10:11, 23/11/2017

Bổ sung Trạm trung chuyển xe máy qua hầm đèo Cả

Bộ Giao thông vận tải đã thống nhất bổ sung hạng mục Trạm trung chuyển xe máy qua hầm đèo Cả và hầm Cổ Mã theo đề xuất của nhà đầu tư. Hiện nay, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả đang hoàn tất thủ tục để sớm triển khai dự án, đưa vào khai thác phục vụ hành khách.

Bộ Giao thông vận tải đã thống nhất bổ sung hạng mục Trạm trung chuyển xe máy qua hầm đèo Cả và hầm Cổ Mã theo đề xuất của nhà đầu tư. Hiện nay, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả đang hoàn tất thủ tục để sớm triển khai dự án, đưa vào khai thác phục vụ hành khách.


Tháng 8-2017, hầm đèo Cả chính thức thông xe, đưa vào vận hành khai thác. Các phương tiện ô tô đều được đi qua hầm, trừ các xe chở chất độc hại, dễ cháy (xăng, dầu, khí đốt, vật liệu nổ, các chất nguy hiểm khác...) và các loại xe quá khổ, xe bánh xích, xe công trình, xe máy chuyên dụng có tốc độ vận hành dưới 30km/giờ. Ngoài ra, xe gắn máy, xe thô sơ, xe đạp, người đi bộ và vật nuôi không được phép lưu thông qua hầm.

 

Tuy nhiên, trước nhu cầu của nhiều phương tiện mô tô, xe máy, xe đạp, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã đề xuất và được Bộ Giao thông vận tải đồng ý bổ sung hạng mục Trạm trung chuyển xe máy qua hầm đèo Cả và Cổ Mã. Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu nhà đầu tư làm việc với UBND tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa để bố trí mặt bằng triển khai hạng mục dự án. Nhà đầu tư cũng cần rà soát, cập nhật toàn bộ hồ sơ liên quan để hoàn thành tổng thể dự án, bảo đảm kiến trúc cảnh quan, kết nối đồng bộ (trung chuyển xe, vị trí đỗ xe buýt công cộng…).


Theo ông Đinh Việt Cường - Phó Giám đốc Xí nghiệp quản lý vận hành, khai thác và bảo trì hầm đèo Cả, rất nhiều hành khách đi xe máy muốn đi qua hầm, nhưng do chưa có trạm trung chuyển nên không thể thực hiện. Việc trung chuyển xe máy qua hầm sẽ rút ngắn thời gian cho hành khách và bảo đảm an toàn giao thông hơn so với đi đường đèo, nhất là vào mùa mưa. Theo thiết kế, trạm trung chuyển sẽ được đặt tại hai đầu: đầu hầm Cổ Mã (Khánh Hòa) và hầm phía bắc đèo Cả (Phú Yên). Tại Khánh Hòa, hạng mục Trạm trung chuyển xe máy được quy hoạch trên khu đất 7.500m2, tại địa bàn xã Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh), trong đó diện tích đất công trình xây dựng gần 2.900m2, diện tích sảnh dịch vụ, đường giao thông hơn 3.500m2, còn lại là đất sử dụng làm sân vườn, cảnh quan… Phía Phú Yên, Trạm trung chuyển xe máy nằm trong phần diện tích của hạng mục Trạm thu phí, có quy mô hơn 30.500m2 (trong đó, diện tích đất đã thu hồi hơn 14.500m2, diện tích bổ sung hơn 16.000m2). “Toàn bộ diện tích đất tại Khánh Hòa đã được giải phóng mặt bằng, nằm trong gói thầu đường dẫn phía nam, dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cả”, ông Cường nói.

 

Xe máy sẽ được trung chuyển qua hầm đèo Cả

Xe máy sẽ được trung chuyển qua hầm đèo Cả

 

Ông Lê Quỳnh Mai - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả cho biết: “Hạng mục Trạm trung chuyển xe máy đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, tiến độ dự án phải hoàn tất trong năm 2017. Tuy nhiên đến nay, hạng mục này còn chờ chấp thuận từ phía UBND hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Công ty đã có văn bản đề nghị thỏa thuận xây dựng các trạm trung chuyển xe máy hai đầu gửi UBND hai tỉnh, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có phản hồi. Chúng tôi hy vọng các địa phương sớm quan tâm xem xét để hạng mục được triển khai thuận lợi. Nếu như được chấp nhận thỏa thuận, nhà đầu tư chỉ cần khoảng 1 tháng là có thể hoàn thành thi công, đưa vào khai thác”.


Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi đưa vào khai thác, Trạm trung chuyển xe máy sẽ bán vé cho những hành khách có nhu cầu đi qua hầm. Khách được chuyển trên xe 24 chỗ ngồi, phương tiện sẽ được chuyển trên một phương tiện khác. Đồng thời, sẽ có ưu đãi đối với trẻ nhỏ và người khuyết tật…


THÀNH NAM