11:07, 17/07/2022

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề

Những năm gần đây, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có nhiều đổi mới trong công tác tuyển sinh, đào tạo nghề. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Những năm gần đây, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã có nhiều đổi mới trong công tác tuyển sinh, đào tạo nghề. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.


Linh hoạt tuyển sinh, đào tạo


Ông Đỗ Quang Thiện - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Cam Ranh cho biết, thời gian qua, nhà trường phối hợp chặt chẽ với các xã, phường, các hội, đoàn thể và trường THCS, THPT trên địa bàn để tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giải thích về lợi ích của việc học nghề, lập nghiệp cho phụ huynh học sinh và nhân dân. Bên cạnh đó, trường tập trung nâng cao công tác đào tạo, lựa chọn đào tạo những ngành nghề phù hợp với nhu cầu thực tế, nguyện vọng của người học. Trong quá trình đào tạo, trường chú trọng dạy thực hành để người học dễ dàng tiếp cận kiến thức thực tế, khi ra trường đi làm không bị bỡ ngỡ. Nhờ cách làm đó, năm học 2021-2022, trường đã tuyển sinh đào tạo hệ trung cấp được 398 người, đạt 104,73% kế hoạch; đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên được 600 người, đạt 100% kế hoạch. Năm học 2022-2023, trường tuyển sinh được 100 học sinh hệ trung cấp, hơn 200 học viên hệ sơ cấp và thường xuyên.

 

Học thực hành nghề điện lạnh tại Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh.

Học thực hành nghề điện lạnh tại Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh.


Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh đã ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để tư vấn, định hướng nghề nghiệp; đổi mới công tác đào tạo bằng việc dành 90% thời lượng cho học sinh thực hành trên thiết bị; liên kết với một số doanh nghiệp để tạo điều kiện cho học sinh thực hành, thực tập thực tế. Cùng với đó, trường mời gọi các chuyên gia, kỹ sư giỏi ở các doanh nghiệp tham gia giảng dạy nghề cho học sinh. Nhờ đó, năm học 2021-2022, trường đã tuyển sinh đào tạo hệ trung cấp được 250 học sinh, đạt 100% kế hoạch, đào tạo trình độ sơ cấp và thường xuyên 394 học viên, đạt 106,49% kế hoạch. Năm học 2022-2023, trường tuyển sinh được 244 học sinh hệ trung cấp, 252 học viên hệ sơ cấp và thường xuyên…


Ông Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, những năm qua, 8 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc sở đã có nhiều nỗ lực trong đổi mới công tác tuyển sinh, đào tạo nghề. Năm học 2021-2022, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng các trường đã linh hoạt ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để tuyển sinh, đào tạo. Bên cạnh đó, các trường cũng thích ứng linh hoạt trong việc lựa chọn tuyển sinh, đào tạo những ngành, nghề mà thị trường, doanh nghiệp đang cần; chủ động liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo, tạo cơ hội việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp. Chính từ sự đổi mới tuyển sinh, đào tạo đó đã thu hút đông đảo người lao động tham gia học nghề, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động cho địa phương...


Nâng cao chất lượng đào tạo

 

Năm học 2021-2022, 8 cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Sở LĐ-TB-XH tuyển sinh, đào tạo hệ trung cấp 2.654 người; đào tạo trình độ sơ cấp và thường xuyên 4.003 người; giáo dục nghề cho 4.744 học sinh THPT; tư vấn việc làm cho 5.570 người. Năm học 2022-2023, các trường đã tuyển sinh 1.605 học sinh hệ trung cấp; 2.776 học viên trình độ sơ cấp và thường xuyên; đào tạo nghề cho 74 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an; đào tạo nghề cho 240 lao động đang làm việc tại doanh nghiệp nhỏ và vừa; dạy nghề cho 18 người khuyết tật.

Ông Lê Văn Lương - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế Khánh Hòa cho biết, trường luôn xác định phải thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động. Do vậy, trong thời gian tới, nhà trường sẽ đẩy mạnh công tác chuyển đổi số. Trong đó, chú trọng thực hiện các tiêu chuẩn về trường học số, hạ tầng số, phòng thực hành số, giáo trình số, chương trình đào tạo số, ứng dụng công nghệ thực tế ảo. Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng, nền tảng, thiết bị và học liệu số; nội dung đào tạo các cấp trình độ phù hợp với yêu cầu thực tế.


Còn ông Mạc Tiến Hưng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Ninh Hòa cho biết, cùng với nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường sẽ chú trọng bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, kiến thức cho đội ngũ nhà giáo; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo, mở rộng học thực hành tại doanh nghiệp cho học sinh. Đồng thời, tích cực kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng nhằm đảm bảo đầu ra cho người học; lựa chọn đào tạo những ngành nghề “hot”, đang thiếu lao động, nhất là đào tạo đi trước đón đầu để tạo nguồn nhân lực cho Khu Kinh tế Vân Phong.


Theo ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt ra mục tiêu giai đoạn 2021-2025 đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 31%; giai đoạn 2026-2030 đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 90%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%. Do vậy, trong thời gian tới, 8 cơ sở giáo dục nghề nghiệp của sở sẽ tập trung đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nhân lực. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo; đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý đủ năng lực, trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt, gắn kết chặt chẽ công tác đào tạo với doanh nghiệp và thị trường lao động; liên kết và cân đối giữa các bậc đào tạo, ngành nghề đào tạo để phát triển nguồn nhân lực đạt chất lượng cao…


VĂN GIANG