Trong tháng 10, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sẽ diễn ra hoạt động truyền thông giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh năm 2017 và hoạt động hưởng ứng ngày Quốc tế trẻ em gái (11-10).
Trong tháng 10, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sẽ diễn ra hoạt động truyền thông giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh năm 2017 và hoạt động hưởng ứng ngày Quốc tế trẻ em gái (11-10). Bà Trần Thị Kim Oanh - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh cho biết, chủ đề năm nay là: “Hãy tạo mọi điều kiện thuận lợi để trẻ em gái tạo dựng và phát huy vị thế xứng đáng trong xã hội”.
- Trong tháng 10, trên địa bàn tỉnh có những hoạt động gì để hưởng ứng chủ đề trên, thưa bà?
- Chúng tôi sẽ tổ chức các hội thảo, mít tinh diễu hành, giao lưu tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề, thảo luận nhóm… về thách thức, hệ lụy và giải pháp giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, bình đẳng giới, tảo hôn, cải thiện sức khỏe phụ nữ và trẻ em gái trong những năm tới.
Vừa qua, nhân ngày Tránh thai thế giới (26-9), Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Khánh Vĩnh tổ chức tọa đàm với chủ đề “Lợi ích của tránh thai và trách nhiệm của chúng ta” với sự tham gia của gần 120 đại biểu. Qua buổi tọa đàm đã nâng cao nhận thức và kiến thức về vấn đề mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn, lợi ích của việc tránh thai…
Bên cạnh đó, chi cục phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh như: Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Báo Khánh Hòa, Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa… tăng cường tuyên truyền về mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao vai trò, vị thế phụ nữ và trẻ em gái, xóa bỏ bất bình đẳng giới, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Cùng với đó, triển khai các loại hình cung cấp thông tin, mô hình tư vấn về mất cân bằng giới tính khi sinh, bình đẳng giới, tảo hôn… ưu tiên các vùng sâu, vùng cao, vùng biển, đảo và ven biển.
- Thưa bà, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh hiện nay ra sao?
- Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng tăng và tăng nhanh trong những năm gần đây. Tình trạng này đã xuất hiện rõ nét vào năm 2002 với 108,4 trẻ trai/100 trẻ gái; năm 2012 đã tăng lên 109,2 trẻ trai/100 trẻ gái; đến năm 2016, tỷ số giới tính khi sinh là 111 trẻ trai/100 trẻ gái. Trong đó, có những địa phương đã vượt mức báo động như: huyện Vạn Ninh với tỷ lệ 120%; Ninh Hòa 133%; Cam Ranh 109%; Nha Trang 108%. Tình trạng này phổ biến nhất ở vùng biển và nông thôn.
Hiện nay, Khánh Hòa là tỉnh có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao trong cả nước. Tình trạng này nếu không được kiểm soát sẽ có tác động xấu đến xã hội trong tương lai. Việc điều chỉnh để đảm bảo cơ cấu giới tính hợp lý hết sức quan trọng, nhưng thực tế đã gặp không ít khó khăn bởi kiểm soát các hành vi lựa chọn giới tính là rất khó.
- Trong thời gian tới, tỉnh có giải pháp gì nhằm giảm thiểu tình trạng này, thưa bà?
- UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2020. Theo đề án, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đẩy mạnh công tác truyền thông vận động, chỉ đạo các địa phương triển khai những hoạt động để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển…
Bên cạnh đó, thực hiện theo chủ trương của Tổng cục DS-KHHGĐ, từ năm 2016, tỉnh đã phát động Chiến dịch truyền thông giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh nhằm kêu gọi cộng đồng, đặc biệt các cặp vợ chồng trẻ và trẻ em gái vị thành niên là nhân tố tích cực cho việc thay đổi tư duy và hành động của người dân - không lựa chọn giới tính khi sinh và không phân biệt đối xử về giới. Theo đó, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp như: lồng ghép tuyên truyền vận động trong các cấp, ngành và người dân về việc cấm lựa chọn giới tính thai nhi; phối hợp với các cơ quan chức năng: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế tiến hành rà soát và tiêu hủy các ấn phẩm có nội dung hướng dẫn lựa chọn giới tính thai nhi trên toàn tỉnh.
- Xin cảm ơn bà!
Minh Thiết (Thực hiện)