình đẳng giới

C.ĐAN

Mới đây, tại huyện Khánh Vĩnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Khánh Hòa tổ chức chương trình giao lưu sáng kiến truyền thông về bình đẳng giới, thuộc nội dung Dự án Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Tại buổi giao lưu, những tiểu phẩm được các đội trình diễn đã truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa, thiết thực về bình đẳng giới.

Truyền đi những thông điệp

Chương trình thu hút gần 100 tuyên truyền viên ở 5 địa phương tham gia, gồm: Ninh Hòa, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Diên Khánh và Cam Lâm. Các tuyên truyền viên chia thành 7 đội, trình bày các tiểu phẩm có nội dung phản ánh về cách thức phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, thực hiện bình đẳng giới; kỹ năng bảo vệ cho phụ nữ và trẻ em; hậu quả của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…

Phần thi của Đội tuyên truyền xã Khánh Đông, huyện Khánh Vĩnh.

Mở đầu chương trình giao lưu, Đội tuyên truyền viên xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa) mang tới tiểu phẩm “Con muốn đi học”. Nội dung xoay quanh câu chuyện người cha thường xuyên uống rượu, hay đánh vợ con, bắt con gái 14 tuổi phải nghỉ học để bắt chồng cho có người làm nương rẫy. Sau nhiều lần được già làng, trưởng bản, hội phụ nữ, các đoàn thể vận động, tuyên truyền về lợi ích của việc học, giải thích việc bạo hành vợ con có thể bị xử phạt…, người cha dần tỉnh ngộ và quyết định cho con tiếp tục tới trường.

Các đội tuyên truyền viên của huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn mang đến thông điệp về ngăn chặn tình trạng tảo hôn. Trong câu chuyện, người cha thường xuyên bạo hành vợ vì sinh toàn con gái, bắt những người con đang tuổi ăn học phải nghỉ để lấy chồng. Được sự tuyên truyền, vận động, người cha nhận ra sai lầm của mình, nhất là hệ lụy của việc tảo hôn, bắt con nghỉ học sớm. Từ đó, người cha thay đổi tích cực, biết yêu thương vợ con để cùng xây dựng gia đình hạnh phúc…

Tới xem chương trình, chị Bo Bo Thị Hồng - người dân xã Khánh Thành (huyện Khánh Vĩnh) cho biết: “Những tiểu phẩm các đội biểu diễn đã phản ánh đúng cuộc sống hiện nay của đa số phụ nữ dân tộc thiểu số. Chương trình giúp chúng tôi hiểu được hậu quả của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và biết kỹ năng bảo vệ cho mình và con cái đối với những tình huống bạo lực từ chồng”.

Triển khai nhiều hoạt động

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719 ngày 14-10-2022, gồm 10 dự án thành phần. Trong đó, Hội LHPN Việt Nam được giao chủ trì Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Mục tiêu của Dự án 8 đề ra là giúp phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống tốt hơn, bình đẳng hơn.

Bà Nguyễn Hoàng Vân Hạ - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, tại Khánh Hòa, Dự án 8 được triển khai ở 66 thôn, thuộc 5 địa phương: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Diên Khánh, Cam Lâm và Ninh Hòa. Dự án đề ra chỉ tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh thành lập, duy trì hoạt động 66 tổ truyền thông cộng đồng, 33 tổ tiết kiệm và vay vốn thôn bản; 6 tổ, nhóm sinh kế do phụ nữ tham gia quản lý được hỗ trợ ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các địa chỉ tin cậy cộng đồng; thành lập 20 câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi; tổ chức 50 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản tại địa bàn đặc biệt khó khăn; cán bộ nữ dân tộc thiểu số được nâng cao năng lực phù hợp.

Để đạt được mục tiêu đề ra, từ đầu năm đến nay, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã đồng loạt triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động; xây dựng và nhân rộng các mô hình địa chỉ tin cậy cộng đồng và tổ, nhóm truyền thông tại cộng đồng; tập huấn hướng dẫn giám sát, đánh giá về bình đẳng giới cho cán bộ xã, thôn; trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới... cho các hội viên. “Chương trình giao lưu sáng kiến truyền thông là một trong các hoạt động của dự án, với mục tiêu tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho tuyên truyền viên, cán bộ hội các cấp. Đồng thời, giúp các cán bộ, hội viên, tuyên truyền viên được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong công tác truyền thông. Chương trình còn góp phần cung cấp kiến thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ định kiến giới; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em… cho người dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Qua đó, từng bước thúc đẩy lồng ghép giới trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”, bà Nguyễn Hoàng Vân Hạ chia sẻ.

Ban tổ chức trao giải A cho Đội tuyên truyền viên xã Khánh Đông (huyện Khánh Vĩnh); giải B cho Đội tuyên truyền viên xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa) và thị trấn Khánh Vĩnh; các đội còn lại đạt giải C. Ban tổ chức còn trao 2 giải phụ với nội dung “Đội có thông điệp truyền tải ấn tượng” và “Đội có nội dung mang tính thời sự”.

C.ĐAN