10:08, 23/08/2020

Cấp bản sao giấy khai sinh theo thông tư mới: Còn bất cập

Thông tư số 04 của Bộ Tư pháp có hiệu lực từ ngày 16-7-2020, quy định chi tiết một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015 của Chính phủ đã tháo gỡ nhiều vướng mắc trong lĩnh vực hộ tịch, nhưng vẫn còn một số quy định chưa thuận lợi cho người dân và cơ quan đăng ký hộ tịch, đặc biệt là về cấp bản sao giấy khai sinh.

Thông tư số 04 của Bộ Tư pháp có hiệu lực từ ngày 16-7-2020, quy định chi tiết một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015 của Chính phủ đã tháo gỡ nhiều vướng mắc trong lĩnh vực hộ tịch, nhưng vẫn còn một số quy định chưa thuận lợi cho người dân và cơ quan đăng ký hộ tịch, đặc biệt là về cấp bản sao giấy khai sinh.


Thông tư chưa sát theo Luật Hộ tịch


Khoản 1 Điều 28 Thông tư 04 quy định: “Bộ Tư pháp in, phát hành giấy khai sinh (bản chính và bản sao), giấy chứng nhận kết hôn (bản chính), sổ đăng ký khai sinh, sổ đăng ký kết hôn, sổ đăng ký khai tử... Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên hệ với Bộ Tư pháp để được cung cấp mẫu giấy tờ, sổ hộ tịch và phải chịu trách nhiệm nếu cơ quan đăng ký hộ tịch tại địa phương sử dụng mẫu giấy tờ, sổ hộ tịch không do Bộ Tư pháp phát hành”. Điều này có nghĩa, cơ quan đăng ký hộ tịch phải cấp bản sao giấy khai sinh theo phôi mẫu của Bộ Tư pháp phát hành.


Tuy nhiên, Điều 9 Luật Hộ tịch nêu: “Trích lục hộ tịch là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp nhằm chứng minh sự kiện hộ tịch của cá nhân đã đăng ký tại cơ quan đăng ký hộ tịch. Bản chính trích lục hộ tịch được cấp ngay sau khi sự kiện hộ tịch được đăng ký. Bản sao trích lục hộ tịch bao gồm bản sao trích lục hộ tịch được cấp từ cơ sở dữ liệu hộ tịch và bản sao trích lục hộ tịch được chứng thực từ bản chính”. Theo đó, Luật Hộ tịch chỉ quy định về trích lục hộ tịch (bản chính và bản sao), không có bản sao giấy khai sinh.


Bất cập


Trước khi Thông tư 04 có hiệu lực, việc cấp trích lục khai sinh (bản sao) thực hiện theo Thông tư 15/2015 (có hiệu lực từ ngày 2-1-2016). Theo đó, khi người dân yêu cầu bản sao trích lục khai sinh, cơ quan đăng ký hộ tịch chủ động vào cơ sở dữ liệu hộ tịch in, xác nhận để cấp. Quy định này từng được xem là bước tiến về cải cách hành chính của ngành Tư pháp. Trong gần 5 năm thực hiện Thông tư 15, tại các cuộc sơ kết, tổng kết hàng năm của Bộ Tư pháp, chưa địa phương nào phản ánh khó khăn, vướng mắc hay nguy cơ làm giả liên quan đến bản sao trích lục khai sinh.


Trước nữa, cuối năm 2009, Bộ Tư pháp có Quyết định 3924 phê duyệt Đề án “Cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký hộ tịch và phân cấp việc in, phát hành sổ, biểu mẫu hộ tịch”. Đề án phân tích, nhu cầu sử dụng bản sao, đặc biệt bản sao giấy khai sinh của các địa phương quá lớn, nhưng do phải sử dụng thống nhất mẫu do Bộ Tư pháp in, phát hành nên gây khó khăn cho các cơ quan đăng ký hộ tịch khi cần sử dụng. Tình trạng Bộ Tư pháp không đáp ứng kịp thời bản sao giấy khai sinh không những tạo bức xúc cho người dân mà còn gây áp lực cho cơ quan đăng ký hộ tịch... Bản sao giấy tờ hộ tịch được cấp từ sổ đăng ký hộ tịch cũng có giá trị chứng minh sự kiện hộ tịch, nhưng chỉ được sử dụng 1 lần và không được dùng để sao theo thủ tục chứng thực, do đó không nhất thiết in màu, có hoa văn như một số bản sao hiện hành. Từ đó, đề án quy định, tất cả bản sao (giấy khai sinh, giấy chứng tử...) in màu, có hoa văn chuyển sang in đen trắng, không hoa văn. Bộ Tư pháp chỉ in, phát hành 5 biểu mẫu sổ hộ tịch, 5 biểu mẫu bản chính. Tất cả biểu mẫu bản sao đăng trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, cơ quan đăng ký hộ tịch và người có yêu cầu được quyền tự truy cập in, sử dụng miễn phí.


Thông tư số 85/2019, Thông tư số 281/2016 của Bộ Tài chính quy định, việc cấp bản sao trích lục hộ tịch không thu lệ phí, chỉ thu phí khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu hộ tịch. Tuy nhiên, Quyết định số 177 ngày 1-7-2020 của Nhà xuất bản Tư pháp (được gửi kèm Công văn số 288 phối hợp triển khai Điều 27, 28 Thông tư 04) quy định giá bán bản sao giấy khai sinh là 1.100 đồng/tờ. Đây là bản in màu, có hoa văn, tem chống giả. Do phải mua bản sao giấy khai sinh nên khi cấp cho người dân, nếu cơ quan đăng ký hộ tịch không thu tiền thì với số lượng bản sao hàng năm rất lớn do cấp theo nhu cầu, các địa phương khó đáp ứng được. Riêng Khánh Hòa, từ ngày 1-7 đến nay, các huyện, thị xã, thành phố đã đăng ký mua 112.300 bản sao giấy khai sinh, tương đương số tiền thanh toán hơn 123 triệu đồng. Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tư pháp do Bộ Tư pháp tổ chức vào tháng 7, đại diện Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh cũng nêu tình trạng bị động của địa phương liên quan đến cấp bản sao giấy khai sinh theo Thông tư 04. Tuy nhiên, ông Hồ Quang Huy - Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp nhấn mạnh, đơn vị này sẽ bảo đảm cung cấp kịp thời, đủ số lượng đăng ký và yêu cầu các sở tư pháp sớm tổng hợp nhu cầu đặt mua bản sao giấy khai sinh gửi Nhà xuất bản Tư pháp.


Nên chăng, Bộ Tư pháp xem lại quy định về cấp bản sao giấy khai sinh trong Thông tư 04 để tạo thuận lợi cho người dân, giảm chi phí xã hội và góp phần cải cách thủ tục hành chính, đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.


Nguyễn Vũ