Đề án tăng cường trí thức trẻ về công tác tại xã qua 3 năm (2014 - 2017) triển khai đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền cơ sở. Với sức trẻ nhiệt huyết, sáng tạo, bước đầu, các trí thức trẻ đã để lại nhiều dấu ấn…
Đề án tăng cường trí thức trẻ về công tác tại xã qua 3 năm (2014 - 2017) triển khai đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền cơ sở. Với sức trẻ nhiệt huyết, sáng tạo, bước đầu, các trí thức trẻ đã để lại nhiều dấu ấn…
Những chuyển biến
Năm 2015, chị Mai Thị Thoa trúng tuyển và được bố trí về bộ phận cải cách hành chính, công nghệ thông tin tại xã Sông Cầu (huyện Khánh Vĩnh). Trước đây, hầu như cán bộ của xã chưa biết sử dụng các phần mềm trên máy tính nên gặp nhiều khó khăn. Chị Thoa trực tiếp đến từng bộ phận của xã để hướng dẫn, thực hành thao tác trên máy tính. Nhờ đó, chỉ sau gần 2 tháng, 100% cán bộ của xã đã biết sử dụng thành thạo các phần mềm, giúp công việc được xử lý nhanh, hiệu quả. Để áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008, chị Thoa đã chủ động tìm hiểu, học hỏi. Ngoài ra, chị Thoa còn xây dựng thành công giải pháp, sáng kiến cải tiến nâng cao tỷ lệ tổ chức, cá nhân tham gia nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3. Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã công nhận và đánh giá Sông Cầu là xã đầu tiên của Khánh Vĩnh áp dụng thành công ISO 9001:2008. Huyện Khánh Vĩnh đã chọn Sông Cầu là điểm để các xã khác học tập.
Tương tự, năm 2015, anh Đỗ Nguyễn Minh Tuấn được giao phụ trách lĩnh vực xây dựng nông thôn mới tại xã Sơn Trung (huyện Khánh Sơn). Thấy người dân nuôi heo đen thả rông, gây ô nhiễm môi trường, anh Tuấn vận động và hướng dẫn bà con làm chuồng trại, áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi. Nhờ đó, heo nuôi không bị dịch bệnh, hộ nuôi tận dụng được các nguồn thức ăn chăn nuôi đem lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, từ các nguồn hỗ trợ phát triển sản xuất, anh Tuấn đã đề xuất đưa cây bưởi da xanh về địa phương. Anh đến từng hộ hướng dẫn để người dân nắm vững kỹ thuật chăm sóc. Đến nay đã có hơn 20 hộ áp dụng chuyển đổi. Ngoài ra, anh còn chủ động tìm hiểu, nghiên cứu những quy định, chủ trương của Trung ương, của tỉnh về xây dựng nông thôn mới, để tham mưu lãnh đạo xã những giải pháp phù hợp. Anh Tuấn còn trực tiếp hướng dẫn, giúp cán bộ xã sử dụng thành thạo các phần mềm máy vi tính; xây dựng và áp dụng thành công hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008, giúp nâng cao hiệu quả công việc, cải cách hành chính ở địa phương…
Ông Ngô Truyện - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, năm 2014, sở đã tuyển chọn được 40 trí thức trẻ. Đến nay còn 37 trí thức trẻ đang làm việc tại 37 xã. Các trí thức trẻ là những người có kiến thức, nhiệt tình, sáng tạo. Họ giúp địa phương giải quyết tốt nhiều công việc, phát huy tinh thần phục vụ nhân dân, thúc đẩy cải cách hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động bộ máy chính quyền cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hàng năm, 100% trí thức trẻ được lãnh đạo các xã đánh giá có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt và hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có 4 trí thức trẻ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ…
Tạo điều kiện cho trí thức trẻ làm việc
Ông Nguyễn Đắc Tài: Đề án vẫn phải được triển khai đến năm 2020. Sở Nội vụ tổng hợp những kiến nghị, khó khăn để tham mưu UBND tỉnh giải pháp tháo gỡ, giải quyết. UBND cấp huyện tiếp tục tuyên truyền về đề án và tăng cường kiểm tra, rà soát, đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho trí thức trẻ gắn bó lâu dài. Đặc biệt, UBND cấp xã cần quan tâm tạo thuận lợi cho trí thức trẻ được tham gia tuyển dụng, xét tuyển vào công chức, viên chức với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, 100% trí thức trẻ tăng cường về các xã đủ điều kiện được bầu giữ chức danh cán bộ xã hoặc vào công chức, viên chức. |
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, tuy đạt được những kết quả thiết thực nhưng một số địa phương và bản thân trí thức trẻ vẫn còn những hạn chế. Một số trí thức trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm nên quá trình xử lý công việc đôi khi còn lúng túng, sai sót. Việc vận động, thuyết phục người dân còn hạn chế; chưa nắm hết thực trạng lĩnh vực, địa bàn, văn hóa nơi công tác. Bên cạnh đó, một số địa phương bố trí công việc chưa phù hợp chuyên môn cho trí thức trẻ. Việc giao nhiệm vụ thiếu cụ thể nên khó phát huy hết sở trường, năng lực của trí thức trẻ. Hầu hết các xã được tăng cường trí thức trẻ đều có địa hình phức tạp, thường bị chia cắt vào mùa mưa lũ, giao thông đi lại khó khăn; dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế còn chậm phát triển, còn tồn tại phong tục lạc hậu là những khó khăn, thách thức cho trí thức trẻ… Nhiều trí thức trẻ còn phân vân về tương lai sau khi đề án kết thúc.
Ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, hiện nay có tình trạng cơ sở chỉ sử dụng nhân lực tại chỗ mà rất ít sử dụng nhân lực có chuyên môn, trình độ từ các địa phương khác. Việc đưa trí thức trẻ về xã là một giải pháp đột phá, tạo tiền đề, tạo nguồn để xây dựng lại bộ máy cấp xã. Đồng thời, tăng cường nhân lực chất lượng cao cho cơ sở. Tuy đề án mới triển khai được 3 năm, nhưng hiệu quả bước đầu đem lại hết sức thiết thực, tạo chuyển biến trong nhận thức của xã về sử dụng nguồn nhân lực trẻ có chuyên môn. Các trí thức trẻ đã tạo ra chất xúc tác làm thay đổi thái độ, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ cơ sở; thực hiện ứng dụng tốt công nghệ thông tin, cải cách hành chính.
PHÚ VINH