Nhiều năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Nha Trang được cấp trên đánh giá là cơ sở hội tiêu biểu về thực hiện những hoạt động hướng đến chăm lo, hỗ trợ hội viên, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Nhiều năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP. Nha Trang được cấp trên đánh giá là cơ sở hội tiêu biểu về thực hiện những hoạt động hướng đến chăm lo, hỗ trợ hội viên, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Đến thăm gia đình ông Nguyễn Xuân Trong và bà Nguyễn Thị Hòa (phường Vĩnh Hải), chúng tôi mới hiểu được nghị lực vượt lên nỗi đau da cam của gia đình. Anh Nguyễn Xuân Khánh - con trai duy nhất của ông bà bị tật nguyền, động kinh, tâm thần bởi chất độc da cam. Hàng ngày, anh Khánh chỉ nằm một chỗ, không phản ứng ngoại cảnh, kể cả các nhu cầu của bản thân. Mọi sinh hoạt của anh Khánh đều do vợ chồng già hơn 80 tuổi chăm sóc. Nhìn con như vậy, vợ chồng ông Trong luôn đau đớn và nhiều lúc muốn buông xuôi. Song, với sự can trường của người lính, vợ chồng ông nỗ lực để vươn lên. Ông Trong tâm sự: “Nỗi đau nào cũng có giới hạn, nếu chỉ nhìn vào những nỗi khổ sẽ dễ khiến người ta rơi vào bi quan. Với sự quan tâm của các cấp, ngành, sự giúp đỡ của bạn bè, nhất là Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố thường xuyên thăm hỏi, động viên, hỗ trợ nên vợ chồng tôi có thêm điều kiện để chăm sóc con”.
Hoàn cảnh gia đình bà Nguyễn Thị Tô Duyên (phường Vĩnh Hải) cũng khá éo le. Con gái duy nhất của bà là chị Phạm Thị Quỳnh Trang cũng bị di chứng bởi chất độc da cam từ người cha. Tay chân co quắp nên chị chỉ nằm một chỗ. Những ngày trái gió trở trời, chị Trang thường gào thét, cào cấu liên tục khiến ai chứng kiến cũng đau lòng. Cuộc sống của gia đình càng éo le hơn khi chồng bà mất do ung thư. Giờ đây, bà đã già yếu (73 tuổi), không còn đi bán rau ở chợ được nữa nên chỉ sống nhờ vào khoản trợ cấp của Nhà nước và mạnh thường quân cho con gái. Bà Duyên chia sẻ: “Nhờ có sự động viên, giúp đỡ của bà con lối xóm, nhất là Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố mà tôi mới có nghị lực sống để chăm sóc con tốt hơn”…
Ông Nguyễn Xuân Đông - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP. Nha Trang cho biết, hiện nay, hội có hơn 900 hội viên là nạn nhân chất độc da cam, trong đó có hơn 70 người là con đẻ của họ. Hầu hết gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn do tuổi cao, sức yếu, không còn khả năng lao động, nhất là những gia đình có con cháu bị dị dạng, dị tật. Để góp phần giúp đỡ những nạn nhân da cam, hội đã vận động, xây dựng 4 hội xã, phường và 22 chi hội cơ sở. Các cấp hội thành phố đã vận động các đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ quỹ. Từ những cách làm đó, mỗi năm, hội vận động được hơn 100 triệu đồng để chăm lo cho hội viên. Điển hình như phường Phước Long, Vĩnh Hải…
Từ nguồn quỹ vận động được, hàng năm, hội đều dành từ 75 đến 130 triệu đồng để hỗ trợ các gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi vào dịp lễ, Tết; thăm khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho hội viên. Hội còn kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí xây, sửa nhà ở cho hội viên. Từ năm 2017 đến nay, hội đã vận động hỗ trợ, xây sửa 25 căn nhà cho hội viên với tổng kinh phí gần 170 triệu đồng. “Qua khảo sát, hiện nay có 2 gia đình nạn nhân có nhà bị xuống cấp, trong khi hoàn cảnh rất éo le. Do vậy, chúng tôi đã thống nhất trích 50 triệu đồng để hỗ trợ các gia đình sửa chữa nhà ở vào thời gian tới”, ông Đông chia sẻ.
Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP. Nha Trang là điểm sáng trong các hoạt động. Với cách làm sáng tạo, hội đã phát triển được cơ sở hội, chi hội; đồng thời rất nỗ lực, năng động trong kêu gọi nguồn lực từ cộng đồng chung tay giúp đỡ nạn nhân da cam.
Phú An