Tuy đã thắng kiện từ 5 năm qua, nhưng 17 công nhân Công ty TNHH Long Shin (Khu Công nghiệp Suối Dầu) vẫn chưa đòi được khoản nợ trợ cấp thôi việc. Ngay cả khi công ty đã bán tài sản, họ vẫn chưa được ưu tiên giải quyết khoản nợ này.
Tuy đã thắng kiện từ 5 năm qua, nhưng 17 công nhân Công ty TNHH Long Shin (Khu Công nghiệp Suối Dầu) vẫn chưa đòi được khoản nợ trợ cấp thôi việc. Ngay cả khi công ty đã bán tài sản, họ vẫn chưa được ưu tiên giải quyết khoản nợ này.
Gian nan đòi nợ
Năm 2000, Công ty TNHH Long Shin được cấp giấy phép hoạt động chế biến hải sản xuất khẩu. Đến năm 2015, do làm ăn không hiệu quả nên đơn vị phải chấm dứt hoạt động, gần 300 công nhân mất việc làm. Chủ doanh nghiệp người Đài Loan bỏ trốn về nước, không chi trả các khoản trợ cấp thôi việc cho người lao động. Để đòi nợ, 17 công nhân viết đơn khởi kiện công ty ra tòa. Năm 2016, Tòa án nhân dân huyện Cam Lâm đã tuyên 17 công nhân thắng kiện, buộc Công ty TNHH Long Shin phải chi trả hơn 325,3 triệu đồng cho 17 công nhân. Ngoài ra, hiện nay, Công ty TNHH Long Shin vẫn còn nợ hơn 216 triệu đồng tiền trợ cấp của 61 công nhân khác (số công nhân này không khởi kiện).
Ông Hồ Văn Hàng (phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang) cho biết: “Tuy đã thắng kiện nhưng nhiều năm qua, chúng tôi vẫn chưa đòi được nợ. Do ít am hiểu về pháp luật nên chúng tôi không biết phải làm cách nào để đòi nợ. Hiện nay, chúng tôi chỉ mong chờ các cấp, ngành chức năng vào cuộc để bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân”. Còn bà Dương Thị Thu Trang (phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang) bức xúc: “Chúng tôi biết mới đây có doanh nghiệp khác đã mua lại tài sản của Công ty TNHH Long Shin. Chúng tôi rất mong các ngành chức năng xem xét ưu tiên chi trả khoản nợ cho công nhân. Chúng tôi sợ mất trắng khoản nợ trợ cấp”…
Chờ ý kiến cấp trên
Ông Bùi Đăng Thành - Trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, để bảo vệ quyền lợi cho công nhân, nhiều năm qua, Liên đoàn Lao động tỉnh đã có hàng chục văn bản đề nghị các ngành chức năng, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo thi hành án để trả nợ cho công nhân. Hiện nay, Công ty TNHH Tâm Như đã mua lại toàn bộ tài sản nhà máy của Công ty TNHH Long Shin. Căn cứ Điểm c Khoản 1 Điều 48 và Khoản 2, Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Tiền lương, bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được ưu tiên thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp bị chấm dứt hoạt động, giải thể, phá sản”. Do vậy, Cục Thi hành án dân sự tỉnh cần ưu tiên trả khoản nợ cho công nhân.
Theo lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Công ty TNHH Long Shin phải thanh toán cho Ngân hàng Frist Commercial Bank Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh với số tiền lãi và gốc hơn 62,7 tỷ đồng; nộp án phí hơn 170 triệu đồng. Quá trình thi hành án, đơn vị đã kê biên, xử lý tài sản Công ty TNHH Long Shin thế chấp cho ngân hàng nói trên và bán đấu giá thành với số tiền hơn 11 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí xử lý tài sản và án phí, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã chi trả cho ngân hàng hơn 10,1 tỷ đồng; tạm giữ lại số tiền hơn 325,3 triệu đồng do có nhiều cơ quan, ban, ngành của tỉnh đề nghị đơn vị giữ lại và chi trả số tiền trên cho 17 công nhân. Tuy nhiên, đối chiếu các quy định tại Khoản 3 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự và Điều 12 Nghị quyết số 42 ngày 21-6-2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, toàn bộ số tiền bán tài sản của Công ty TNHH Long Shin được ưu tiên thanh toán cho ngân hàng trước khi thanh toán các khoản khác.
Theo ông Nguyễn Thái Hổ - Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, để giải quyết vấn đề này, đơn vị đã có văn bản báo cáo Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự xem xét, có ý kiến chỉ đạo trong việc chi trả số tiền trên cho người lao động. Do vậy, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đang chờ ý kiến cấp trên. Khi có kết quả, đơn vị sẽ báo cáo các cơ quan chức năng và người lao động biết.
VĂN GIANG