Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định, trong khói thuốc lá có chứa khoảng 7.000 chất hóa học, 69 chất gây ung thư, gây ra nhiều nguy hiểm cho sức khỏe. Đặc biệt, người mắc bệnh đái tháo đường càng có nguy cơ cao xảy ra các biến chứng nếu hút thuốc lá.
Mít tinh phòng, chống tác hại của thuốc lá tại TP. Cam Ranh. |
Khói thuốc lá làm cho Insulin hấp thu chậm, chỉ số đường máu tăng lên khó kiểm soát. Người mắc bệnh đái tháo đường nếu hút thuốc lá hoặc hít thuốc lá thụ động thường xuyên sẽ tăng gấp 2 lần nguy cơ mắc bệnh tim mạch, làm cho các cơ quan trong cơ thể bị tổn thương nghiêm trọng. Ngoài các biến chứng tim mạch, hệ hô hấp, nó còn gây tổn thương võng mạc mắt, suy giảm thần kinh, hoại tử ngón chân, bàn chân dẫn đến nguy hiểm cho sức khỏe, nguy cơ tử vong tăng lên.
Báo cáo của Bộ Y tế nhấn mạnh, bệnh đái tháo đường là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay, làm gia tăng gánh nặng y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, cộng đồng hiểu biết về bệnh này còn nhiều hạn chế. Trên toàn cầu, theo báo cáo của Hiệp hội Phòng, chống đái tháo đường thế giới, năm 2021, cứ 10 người trưởng thành có hơn 1 người mắc bệnh đái tháo đường. Thống kê từ năm 2000 đến nay, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở người từ 20 đến 79 tuổi đã tăng hơn gấp 3 lần so với thời gian trước đây; chi phí y tế cho bệnh đái tháo đường cũng tăng lên gấp nhiều lần.
Tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường gia tăng nhanh, xuất hiện ở cả đô thị, nông thôn, miền núi, trung du. Bệnh gây nhiều tác hại cho sức khỏe, tàn phế, thậm chí tử vong bởi thường phát hiện, chẩn đoán điều trị muộn. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 7 triệu người bị bệnh đái tháo đường, trong đó 55% đã có biến chứng. Tỷ lệ biến chứng tim mạch là 34%, biến chứng mắt và thần kinh 39,5%, biến chứng thận 24%. Bệnh nhân đái tháo đường đã có biến chứng không những làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống. Tỷ lệ người béo phì gia tăng, hút thuốc lá đã làm lứa tuổi mắc đái tháo đường ngày càng trẻ hóa, đây là hồi chuông báo động.
Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa đặc trưng với biểu hiện lượng đường trong máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường. Đái tháo đường được phân ra 3 loại là đái tháo đường tuýp 1, tuýp 2 và đái tháo đường thai kỳ (xảy ra trong quá trình mang thai). Điều nguy hiểm, đối với đái tháo đường tuýp 2, các triệu chứng có thể rất nhẹ, người bệnh khó nhận ra như: Cảm thấy rất khát, đi tiểu nhiều, nhìn mờ, cáu kỉnh, ngứa ran, tê bàn tay hoặc bàn chân, mệt mỏi, vết thương không lành, nhiễm trùng nấm men, cảm thấy đói, giảm cân mà không cần cố gắng, nhiễm trùng nhiều hơn, biểu hiện da sẫm màu, sần quanh cổ hoặc nách. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh đái tháo đường là tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, thừa cân, béo phì, ít vận động thể lực, chế độ ăn uống không đúng cách, thừa năng lượng, lạm dụng rượu, bia, đặc biệt là hút thuốc lá.
Điều trị bệnh đái tháo đường phải kết hợp nhiều yếu tố, bao gồm thay đổi lối sống, ăn uống, tập luyện, bỏ thuốc lá, dùng thuốc để ổn định lượng đường trong máu. Bác sĩ sẽ căn cứ loại đái tháo đường, tình trạng sức khỏe của người bệnh để có những điều trị cụ thể. Để phòng bệnh, người có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cần thực hiện tốt các hành vi sức khỏe có lợi, chế độ ăn uống hợp lý, vận động thể lực hàng ngày, áp dụng các biện pháp y tế để giảm thiểu, loại trừ các yếu tố nguy cơ từ sớm; thực hiện xét nghiệm đường máu định kỳ hàng năm để phát hiện sớm bệnh và tình trạng tiền đái tháo đường.
Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường của Việt Nam hiện ở mức 7,3%, tỷ lệ tiền đái tháo đường dưới 17%; tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá là 45%. Vì thế, mỗi người hãy lắng nghe, chăm sóc và cần biết những nguy cơ mắc đái tháo đường của cơ thể. Qua đó, phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời nhằm đẩy lùi căn bệnh, góp phần bảo vệ tương lai của chính mình và gia đình.
NGUYỄN THỊ QUẾ LÂM
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin