Những năm qua, các cấp hội người mù trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã triển khai hiệu quả cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng hòa nhập cộng đồng”. Qua đó, góp phần giúp người khiếm thị trong tỉnh cải thiện cuộc sống, vượt lên số phận...
Ông Nguyễn Tuấn, chủ cơ sở massage Ánh sáng người mù trên đường Hoa Lư và Hồng Bàng (TP. Nha Trang) là tấm gương người khiếm thị tiêu biểu cho nghị lực vượt lên số phận. Bị mù từ khi còn nhỏ, lớn lên, ông xin vào sinh hoạt tại Hội Người mù TP. Nha Trang và được đi học chữ braille. Để có chi phí lo cho sinh hoạt hàng ngày, ông Tuấn còn học làm chổi, tăm tre để bán. Khi biết đến nghề massage, bấm huyệt, ông đã đăng ký đi học. Sau gần 3 năm học nghề, ông trở về truyền dạy lại cho những người cùng cảnh ngộ và vay vốn ngân hàng đầu tư mở cơ sở massage trên đường Hoa Lư. Với quyết tâm và nghị lực vượt khó, ông đã từng bước xây dựng cơ sở massage Ánh sáng người mù trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều người dân và du khách. Làm ăn hiệu quả, vợ chồng ông Tuấn đầu tư mở thêm cơ sở massage thứ 2 trên đường Hồng Bàng. Hiện nay, mỗi ngày, 2 cơ sở phục vụ hơn 100 khách, đem lại thu nhập hơn 10 triệu đồng/ngày. Đặc biệt, toàn bộ nhân viên massage, bấm huyệt ở 2 cơ sở của ông Tuấn đều là người khiếm thị được ông tiếp nhận và truyền dạy nghề. Cả 2 cơ sở của ông Tuấn đang tạo việc làm cho hơn 30 người mù, với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng và được ông Tuấn lo chỗ ăn, ở. Không chỉ vậy, đến nay, ông Tuấn đã dạy nghề và giúp đỡ cho hơn 50 người khiếm thị khác mở cơ sở riêng… Ông Tuấn là tấm gương người khiếm thị tiêu biểu đã vượt qua bóng tối, khẳng định nghị lực của bản thân, vươn lên làm chủ cuộc sống.
Ông Lê Văn Thắng - Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết, nhiều năm qua, hội đã tích cực triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua do cấp trên phát động. Đặc biệt, cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng hòa nhập cộng đồng” được triển khai sâu rộng từ năm 2007 đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo động lực, nghị lực cho hội viên vươn lên. Qua hơn 15 năm triển khai cuộc vận động, hội đã phát triển được 8 hội cấp huyện, 47 chi hội cấp xã với hơn 1.000 hội viên tham gia sinh hoạt. Nhờ triển khai tốt cuộc vận động nên hàng năm, hội đều được đánh giá là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đặc biệt, thông qua cuộc vận động, hội đã xây dựng được 6 cơ sở sản xuất tập trung các mặt hàng, như: Chổi, tăm tre, nhang… giải quyết việc làm thường xuyên cho 106 người mù với thu nhập khoảng 2 triệu đồng/người/tháng. Hội còn vận động, hỗ trợ cho hội viên mở 23 cơ sở massage bấm huyệt gia đình, giúp tạo việc làm cho 162 hội viên, với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.
Dạy nghề xoa bóp, bấm huyệt cho người khiếm thị tại huyện Vạn Ninh. |
Bên cạnh đó, hội đã chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề vận dụng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để khảo sát nhu cầu và mở hàng chục lớp đào tạo nghề mây tre đan, làm chổi, xoa bóp, bấm huyệt, thêu, công nghệ thông tin… cho 334 người khiếm thị. Cùng với đó, từ nguồn Quỹ vốn vay giải quyết việc làm (gần 1 tỷ đồng) do hội quản lý, hội đã cho gần 400 lượt hội viên vay vốn xoay vòng. Ngoài ra, từ nguồn vốn từ thiện xã hội hơn 300 triệu đồng, hội đã cho gần 600 lượt hội viên vay đầu tư kinh doanh, buôn bán, chăn nuôi hiệu quả. Đối với những hội viên già yếu, bệnh tật không có khả năng làm việc, hội khảo sát, lập hồ sơ đề nghị ngành chức năng thực hiện trợ cấp hàng tháng. Đến nay, toàn tỉnh có 1.009 người mù được hưởng trợ cấp hàng tháng và được cấp phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Từ nguồn kinh phí vận động, các cấp hội đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 68 căn nhà cho hội viên, với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng. Đồng thời, trao hơn 180.800 suất quà cho hội viên, với tổng số tiền hơn 42 tỷ đồng. Ngoài ra, mỗi năm, có từ 70 đến 80 học sinh là con người khiếm thị được các cấp, ngành trao tặng học bổng, trị giá 1 triệu đồng/suất. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ ngày càng thu hút được đông đảo hội viên tham gia, tạo không khí sôi nổi, giúp người khiếm thị tự tin, hòa nhập cộng đồng…
Ông NGUYỄN THÀNH SƠN - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Sở luôn phối hợp chặt chẽ với Hội Người mù tỉnh để kịp thời giải quyết các thủ tục thực hiện trợ cấp cho những người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ mở các lớp đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho những người có khả năng lao động; tổ chức các hoạt động văn nghệ... Qua đó, giúp người khiếm thị từng bước vươn lên, hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, đời sống của nhiều người khiếm thị vẫn còn khó khăn nên rất cần sự sẻ chia, hỗ trợ từ cộng đồng, xã hội…
VĂN GIANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin