22:25, 11/04/2023

Dự án đường bộ cao tốc Nha Trang - Cam Lâm: Áp dụng nhiều công nghệ hiện đại trong thi công

Theo kế hoạch, tháng 6-2023, công trình đường bộ cao tốc Nha Trang - Cam Lâm sẽ thông xe kỹ thuật, vượt tiến độ 3 tháng. Để làm được điều này, bên cạnh nỗ lực của người lao động, nhà đầu tư đã trang bị nhiều dây chuyền công nghệ hiện đại lần đầu tiên có ở Việt Nam để đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu vực dự án.

Đầu tư nhiều công nghệ mới

Ông Nguyễn Văn Huy - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (doanh nghiệp dự án) cho biết, theo hợp đồng được ký kết giữa nhà đầu tư với Bộ Giao thông vận tải, công trình đường bộ cao tốc Nha Trang - Cam Lâm sẽ thông xe kỹ thuật vào tháng 9 và đưa vào khai thác cuối năm 2023. Tuy nhiên, với nỗ lực xây dựng tuyến đường cao tốc kiểu mẫu, được sự động viên của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp đã cam kết huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại nhất để đẩy nhanh tiến độ, xong trước 3 tháng so với kế hoạch. Doanh nghiệp đã nhập nhiều máy móc công nghệ cao từ châu Âu và Mỹ để thi công.

Có mặt tại công trường, chúng tôi ghi nhận hàng nghìn công nhân đang nỗ lực thi công, đẩy nhanh tiến độ dự án. Kỹ sư Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Để tăng tốc độ thảm, chúng tôi đã nhập máy thi công bê tông nhựa chuyên dụng của Đức. Máy có thể thi công làn 8m (máy công nghệ cũ chỉ được 4m). Dây chuyền này được vận hành tự động, hệ thống cân, đo, tốc độ điều khiển bằng mắt thần tự động hoàn toàn; đảm bảo chiều dày, kích thước, chất lượng và thẩm mỹ theo hồ sơ thiết kế. Nếu như trước đây, một dây chuyền thảm phải có 20 công nhân, kỹ sư tham gia vận hành thì với công nghệ mới này, chỉ cần 5 công nhân là có thể vận hành được, giúp đẩy nhanh tiến độ và giảm bớt nhân lực so với công nghệ cũ”. Không chỉ vậy, hệ thống cung cấp vật liệu thảm cũng được nhập khẩu từ Đức, vừa có thể giữ được nhiệt độ bê tông nhựa từ nhà máy trộn ra tới công trường, vừa trộn đều hơn, giúp cho nền đường được đảm bảo đúng với yêu cầu kỹ thuật. Đến thời điểm này, đây là dây chuyền hiện đại được nhập khẩu và áp dụng lần đầu tiên tại Việt Nam.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng áp dụng công nghệ thi công xây dựng dải phân cách giữa là bê tông xi măng đổ liền khối tại hiện trường bằng máy chuyên dụng. Đây là công nghệ hiện đại tiên tiến hàng đầu thế giới. Với dây chuyền này, kết quả thi công cho thấy dải phân cách sau khi rải có bề mặt bê tông láng mịn, không rỗ, không có hiện tượng nứt nẻ và không biến dạng, đảm bảo hình dạng theo hồ sơ thiết kế. Các tính toán đảm bảo ổn định, an toàn, thẩm mỹ khi vận hành. Công nghệ này thi công chủ yếu bằng robot nên số lượng nhân công tham gia ít hơn so với công nghệ đổ tại chỗ lắp ghép, tiến độ thi công cũng nhanh hơn. Được biết, công nghệ này cũng được nhập khẩu từ Đức, trong quá trình vận hành có các chuyên gia nước ngoài tham gia chuyển giao công nghệ. Mỗi ngày, dây chuyền này có thể thực hiện được 1km dải phân cách giữa. Ngoài ra, doanh nghiệp dự án cũng đầu tư hệ thống máy lu lèn, được nhập khẩu từ châu Âu. Hệ thống này thi công tốn ít thời gian hơn, lượt lu ít hơn, cơ động hơn nhưng vẫn bảo đảm được hệ số kỹ thuật.

Dây chuyền công nghệ cung cấp nguyên liệu và thảm bê tông nhựa nóng hiện đại, được nhà đầu tư nhập khẩu từ Châu Âu về áp dụng thi công.
Dây chuyền công nghệ cung cấp vật liệu và thảm bê tông nhựa nóng hiện đại, được nhà đầu tư nhập khẩu từ châu Âu.
Hệ thống lu nèn nền đường hiện đại giúp giảm nhân công, đẩy nhanh tiến độ dự án.
Hệ thống lu lèn nền đường hiện đại giúp giảm nhân công, đẩy nhanh tiến độ dự án.

 

Đảm bảo vệ sinh môi trường

Trong quá trình thi công dự án, dọc tuyến đường không thể tránh được những ảnh hưởng đến khu vực dân cư. Để đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu vực, doanh nghiệp dự án đã triển khai 12 xe tưới nước liên tục dọc tuyến. Đối với 4 trạm nghiền đá trên tuyến, nhà thầu đầu tư hệ thống tưới, phun nước đảm bảo vệ sinh môi trường. Ngay khi các xe chở đá vào trạm, đơn vị đã lắp đặt hệ thống tưới nước lên vật liệu. Đồng thời, tại các máy nghiền có trang bị hệ thống tưới bằng máy bơm áp lực cao, nước sau khi tưới phun được thu gom về hố thu và xử lý theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Tại khu vực nghiền sàng được lắp đặt hệ thống tưới nước, phun sương trên băng chuyền sàng và cả đầu ra. Đơn vị cũng lắp đặt hệ thống bạt vây quanh ngăn không cho bụi phát tán. Hệ thống phun sương áp lực cao này hoạt động 24/24 giờ.

Ông Đặng Ngọc Thế - Phó Chủ tịch UBND xã Cam An Bắc (huyện Cam Lâm) cho biết, doanh nghiệp dự án cao tốc thi công dọc địa bàn đã thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường. Địa phương đánh giá cao nhà thầu đã nỗ lực trong việc triển khai dàn phun sương áp lực cao hơn 2km dọc tuyến qua địa bàn để chống bụi. Địa phương cũng tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp thi công, sớm hoàn thành công trình.

 

Ông Nguyễn Thanh Hiến - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải: Việc nhà đầu tư áp dụng nhiều giải pháp thi công công nghệ cao, hiện đại vào xây dựng đường bộ cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đánh giá rất cao. Chính vì thế, tiến độ, chất lượng công trình được đảm bảo; nhà đầu tư cam kết thông xe kỹ thuật rút ngắn tiến độ, hoàn thành trước 3 tháng. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi kiểm tra công trình đã biểu dương nhà đầu tư. Đây được xem là dự án kiểu mẫu về đầu tư xây dựng được triển khai trên địa bàn tỉnh, cũng như khu vực và cả nước.

 

 

THÀNH NAM