Theo lãnh đạo Học viện Hải quân, sau 1 năm đưa vào biên chế học viện, cán bộ, chiến sĩ tàu buồm Lê Quý Đôn 286 đã tích cực làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật, toàn tàu sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
Theo lãnh đạo Học viện Hải quân, sau 1 năm đưa vào biên chế học viện, cán bộ, chiến sĩ tàu buồm Lê Quý Đôn 286 đã tích cực làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật, toàn tàu sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
Làm chủ khí tài
Thượng úy Bùi Tự Hào - Chính trị viên tàu buồm Lê Quý Đôn 286 cho biết, 6 tháng đầu, khi mới được biên chế về học viện là giai đoạn làm chủ trang thiết bị khí tài. Trước khi trực tiếp khai thác vận hành, toàn tàu đã có thời gian đi biển 4 tháng từ Ba Lan về Việt Nam, trải qua các dạng thời tiết, điều kiện đi biển khắc nghiệt, cùng với việc vận hành và xử lý một số lỗi kỹ thuật thông thường phát sinh nên anh em tiếp cận tàu khá nhanh.
Huấn luyện học viên tại tàu buồm Lê Quý Đôn 286 |
Bên cạnh những thuận lợi, các loại vũ khí trang bị kỹ thuật trong biên chế đa số là mới, nên việc xây dựng giáo án bài giảng cho từng đối tượng (kể cả đối tượng quân nhân trong từng ngành) gặp không ít khó khăn. Cán bộ tàu và các ngành chủ yếu tự nghiên cứu để xây dựng giáo án rồi dần hoàn thiện. Tàu được trang bị nhiều thiết bị, vật tư bảo đảm đặc chủng gây khó khăn cho việc thay thế, sửa chữa bảo quản trang thiết bị...
Theo Đại úy Lã Văn Tám - Thuyền trưởng tàu buồm Lê Quý Đôn 286, sau thời gian đưa vào sử dụng, toàn tàu đã tự tin khai thác vận hành, làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật. Qua huấn luyện các bảng bố trí, mỗi thủy thủ đều có thể đảm nhiệm được nhiều vị trí chiến đấu. “Giờ đây, toàn tàu đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ đi biển. Một số hạn chế như: nhiều trang thiết bị chưa được khai thác sử dụng; việc phối hợp giữa cơ quan với đơn vị trong hoạt động bảo hành có lúc còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ công việc… Chúng tôi sẽ nỗ lực khắc phục trong thời gian tới”, Đại úy Tám cho biết.
Phát huy công năng, thế mạnh
Để phát huy hết công năng, thế mạnh của tàu, thời gian qua, bên cạnh quá trình tiếp nhận, lãnh đạo, chỉ huy tàu và trưởng các ngành đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ huấn luyện thực hành cho học viên. Đến nay, đã có 5 đợt học viên khóa 58 được huấn luyện đi biển trên tàu buồm, trong đó có nhiều chuyến biển dài ngày. Trên tàu, có đủ các ngành như: hàng hải, cơ điện, thông tin, ra đa… để học viên thực hành huấn luyện. Thượng úy Đoàn Tử Nguyên Ngọc, giáo viên khoa Hàng hải Học viện Hải quân chia sẻ, sau các đợt đi biển huấn luyện thực tế, học viên trưởng thành hơn rất nhiều. Những lý thuyết trên giảng đường được thực hành thực tế tại tàu đã giúp học viên tiếp cận bài giảng nhanh hơn. Đồng thời, được rèn luyện qua thực tế nên sau khi tốt nghiệp, học viên sẽ dễ dàng hơn trong nhận, nắm bắt nhiệm vụ tại các đơn vị. Bản thân giáo viên khi hướng dẫn học viên thực hành trên tàu cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm đi biển, phục vụ tốt hơn trong quá trình giảng dạy.
Bên cạnh đó, đã có 15 lượt giáo viên, đội mẫu huấn luyện thủy nghiệp cơ bản cho học viên năm nhất và cán bộ, nhân viên các tàu bạn được huấn luyện khai thác vận hành sử dụng vũ khí trang bị và thao tác buồm, tạo nguồn thay thế khi thực hiện nhiệm vụ. Trong năm nay, cán bộ, chiến sĩ tàu tập trung nâng cao mức độ làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật trên tàu từ mức thấp lên mức trung bình; khai thác sử dụng hiệu quả các trang bị toàn tàu. Cùng với đó, làm chủ quy trình chuẩn bị sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng và xử lý các tình huống kỹ thuật, nâng cao trình độ thao tác, kỹ năng của kíp trắc thủ bắn đạn thật các loại súng trên tàu.
Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Học viện Hải quân đánh giá, sau 1 năm đưa vào biên chế, lãnh đạo, chỉ huy, trưởng các ngành tàu đã tổ chức được nhiều đợt huấn luyện cho học viên, giáo viên đạt kết quả tốt, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Năm 2016, với thành tích xuất sắc, tàu buồm Lê Quý Đôn 286 được Quân chủng Hải quân tặng danh hiệu đơn vị Quyết thắng.
MẠNH HÙNG