Với việc đưa vào hoạt động Khu trưng bày đa dạng sinh học biển, kết nối đường hầm xuyên núi của khu trưng bày tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa, Viện Hải dương học đang làm mới công tác trưng bày, thu hút người xem, tăng cường tuyên truyền về đa dạng sinh học biển, đại dương, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Với việc đưa vào hoạt động Khu trưng bày đa dạng sinh học biển, kết nối đường hầm xuyên núi của khu trưng bày tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa, Viện Hải dương học đang làm mới công tác trưng bày, thu hút người xem, tăng cường tuyên truyền về đa dạng sinh học biển, đại dương, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Những công trình ấn tượng
Viện Hải dương học vừa đưa vào hoạt động Khu trưng bày đa dạng sinh học biển 3 tầng, rộng hơn 600m2, trưng bày hàng chục ngàn mẫu sinh vật, khoáng vật, tiêu bản, thông tin về đa dạng sinh học biển Việt Nam. Khu trưng bày mô phỏng nơi sinh sống, bãi đẻ của rùa biển, các sinh vật như thân mềm, rắn biển Việt Nam, mô hình rạn san hô ở Trường Sa… Kỹ thuật chế tác các mẫu rong biển tạo hình cá mao tiên - biểu tượng của Viện Hải dương học - được khảm từ hàng ngàn mảnh rong biển khác nhau rất điêu luyện. Đặc biệt là bộ sưu tập mẫu sinh vật biển trong suốt cách điệu sự hình thành của nhiều loài sinh vật. Đây cũng là nơi sưu tầm, lưu giữ bộ sưu tập mẫu sinh vật biển Việt Nam lớn nhất, với gần 27.000 mẫu vật của khoảng 6.000 loài sinh vật được thu thập từ khi thành lập viện (năm 1922) đến nay.
Điều đặc biệt, công trình này kết nối với đường hầm thủy cung xuyên núi mang tên Khu trưng bày tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Đường hầm có chiều dài 128m, rộng 8-12m do người Pháp xây dựng từ những năm 1930 để vận chuyển hàng hóa bằng xe goòng từ cảng Nha Trang sang núi Cảnh Long - nơi có danh thắng lầu Bảo Đại. Tại đây có tất cả 6 bể nuôi, quy mô lớn, có dung tích lên đến 165m3. Với chủ đề “Sức sống đại dương”, các bể nuôi cỡ lớn đã khắc họa vẻ đẹp của thế giới sinh vật biển với những hệ sinh thái đặc trưng cho biển đảo Việt Nam và khu vực quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Những bể áp tường thể hiện đa dạng thành phần cá rạn san hô như: cá bò, cá bướm, cá kẽm, cá bàng chài… Bể bán nguyệt trưng bày các loài san hô mềm ở vùng biển Trường Sa… Điểm nhấn ấn tượng là 25m đường hầm hẹp nhất được thiết kế theo dạng bể vòm, nuôi thả những loài cá dữ có kích thước lớn như cá mập, cá đuối.
Tuyên truyền về đa dạng sinh học
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Vỵ - Trưởng phòng Thực vật học, Viện Hải dương học cho biết, để chế tác các mẫu vật trong suốt, các nhân viên của phòng phải mất gần 1 năm mới làm xong bộ sưu tập, gồm 70 loài mẫu vật rong biển của 3 ngành rong (đỏ, lục, nâu), có kích thước lớn thể hiện sự đa dạng rong biển ven bờ Việt Nam. Chỉ với mô hình cá mao tiên cũng đã có đến 70 loài rong. Còn Thạc sĩ Hồ Sơn Lâm - Phó Trưởng phòng Kỹ thuật nuôi sinh vật biển Viện Hải dương học cho biết, việc triển khai xây dựng đường hầm thủy cung Khu trưng bày tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa rất công phu, từ việc thi công đào hầm, thiết kế, lắp đặt bể... Tất cả nhằm giới thiệu đến công chúng về sự đa dạng sinh học của biển mà chúng ta đang sở hữu.
Theo Tiến sĩ Trương Sĩ Hải Trình - Trưởng phòng Truyền thông và Giáo dục môi trường, Viện Hải dương học, đây là những công trình có ý nghĩa rất lớn về mặt tuyên truyền, giáo dục về đa dạng sinh học biển và đại dương, đặc biệt là đa dạng sinh học khu vực biển 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam. Với hàng chục ngàn mẫu vật, thông tin, hình ảnh, tài liệu sống động liên quan, các công trình đã khắc họa sinh động hệ sinh thái sinh vật biển đa dạng của Việt Nam, qua đó giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu quê hương, đất nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Việc hình thành khu trưng bày đa dạng sinh học biển với những mẫu vật lạ mắt, trong suốt, thể hiện cách làm mới trong công tác tuyên truyền, thu hút người xem…
V.L