Những ngày qua, ở huyện miền núi Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), các già làng, trưởng thôn, cán bộ Mặt trận, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã trở thành "cánh tay nối dài" của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Những ngày qua, ở huyện miền núi Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), các già làng, trưởng thôn, cán bộ Mặt trận, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) đã trở thành “cánh tay nối dài” của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Tuyên truyền bằng 3 thứ tiếng
Những ngày này, thôn Bố Lang (xã Sơn Thái) rộn ràng chuẩn bị bước vào ngày hội lớn. Trên con đường bê tông kéo dài vào xã Sơn Thái, đã thấy cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới bên những băng rôn, biểu ngữ chào mừng ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.
Giữa trời nắng như đổ lửa, ông Hà Nhơn - Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Bố Lang vẫn đứng ở nhà văn hóa cộng đồng thôn để giới thiệu, tuyên truyền đến người dân trong thôn về ngày bầu cử. Ông Hà Nhơn vừa đọc lại tiểu sử các ứng viên trên bảng niêm yết cho bà con nghe bằng tiếng Việt rồi thuật lại bằng tiếng Raglai và tiếng T’rin.
Xã Sơn Thái có 1.311 cử tri, trong đó thôn Bố Lang 747 cử tri, chia thành 2 tổ bầu cử. 90% người dân trong thôn là đồng bào dân tộc Raglai, đời sống quanh năm gắn với nương rẫy. Nhiều người dân không biết chữ, không hiểu tiếng Việt nên việc đưa thông tin ngày bầu cử đến cử tri gặp nhiều khó khăn. Trong các buổi tiếp xúc cử tri, giới thiệu tiểu sử, chương trình hành động của các ứng cử viên, chỉ có hơn 20 người là già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong làng tham dự. Là người có uy tín trong thôn, lời ông Hà Nhơn nói người trong thôn đều nghe theo. Vì thế, cứ mỗi buổi chiều, bà con đi làm nương rẫy về, ông lại đến từng nhà để tuyên truyền về ngày bầu cử và công tác phòng, chống dịch Covid-19. Những gia đình nào có người đang làm trên rẫy thì gọi điện thoại nhắc nhở trở về trước ngày 23-5 để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Ông Phạm Ngọc Hữu - Chủ tịch UBND xã Sơn Thái chia sẻ: “Ông Hà Nhơn là người địa phương, sâu sát nhất với bà con, có thể nói được tiếng Việt, tiếng T’rin, Raglai nên việc tuyên truyền về ngày bầu cử, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến cộng đồng dân cư phát huy hiệu quả rất cao”.
Tuyên truyền viên “làng Bác Hồ”
Bà Ca Tông Thị Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh: Các già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong ĐBDTTS đã đóng góp rất lớn trong việc tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện về ngày bầu cử. Với việc tuyên truyền rộng khắp và hiệu quả hơn 1 tháng nay, người dân ở huyện Khánh Vĩnh đang rất háo hức chờ đợi đến ngày được đi bầu cử.
|
Thôn A Xay (xã Khánh Nam) - nơi được đặt cho tên gọi đầy vinh dự, tự hào “làng Bác Hồ” - có đồng bào dân tộc Kinh, Raglai, Tày, Nùng, Mường, Thái… sống hòa thuận, tương thân tương ái, đoàn kết với nhau. Hôm chúng tôi đến, bà Hứa Thị Tiệp (người dân tộc Tày) - Trưởng ban công tác Mặt trận thôn A Xay đang ở nhà bà Cao Thị Dung (75 tuổi) để tuyên truyền về ngày bầu cử. Bà Dung nằm trong danh sách 294 cử tri của thôn A Xay, nhưng đi lại khó khăn. Bà Tiệp đã tận tình đọc tiểu sử các ứng viên, rồi căn dặn, hướng dẫn cặn kẽ con cháu trong nhà bà Dung đưa bà đi thực hiện quyền công dân của mình trong ngày bầu cử.
Người dân thôn A Xay chủ yếu làm nương rẫy, đi từ 5 giờ đến chiều tối mới về nên các cuộc họp, loa phát thanh vào ban ngày hầu như không có hiệu quả. Do đó, các cuộc họp thôn đều diễn ra ban đêm. Bà Tiệp kể: “Người dân thôn A Xay không thích dài dòng, văn bản chữ nhiều. Như khi tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19, tôi chỉ cần nói: Có quy định mới rồi đó, bà con nay đi chợ, ra đường nhớ đeo khẩu trang, nếu không sẽ bị phạt 2 triệu đồng. Thế là bà con truyền tai nhau nghe theo…”.
Ông Đặng Thành Nhân - Chủ tịch UBND xã Khánh Nam cho biết, đợt bầu cử lần này, xã có 1.350 cử tri chia thành 4 tổ, trong đó ĐBDTTS chiếm 80%. Những già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong ĐBDTTS như bà Tiệp và các thành viên trong tổ bầu cử chủ yếu là người địa phương, gần dân nên tuyên truyền rất tốt và hiệu quả.
Bà Ca Tông Thị Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, với đặc thù là huyện miền núi có 80% dân số là ĐBDTTS, song song với việc tuyên truyền về ngày bầu cử bằng tiếng Việt, đài phát thanh của huyện còn tuyên truyền bằng tiếng Raglai. Phòng Dân tộc huyện đã mở 3 lớp tuyên truyền cho các già làng, thôn trưởng, người có uy tín trong ĐBDTTS, các hộ ĐBDTTS trên địa bàn huyện về công tác bầu cử.
THÁI THỊNH