10:06, 17/06/2021

Đẩy mạnh phát triển nghề công tác xã hội

Những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã quan tâm xây dựng, mở rộng nghề công tác xã hội (CTXH) nhằm góp phần chăm lo cho các đối tượng yếu thế và nâng cao hiệu quả an sinh xã hội. Với những hiệu quả bước đầu, thời gian tới, nghề CTXH sẽ tiếp tục được quan tâm, đầu tư phát triển hơn nữa.

Những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã quan tâm xây dựng, mở rộng nghề công tác xã hội (CTXH) nhằm góp phần chăm lo cho các đối tượng yếu thế và nâng cao hiệu quả an sinh xã hội. Với những hiệu quả bước đầu, thời gian tới, nghề CTXH sẽ tiếp tục được quan tâm, đầu tư phát triển hơn nữa.


Những kết quả nổi bật


Sau khi Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 - 2020 trên địa bàn tỉnh được phê duyệt, hoạt động CTXH ngày càng ổn định. Trên địa bàn tỉnh, 136 xã, phường, thị trấn đã có nhân viên CTXH chuyên nghiệp thực hiện các dịch vụ CTXH, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng yếu thế. Cùng với đó, 20 cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập cũng bố trí nhân viên CTXH cung cấp dịch vụ, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 1.135 trẻ mồ côi, người khuyết tật, người cao tuổi cô đơn. Tại cộng đồng, có khoảng hơn 400.000 người đang được hỗ trợ các dịch vụ CTXH, chủ yếu là thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội; trong đó gần 44.000 đối tượng bảo trợ xã hội được trợ cấp hàng tháng.

 

Nhân viên công tác xã hội xã Suối Hiệp (huyện Diên Khánh)  trao hỗ trợ cho đối tượng yếu thế.

Nhân viên công tác xã hội xã Suối Hiệp (huyện Diên Khánh) trao hỗ trợ cho đối tượng yếu thế.


Bên cạnh đó, năm 2015, tỉnh đã thành lập Trung tâm CTXH tỉnh (nay là Trung tâm CTXH - Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh) và Trung tâm Bảo trợ xã hội - CTXH thị xã Ninh Hòa để cung cấp đầy đủ các dịch vụ xã hội đến với người dân. Từ đó đến nay, các trung tâm CTXH đã tiếp nhận và tư vấn, trợ giúp, cung cấp thông tin cho hàng nghìn người dân. Ngoài ra, các bệnh viện trên địa bàn toàn tỉnh đều thành lập tổ, bộ phận CTXH để cung cấp dịch vụ, đáp ứng nhu cầu cho người dân đến khám, chữa bệnh. Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đều thành lập tổ, bộ phận CTXH tổ chức cung cấp dịch vụ cho sinh viên, học sinh.


Để nâng cao trình độ, tính chuyên nghiệp cho đội ngũ nhân viên CTXH, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã cử hơn 40 cán bộ, nhân viên đi đào tạo trình độ thạc sĩ, cử nhân chuyên ngành CTXH. Mỗi năm, ngành tổ chức 2 lớp bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng nghề cho nhân viên các cơ sở bảo trợ xã hội và các xã, phường, thị trấn. Nhờ đó, nghề CTXH ngày càng phát triển, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.


Nâng cao mục tiêu theo từng giai đoạn


Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình phát triển CTXH giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, kế hoạch đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, có 60% cơ quan, tổ chức bố trí nhân sự làm CTXH; ít nhất 30% cán bộ, nhân viên CTXH được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ, kỹ năng CTXH; 50% cơ sở trợ giúp xã hội, y tế, giáo dục có cung cấp dịch vụ CTXH và tỷ lệ người được tư vấn, hỗ trợ tăng 20% so với năm 2020; bảo đảm 85% trẻ em mồ côi, khuyết tật, nhiễm HIV, bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh được cung cấp dịch vụ CTXH phù hợp. Giai đoạn 2026 - 2030, có 90% cơ quan, tổ chức bố trí nhân sự làm CTXH; 60% cơ sở trợ giúp xã hội y tế, giáo dục có cung cấp dịch vụ CTXH và tỷ lệ người được tư vấn, hỗ trợ tăng tối thiểu 30% so với năm 2025; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng cho 40% số cán bộ, nhân viên CTXH; bảo đảm 90% trẻ em mồ côi, khuyết tật, nhiễm HIV, bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh được cung cấp dịch vụ CTXH…


Theo ông Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương sẽ tập trung phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH trong các ngành, lĩnh vực và các tổ chức chính trị - xã hội; nhân rộng mô hình cung cấp dịch vụ CTXH tại cơ sở trợ giúp xã hội, mô hình cung cấp dịch vụ CTXH toàn diện, hỗ trợ sinh kế cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, rà soát, sắp xếp, bố trí cán bộ làm CTXH trong các cơ quan, đơn vị; ưu tiên trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, cai nghiện ma túy, hỗ trợ phạm nhân hoàn lương và giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc. Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho cán bộ, nhân viên CTXH; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về CTXH; đẩy mạnh hợp tác quốc tế liên quan đến các lĩnh vực của CTXH nhằm tận dụng kinh nghiệm, nhân lực, tài lực của các tổ chức quốc tế.


VĂN GIANG