Dịch bệnh Covid-19 đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các hộ, cá nhân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Trước thực tế trên, ngành Thuế tỉnh sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để có những chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân.
Dịch bệnh Covid-19 đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các hộ, cá nhân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Trước thực tế trên, ngành Thuế tỉnh sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để có những chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân.
Kinh doanh gặp khó
Bà Lê Thị Trâm Anh, chủ quán cơm gà Trâm Anh trên đường Bà Triệu, TP. Nha Trang cho biết, mỗi tháng, bà đóng thuế, phí hơn 13 triệu đồng vào ngày 25 hàng tháng. Thế nhưng, hiện đã đến kỳ hạn đóng thuế tháng 3 nhưng bà chưa có tiền đóng. Nguyên nhân do dịch bệnh, buôn bán ế ẩm, doanh thu giảm mạnh đến 70%.
“Tôi kiến nghị cơ quan thuế có những hỗ trợ, chia sẻ kịp thời với người nộp thuế trong lúc khó khăn này. Tôi mong sẽ được hoãn hoặc giảm một vài kỳ đóng thuế để có thể duy trì hoạt động kinh doanh”, bà Trâm Anh nói.
Theo ông Nguyễn Bình Nghĩa, chủ hệ thống cà phê Galaxy, khi dịch bệnh diễn ra, doanh thu kinh doanh của hệ thống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, khi chấp hành chủ trương cách ly toàn xã hội của Chính phủ, hệ thống đã đóng cửa nghỉ kinh doanh, dịch bệnh có thể sẽ được đẩy lùi trong thời gian tới nhưng ảnh hưởng về kinh tế chắc chắn sẽ rất lâu dài. Vì vậy, để vực dậy hoạt động kinh doanh sau khi dịch kết thúc, doanh nghiệp rất mong cơ quan thuế có giải pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sớm ổn định lại hoạt động kinh doanh sau dịch.
Tương tự, các tiểu thương kinh doanh ở chợ Xóm Mới cho biết, từ đầu tháng 2 đến nay, hầu hết các quầy hàng đều rất ế ẩm, thậm chí không bán được; nhất là các mặt hàng giày dép, áo quần, đồ gia dụng… Trong khi đó, các chi phí như: điện, nước, tiền thuê mặt bằng, thuế… vẫn phải chi trả. Bà Khánh Thanh - tiểu thương bán đồ gia dụng tại chợ Xóm Mới đã 15 năm cho biết, từ ngày kinh doanh đến nay, đây có lẽ là thời gian buôn bán khó khăn nhất. Kinh doanh ai cũng muốn bán được nhiều hàng, có doanh thu để đóng thuế cho Nhà nước, nhưng tình hình hiện nay người bán nhiều hơn người mua. Có ngày, bà ngồi từ sáng đến chiều chỉ bán được 100.000 - 200.000 đồng; thậm chí không bán được đồng nào. Trong khi hàng tháng, bà vẫn phải trả tiền mặt bằng thuê ki-ốt, điện, thuế, các loại phí… Bà Thanh mong muốn được miễn, giảm tiền mặt bằng, thuế hàng tháng cho đến khi hoạt động kinh doanh được phục hồi.
Hỗ trợ miễn, giảm thuế cho các hộ kinh doanh
Trao đổi về vấn đề này, ông Lương Xuân Thu - Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh cho biết, Cục Thuế tỉnh đã yêu cầu các chi cục bám sát tình hình kinh doanh của hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn quản lý để có hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, về chính sách thì hiện nay Cục Thuế vẫn thực hiện theo Thông tư 92 của Bộ Tài chính. Theo đó, đối với hộ kinh doanh thuế khoán theo năm, nếu nghỉ trọn 1 tháng thì được miễn thuế trong tháng đó. Trong trường hợp, các hộ kinh doanh vẫn bán nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, hàng ế ẩm, cơ quan thuế sẽ điều tra, khảo sát, xác định lại thực tế về quy mô kinh doanh, mức doanh thu. Qua số liệu xác minh, các chi cục, xã, phường kiểm tra có căn cứ xác định doanh thu khoán thay đổi từ 50% trở lên so với mức doanh thu đã khoán thì được điều chỉnh lại mức thuế khoán cho thời gian còn lại. Tuy nhiên, sau một thời gian, khi tình hình kinh doanh của các hộ trở lại bình thường, cán bộ thuế sẽ xác minh để điều chỉnh lại thuế khoán cho phù hợp.
Một bất cập ở Thông tư 92 đã phần nào ảnh hưởng đến quyền lợi của người nộp thuế. Đó là, theo quy định, người nộp thuế phải nghỉ từ ngày 1 đến ngày cuối cùng của tháng mới được tính là nghỉ trọn tháng, được miễn thuế tháng đó. Trong trường hợp, nghỉ sau ngày 1 sẽ không được tính miễn thuế trong tháng đó. Cụ thể, một hộ kinh doanh nghỉ từ ngày 20-2 đến 20-6-2020, nếu tính thực tế thì được miễn nộp thuế 4 tháng. Nhưng theo Thông tư 92 thì chỉ được miễn thuế 3 tháng. “Về vấn đề này, ngành Thuế tỉnh sẽ kiến nghị Bộ Tài chính xem xét nhằm đảm bảo quyền lợi cho người nộp thuế. Tuy nhiên, qua nắm bắt tình hình từ các chi cục, hiện chưa có hộ kinh doanh nào trên địa bàn tỉnh có đơn hay phản ánh về ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ (do chỉ thị mới ban hành). Dù vậy, ngành Thuế tỉnh cũng sẽ chủ động đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh để kịp thời xem xét giải quyết, hỗ trợ người dân theo quy định”, ông Thu nói.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Nha Trang, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hầu hết các lĩnh vực kinh doanh, ngành nghề, khiến nhiều cá nhân, hộ kinh doanh phải ngừng kinh doanh. Quý I/2020, trên địa bàn thành phố có 1.551 hộ tạm nghỉ, 402 hộ nghỉ hẳn (nghỉ đến tháng 12). So với cùng kỳ năm 2019, số hộ tạm nghỉ tăng 221%, số hộ nghỉ hẳn tăng 132%. Ngành Thuế Nha Trang đã kịp thời ra quyết định miễn, giảm cho người nộp thuế là hộ, cá nhân kinh doanh với tổng số tiền hơn 23,8 tỷ đồng, so với quý I/2019 tăng 425%.
CẨM VÂN