11:05, 20/05/2021

Tập trung các biện pháp gia tăng độ che phủ rừng

Những năm qua, lực lượng kiểm lâm đã có nhiều nỗ lực trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, qua đó góp phần gia tăng độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh. Nhân kỷ niệm 48 năm ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam (21-5-1973 - 21-5-2021), ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết:

Những năm qua, lực lượng kiểm lâm đã có nhiều nỗ lực trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, qua đó góp phần gia tăng độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh. Nhân kỷ niệm 48 năm ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam (21-5-1973 - 21-5-2021), ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết:

 


- Để đảm bảo tỷ lệ độ che phủ rừng là 46,5% vào năm 2025 theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh, lực lượng kiểm lâm tập trung tham mưu, thực hiện những giải pháp trọng tâm như: Giữ vững diện tích rừng tự nhiên hiện có; tăng diện tích rừng trồng phòng hộ (chủ yếu là trồng rừng thay thế các diện tích rừng đã chuyển mục đích); tăng cường trồng rừng mới, nhất là phải tập trung trồng trong giai đoạn 2021 - 2022 (để đến năm 2025, các diện tích này sẽ được tính vào độ che phủ rừng). Bên cạnh đó, việc khoanh nuôi các diện tích đất chưa có rừng nhưng có cây rừng tái sinh bằng các biện pháp lâm sinh; không để cháy rừng; không phát nương rẫy trái phép, để các diện tích rừng trên phát triển thành rừng tự nhiên phục hồi cũng là giải pháp quan trọng trong nâng tỷ lệ độ che phủ rừng của tỉnh.


- Chi cục Kiểm lâm tham mưu tỉnh như thế nào trong thực hiện Đề án trồng mới 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thưa ông?


- Cùng với cả nước, thực hiện Đề án trồng mới 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, Chi cục Kiểm lâm đang hoàn chỉnh kế hoạch trồng rừng theo chương trình này, tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu trồng 10,755 triệu cây xanh phù hợp với điều kiện sinh thái, quy hoạch và quỹ đất hiện có của từng địa phương trong tỉnh. Trong đó, trồng mới 8 triệu cây phân tán và 1.600ha rừng trồng tập trung (2,755 triệu cây), gồm: 1.400ha rừng phòng hộ và 200ha rừng sản xuất.


- Chi cục đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm địa phương như thế nào để công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn ngày càng tốt hơn?


- Công tác quản lý bảo vệ rừng đã được các cấp, ngành quan tâm; lực lượng kiểm lâm luôn căng sức trên mọi cánh rừng để chống lại các hành vi phá rừng trái phép, khai thác rừng trái pháp luật… nhưng tình trạng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp vẫn chưa có dấu hiệu giảm một cách bền vững. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng đất rừng để sản xuất nông nghiệp, sản xuất hàng hóa, làm dự án… là những nguy cơ thu hẹp diện tích rừng hiện có của tỉnh.


Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tập trung chỉ đạo lực lượng kiểm lâm các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức về công tác bảo vệ rừng dưới nhiều hình thức; tuyên truyền có trọng điểm đối với các đối tượng có liên quan đến công tác này như: Các hộ dân có tham gia phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; tham mưu cho chính quyền cấp cơ sở thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp theo Luật Lâm nghiệp. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của chủ tịch UBND các cấp trong công tác bảo vệ rừng tại địa phương (chú trọng vào vai trò của cấp xã); xác định rõ trách nhiệm của chủ rừng đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng, từ đó hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chủ rừng thực hiện tốt hơn công tác quản lý bảo vệ rừng trên diện tích được giao. Về lâu dài, các địa phương cần thực hiện tốt việc lồng ghép các chương trình tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc miền núi, các xã có rừng, nhất là các chương trình gắn với công tác bảo vệ rừng.


- Xin cảm ơn ông!


HẢI LĂNG (Thực hiện)