Thực hiện Chương trình cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành, sửa đổi, bổ sung một số quy định về thuế, có hiệu lực từ tháng 6-2017...
- Xin ông cho biết một số nội dung cần lưu ý trong Nghị định số 35/2017 ngày 3-4-2017 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước trong khu kinh tế, khu công nghệ cao?
- Nghị định số 35/2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 20-6-2017. Nghị định quy định: Trường hợp được Nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước trong khu kinh tế, khu công nghệ cao trước ngày nghị định này có hiệu lực và đang trong thời gian ổn định đơn giá thuê đất thì tiếp tục ổn định đơn giá thuê đất đến hết thời gian ổn định. Trường hợp đơn giá thuê đất của thời gian ổn định cao hơn quy định tại nghị định này thì được điều chỉnh theo nghị định kể từ ngày 1-1-2017. Trường hợp được Nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước trong khu kinh tế, khu công nghệ cao mà thời điểm điều chỉnh đơn giá thuê đất, thuê mặt nước trước ngày nghị định có hiệu lực thi hành nhưng chưa thực hiện điều chỉnh thì được điều chỉnh theo quy định tại nghị định cho thời gian thuê đất còn lại.
Trường hợp được Nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước trong khu kinh tế, khu công nghệ cao trước ngày nghị định có hiệu lực đã nộp tiền thuê một lần cho cả thời gian thuê thì không xác định lại đơn giá thuê đất, thuê mặt nước theo quy định tại nghị định này. Bên cạnh đó, trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trong khu kinh tế, khu công nghệ cao trước ngày nghị định đang được hưởng ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật cao hơn quy định của nghị định thì tiếp tục được hưởng mức ưu đãi cho thời gian còn lại. Trường hợp mức ưu đãi thấp hơn quy định tại nghị định thì được hưởng theo quy định tại nghị định của thời hạn ưu đãi còn lại kể từ ngày nghị định này có hiệu lực thi hành…
- Ông có thể cho biết một số quy định mới trong Thông tư số 31/2017 ngày 18-4-2017 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung về hoàn thuế giá trị gia tăng?
- Thông tư số 31 (có hiệu lực thi hành từ ngày 2-6-2017) sửa đổi, bổ sung một số nội dung như: bổ sung thêm khoản 4 vào Điều 18 của Thông tư số 99 ngày 29-6-2016 của Bộ Tài chính. Theo đó, Cục Thuế phải chuyển quyết định và lệnh hoàn thuế hoặc quyết định và lệnh hoàn thuế kiêm bù trừ khoản thu ngân sách nhà nước sang Kho bạc Nhà nước ngay trong ngày làm việc hoặc chậm nhất trong ngày làm việc tiếp theo. Kho bạc phải thực hiện hoàn thuế cho người nộp thuế trong thời hạn 1 ngày làm việc (quy định cũ là 3 ngày) kể từ ngày nhận được lệnh hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước/lệnh hoàn trả kiêm bù trừ khoản thu ngân sách nhà nước do cơ quan thuế chuyển đến.
Bên cạnh đó, Thông tư số 31 bổ sung vào Điều 20 Thông tư 99/2016. Theo đó, cơ quan thuế phải thực hiện công khai thông tin giải quyết hoàn thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế về thời điểm tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế, thời điểm tiếp nhận văn bản giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu; thời điểm ban hành thông báo, quyết định giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng của cơ quan thuế; thời điểm Kho bạc Nhà nước chi hoàn thuế để người nộp thuế biết.
- Một số nội dung sửa đổi, bổ sung cần lưu ý trong Thông tư số 37/2017 ngày 27-4-2017 của Bộ Tài chính về lĩnh vực hóa đơn là gì, thưa ông?
- Một số nội dung sửa đổi, bổ sung cần lưu ý trong Thông tư số 37 (có hiệu lực thi hành từ ngày 12-6-2017) của Bộ Tài chính như sau: một là, sửa đổi khoản 2, Điều 3 Thông tư 26 ngày 27-2-2015. Theo đó quy định: doanh nghiệp có văn bản đề nghị sử dụng hóa đơn tự in gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp và trong thời hạn 2 ngày làm việc (theo quy định cũ là 5 ngày) kể từ khi nhận được văn bản đề nghị của doanh nghiệp, cơ quan thuế quản lý trực tiếp phải có ý kiến về điều kiện sử dụng hóa đơn tự in của doanh nghiệp. Trường hợp sau 2 ngày làm việc, cơ quan quản lý thuế trực tiếp không có ý kiến bằng văn bản thì doanh nghiệp được sử dụng hóa đơn tự in. Thủ trưởng cơ quan thuế phải chịu trách nhiệm về việc không có ý kiến bằng văn bản trả lời doanh nghiệp.
Hai là, sửa đổi khoản 4, Điều 3 Thông tư 26/2015. Theo đó quy định: trong thời hạn 2 ngày làm việc (quy định cũ là 5 ngày) kể từ khi nhận được đề nghị của tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan thuế quản lý trực tiếp phải có thông báo về việc sử dụng hóa đơn đặt in. Trường hợp sau 2 ngày làm việc, cơ quan quản lý thuế trực tiếp không có ý kiến bằng văn bản thì doanh nghiệp được sử dụng hóa đơn đặt in. Thủ trưởng cơ quan thuế phải chịu trách nhiệm về việc không có ý kiến bằng văn bản trả lời doanh nghiệp.
Ba là, sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 9 Thông tư 39/2014. Theo đó, thông báo phát hành hóa đơn và hóa đơn mẫu phải được gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất 2 ngày (quy định cũ là 5 ngày) trước khi tổ chức kinh doanh bắt đầu sử dụng hóa đơn. Đồng thời, cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức kinh doanh thanh lý hợp đồng in khi đã lập tờ thông báo phát hành hóa đơn đối với hợp đồng đặt in hóa đơn không quy định thời hạn thanh lý hợp đồng (đối với hóa đơn đặt in) và không bị xử phạt. Trường hợp khi nhận được thông báo phát hành do tổ chức gửi đến, cơ quan thuế phát hiện thông báo phát hành không đảm bảo đủ nội dung theo đúng quy định thì trong thời hạn 2 ngày (quy định cũ là 3 ngày) làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, cơ quan thuế phải có văn bản thông báo cho tổ chức biết. Tổ chức có trách nhiệm điều chỉnh để thông báo phát hành mới.
- Xin cảm ơn ông!
KIM THAO (Thực hiện)