20:16, 03/08/2023

Chủ động ứng phó với sự cố tràn dầu

THÁI THỊNH

Hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có 17 bến cảng biển, 52 bến thủy nội địa, 4 cảng cá, 1 khu chuyển tải dầu, 5 kho xăng dầu và hơn 200 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Đây là những nơi tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến xảy ra sự cố tràn dầu, tác động xấu tới môi trường. Do đó, Ban Chỉ huy ứng phó sự cố tràn dầu tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có chuyên môn trong lĩnh vực môi trường chuẩn bị bài bản về nhân, vật lực để không bị động trước mọi tình huống.

Ông Hoàng Cộng Hòa - Trưởng đại diện Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam khu vực miền Trung cho biết, với số lượng cảng biển nhiều, hoạt động du lịch, đánh bắt thủy sản diễn ra nhộn nhịp trên các vịnh: Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh thì nguồn phát sinh sự cố tràn dầu chính từ lượng nước bị nhiễm dầu trên các tàu thuyền, đặc biệt trong hoạt động đánh bắt thủy sản. Trên các tàu đánh bắt thủy sản và các cảng cá ở Khánh Hòa, hầu hết đều chưa có hệ thống xử lý nước nhiễm dầu trong quá trình hoạt động; do đó các doanh nghiệp, ngư dân đều xả trực tiếp xuống biển. Trên đất liền, Khánh Hòa có 200 cửa hàng xăng dầu bán lẻ, nhiều hệ thống trữ xăng dầu đã cũ, lâu ngày không được nâng cấp nên bị rò rỉ, ngấm vào đất, ảnh hưởng tới mạch nước ngầm và nguy cơ về cháy, nổ. Bên cạnh đó, trong các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn lớn trên địa bàn tỉnh hiện nay đều chứa một lượng xăng dầu để phục vụ máy phát điện; trong các khu công nghiệp chứa dầu dự phòng, dầu bôi trơn, dầu làm mát… phục vụ cho các dây chuyền hoạt động. Do đó, các đơn vị này cũng thường trực những nguy cơ về sự cố tràn dầu. “Với những quy định của Chính phủ về mức xử phạt cao như hiện nay trong lĩnh vực môi trường, khi xảy ra các sự cố về tràn dầu, các doanh nghiệp, cá nhân thường tự xử lý bằng những phương tiện thủ công, không báo cho các đơn vị có chuyên môn để xử lý vì sợ bị xử phạt và tốn kém chi phí khắc phục. Việc khắc phục không triệt để hoặc che giấu sự cố tràn dầu để lại những hệ lụy, nguy cơ lâu dài cho con người, ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái, tài nguyên trên biển và đất liền”, ông Hòa đánh giá.

Công ty Cổ phần Cảng Quốc tế Nam Vân phong đã tổ chức buổi diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu.
Cán bộ, công nhân Công ty Cổ phần Cảng Quốc tế Nam Vân phong diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu.

Theo ông Hòa, với thực trạng nêu trên, để giảm thiểu sự cố tràn dầu, các tàu thuyền đánh bắt thủy sản và hoạt động du lịch ở Khánh Hòa cần được trang bị những thiết bị lọc nước nhiễm dầu trước khi xả ra môi trường. Các cơ quan chức năng của tỉnh cần kiểm soát chặt chẽ từ các nguồn nước trên các tàu, thuyền trong quá trình đánh bắt thủy sản; xử lý nghiêm những trường hợp xả nước thải, nước nhiễm dầu ra môi trường. Các chủ doanh nghiệp cần được trang bị những kiến thức, phương tiện để có thể ứng phó ngay với sự cố tràn dầu xảy ra tại đơn vị, dự án của mình...

Năm 2019, UBND tỉnh đã có quyết định ban hành Quy chế hoạt động ứng phó, khắc phục và giải quyết sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thành lập Ban Chỉ huy ứng phó sự cố tràn dầu tỉnh, trong đó Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) là cơ quan thường trực. Bà Nguyễn Thị Lan - Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, những năm qua, sở đã phối hợp với Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam khu vực miền Trung xử lý một số sự cố tràn dầu nhỏ của các đơn vị trên biển và đất liền; tổ chức các lớp tập huấn và diễn tập về sự cố tràn dầu tại các bến cảng, như: Nam Vân Phong, Kho xăng dầu Ngoại quan Vân Phong… Mới đây, ngày 31-7, Sở TN-MT tổ chức lớp tập huấn kỹ năng ứng phó sự cố tràn dầu cho 100 học viên là cán bộ, nhân viên thuộc các cảng biển, bến thủy nội địa, cảng cá, khu chuyển tải dầu, cửa hàng bán xăng, dầu trên địa bàn tỉnh.  

Được biết, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của UBND TP. Nha Trang và các địa phương trong tỉnh, nhằm nâng cao năng lực ứng phó sự cố không chỉ cho cấp quản lý nhà nước, mà còn tăng cường năng lực xử lý sự cố cho cấp cơ sở. Thời gian tới, Ban Chỉ huy ứng phó sự cố tràn dầu tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị chuyên môn chuẩn bị về nhân lực, trang thiết bị, hậu cần tại chỗ để sẵn sàng, không bị động trước sự cố tràn dầu; hỗ trợ cho các doanh nghiệp, chủ tàu thuyền nhận diện nguy cơ, đầu tư trang thiết bị, đưa ra giải pháp xử lý sự cố tràn dầu. Đồng thời, áp dụng các thiết bị, công nghệ hiện đại để xử lý, hoàn trả lại môi trường trong sạch cho các vùng biển và trên đất liền đang bị ô nhiễm do các sự cố tràn dầu.

THÁI THỊNH