10:05, 20/05/2019

Nỗ lực gia tăng độ che phủ rừng

Nhân kỷ niệm 46 năm ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam (21-5-1973 - 21-5-2019), phóng viên Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, giải pháp để gia tăng độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh.  

Nhân kỷ niệm 46 năm ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam (21-5-1973 - 21-5-2019), phóng viên Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, giải pháp để gia tăng độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh.  


- Thưa ông, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu tỷ lệ độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 47,5%. Xin ông cho biết những giải pháp để đạt mục tiêu trên?

 


- Theo cập nhật diễn biến rừng mới nhất vào tháng 3 vừa qua, diện tích rừng của tỉnh Khánh Hòa hiện có 239.000ha; tỷ lệ độ che phủ rừng là 45,8%. Việc thực hiện chỉ tiêu đến năm 2020 đạt 47,5% là một thách thách lớn cho ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh. Bởi, hậu quả của cơn bão số 12 năm 2017 đã khiến cho nhiều diện tích rừng trồng phòng hộ, rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại nặng, làm giảm đáng kể độ che phủ rừng của địa phương.


Để tiếp tục tăng độ che phủ rừng, giải pháp được Chi cục Kiểm lâm tham mưu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai là: bảo đảm diện tích rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, rừng trồng được bảo vệ nghiêm ngặt; chống việc phá rừng để lấy đất làm nương rẫy hoặc gây cháy rừng. Đối với các diện tích rừng chuyển sang mục đích khác phải bảo đảm trồng rừng thay thế theo quy định; việc khai thác rừng trồng là rừng sản xuất phải trồng lại rừng ngay; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia các dự án trồng rừng; khoanh nuôi, tái sinh phục hồi rừng; phát động phong trào trồng cây phân tán, cây bóng mát trong toàn xã hội…

 
- Một trong những biện pháp để giữ độ che phủ rừng là tăng cường công tác bảo vệ diện tích rừng hiện có. Vậy, công tác này đang gặp những khó khăn gì, thưa ông?


- Công tác bảo vệ rừng trong giai đoạn hiện nay thực chất chưa bền vững, tình trạng khai thác lâm sản trái phép, lấn chiếm rừng, vận chuyển, mua bán, kinh doanh trái phép các loại lâm sản vẫn còn xảy ra mà nguyên nhân bao trùm là do một số diện tích rừng chưa có chủ thực sự; rừng tự nhiên tiếp tục bị đe dọa suy giảm về diện tích và chất lượng. Hiện nay, nhiều chủ rừng chưa đủ khả năng tự bảo vệ diện tích rừng được giao. Các quy định, chính sách liên quan đến công tác bảo vệ rừng hiện hành chưa tạo được động lực và điều kiện để khuyến khích chủ rừng, UBND các cấp và toàn dân thực hiện. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng gỗ từ rừng tự nhiên trong nước hiện nay rất lớn so với khối lượng gỗ khai thác rừng tự nhiên hàng năm; nhu cầu sử dụng các loại gỗ quý hiếm ở trong nước và xuất khẩu  cũng rất lớn, nhiều khi tăng cao đột biến… Đây là những vấn đề khách quan đang tồn tại, ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý bảo vệ rừng hiện nay.

 

Kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Khánh Sơn.

Kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Khánh Sơn.


Về phía lực lượng Kiểm lâm Khánh Hòa, những năm qua, số lượng biên chế liên tục giảm theo chủ trương chung, năm 2016 có 172 công chức, đến nay chỉ còn 157 công chức. Trong khi đó, diện tích rừng của toàn tỉnh hiện có 239.000ha, phân bổ trên địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố. Theo quy định của Luật Lâm nghiệp, lực lượng kiểm lâm đảm nhận một nhiệm vụ khá nặng nề, vừa quản lý, bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp, vừa là lực lượng chuyên ngành về phòng cháy và chữa cháy rừng.


- Bảo vệ rừng từ gốc đang là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm. Chi cục Kiểm lâm đã có chỉ đạo gì đối với hạt kiểm lâm địa phương, thưa ông?


- Giải pháp căn cơ để ngăn chặn tình trạng khai thác rừng trái pháp luật ở các khu rừng còn trữ lượng gỗ lớn, dễ bị xâm hại là lực lượng kiểm lâm phải tăng cường kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ rừng của chủ rừng, sẵn sàng hỗ trợ chủ rừng khi cần thiết; tham mưu ban chỉ đạo chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững cấp huyện, cấp xã để tổ chức lực lượng liên ngành truy quét, xóa bỏ các tụ điểm xâm hại rừng. Bên cạnh đó, kiểm tra chặt chẽ, xử lý nghiêm các cơ sở chế biến, mua bán lâm sản không có nguồn gốc hợp pháp, đồng thời với truy quét trên rừng.


Chi cục cũng đã chỉ đạo hạt kiểm lâm các địa phương tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục triển khai Chỉ thị số 13 năm 2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trong đó khẳng định công tác bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cơ quan tổ chức ở địa phương. Người đứng đầu ở địa phương phải chịu trách nhiệm chính đối với các vụ phá rừng, mất rừng ở địa bàn quản lý của mình… Đồng thời, tham mưu thực hiện tốt việc lồng ghép các dự án; chương trình tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi, các xã có rừng gắn với công tác bảo vệ rừng. Đây là giải pháp lâu dài để công tác bảo vệ rừng được bền vững.


- Xin cảm ơn ông!


HẢI LĂNG (Thực hiện)