Theo báo cáo của Sở Tư pháp, hiện nay, rất nhiều đơn vị sử dụng lao động (hành nghề tài xế grab, tài xế taxi, bảo vệ...) khi tuyển dụng đều yêu cầu người lao động nộp phiếu lý lịch tư pháp.
Loay hoay tìm người được bồi thường
Theo báo cáo của Sở Tư pháp, hiện nay, rất nhiều đơn vị sử dụng lao động (hành nghề tài xế grab, tài xế taxi, bảo vệ...) khi tuyển dụng đều yêu cầu người lao động nộp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP). Nếu phiếu LLTP ghi họ chưa được xóa án tích, đơn vị tuyển dụng thường từ chối, dẫn đến họ không có việc làm, có khả năng tái phạm.
Khoản 2 Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nêu: “Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới...”. Tuy nhiên, Luật Thi hành án dân sự (THADS) lại thể hiện, khi hết thời hiệu yêu cầu thi hành án, nếu không thuộc trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, bất khả kháng, có trở ngại khách quan thì người phải thi hành án mất quyền yêu cầu cơ quan THADS tổ chức thi hành án. Thực tế, việc mất quyền yêu cầu thi hành án đã xảy ra.
Thời gian qua, quá trình giải quyết hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP nhằm xóa án tích tại Sở Tư pháp cũng cho thấy, một số trường hợp đã chấp hành xong hình phạt chính và nộp án phí hình sự nhưng chưa bồi thường xong thiệt hại quy định trong bản án. Đến khi hết thời hiệu yêu cầu thi hành án, người chấp hành án muốn bồi thường thì không thể liên hệ được với bên bị hại (do vụ án xảy ra đã lâu; bị hại thay đổi nơi cư trú...). Do vậy, họ không đủ điều kiện được xóa án tích, ảnh hưởng đến việc hòa nhập cộng đồng, mất cơ hội việc làm... Tuy nhiên, pháp luật chưa quy định giải quyết trường hợp trên. Sở Tư pháp đã kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc trên.
Đã gỡ vướng
Ngày 17-2, Trung tâm LLTP quốc gia (Bộ Tư pháp) chính thức đề nghị Tổng cục THADS hướng dẫn trường hợp trên. Ngày 3-3, Tổng cục THADS ra Công văn số 648 hướng dẫn các cục THADS cấp tỉnh thống nhất thực hiện theo khoản 6 Điều 4 Nghị định số 62/2015 của Chính phủ. Ngày 30-3, Trung tâm LLTP quốc gia gửi Công văn số 111 tới sở tư pháp các tỉnh thống nhất hướng dẫn theo Công văn 648.
Cụ thể, khoản 6 Điều 4 Nghị định 62 quy định: “Trường hợp phạm nhân là người phải thi hành án, thân nhân của họ hoặc người được họ ủy quyền yêu cầu thi hành án tự nguyện nộp tiền, tài sản thi hành án khi đã hết thời hiệu thi hành án thì cơ quan THADS không ra quyết định khôi phục thời hiệu thi hành án mà chỉ ra quyết định thi hành án tương ứng với khoản tiền, tài sản họ tự nguyện nộp”. Như vậy, nếu người phải thi hành án đã chấp hành xong hình phạt tù, có đơn yêu cầu thi hành án mà thời hiệu yêu cầu thi hành đã hết và người được thi hành án chưa nộp đơn yêu cầu thi hành, cơ quan THADS sẽ áp dụng quy định trên để người phải thi hành án đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích và thực hiện các trình tự, thủ tục thi hành án theo quy định.
Tuy vướng mắc đã được tháo gỡ, nhưng theo thông tin từ Sở Tư pháp, có trường hợp đi lại rất nhiều lần, yêu cầu sở hướng dẫn họ đến cơ quan nào có thể nộp tiền bồi thường để đủ điều kiện xóa án tích, có thể đi xin việc... Còn ông Dương Diêu - Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh xác nhận, đến nay, các cơ quan THADS tỉnh vẫn chưa tiếp nhận trường hợp nào thuộc đối tượng trên tự nguyện nộp tiền, tài sản theo bản án để đủ điều kiện được xóa án tích.
Ông Dương Diêu cho biết thêm, để thực hiện, người phải thi hành án chỉ cần tới cơ quan THADS theo thẩm quyền và xuất trình bản án cùng đơn yêu cầu thi hành án. Sau khi ra quyết định thi hành và tiếp nhận tiền, tài sản, theo Điều 49 Nghị định 62, nếu hết thời hạn 5 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực hoặc 1 năm, kể từ ngày thông báo đối với trường hợp thu được tiền sau thời điểm 5 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực mà người được thi hành án không đến nhận thì cơ quan THADS sẽ làm thủ tục chuyển nộp số tiền, tài sản đó vào ngân sách Nhà nước.
NGUYỄN VŨ
Công văn số 111 của Trung tâm LLTP quốc gia: Khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP, nếu cá nhân khai rõ về án tích, tình trạng thi hành án và đang vướng mắc về việc thi hành đối với các quyết định dân sự trong bản án hình sự nhưng muốn được thi hành để đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích, sở tư pháp hướng dẫn họ liên hệ cơ quan THADS có liên quan để thi hành, sau đó thực hiện thủ tục yêu cầu cấp phiếu LLTP.
Trường hợp đã tiếp nhận hồ sơ, sau khi tra cứu, xác minh, xác định người yêu cầu cấp phiếu LLTP bị kết án, chưa thi hành các quyết định dân sự trong bản án hình sự, không đủ điều kiện đương nhiên xóa án tích, sở tư pháp cấp ngay phiếu LLTP và ghi tình trạng “có án tích” trên phiếu theo quy định. Sau khi cấp, nếu người được cấp phiếu muốn tự nguyện thi hành các quyết định dân sự trong bản án hình sự để đủ điều kiện đương nhiên xóa án tích, sở tư pháp hướng dẫn họ liên hệ cơ quan THADS có liên quan để thi hành, sau đó thực hiện thủ tục yêu cầu cấp phiếu LLTP.