Kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2013 - 2015 đã được UBND tỉnh ban hành.
Kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích (TNTT) trẻ em trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2013 - 2015 đã được UBND tỉnh ban hành. Mục tiêu đến năm 2015 sẽ giảm 1/5 số trẻ em bị TNTT nói chung và giảm 1/4 số trẻ em bị tử vong do đuối nước so với năm 2012.Phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em:
Cách đây không lâu, 3 em nhỏ ở TP. Nha Trang đã bị trượt chân chết đuối. 2 năm trước, cũng trong thời điểm này, 3 học sinh lớp 4 ở Trường Tiểu học Diên Xuân 1 (huyện Diên Khánh) cũng bị chết đuối trên sông Chò, thuộc địa phận xã Diên Xuân. Nỗi đau này có thể sẽ không xảy ra nếu các đơn vị thi công có các biện pháp bảo vệ an toàn; cha mẹ quan tâm nhắc nhở con về những hiểm nguy khi chơi gần sông nước…
Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Nguồn lực đầu tư cho các chương trình, dự án vì trẻ em ngày càng tăng. Trẻ em được quan tâm bảo vệ và chăm sóc ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, tình hình TNTT trẻ em nói chung và tình trạng đuối nước ở trẻ em nói riêng trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra, đặc biệt là vào mùa mưa lũ và dịp hè. Con số thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, bình quân hàng năm, trên địa bàn tỉnh có hơn 300 trẻ em bị TNTT, trong đó có hơn 10 em tử vong do đuối nước. Nhìn nhận nguyên nhân, các cơ quan chức năng cho rằng: Do công tác tuyên truyền về phòng, chống TNTT trẻ em chưa được thường xuyên; trẻ em thiếu sự quan tâm, giám sát đầy đủ của người lớn; kiến thức về an toàn trong cuộc sống của người dân còn hạn chế; môi trường sống của trẻ em ở một số nơi chưa thật sự an toàn; do chưa lường hết được sự nguy hiểm có thể xảy ra nên người dân chưa có ý thức phòng ngừa TNTT cho trẻ em...
Trẻ em cần được dạy bơi để tự bảo vệ mình. Ảnh chụp tại bãi biển Nha Trang |
Ở đây còn có một nguyên nhân rất lớn chưa được đề cập đến, đó là do các em chưa được học bơi. Trong khi đó, đuối nước được xem là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong đối với trẻ dưới 18 tuổi. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm, cả nước có khoảng 3.500 trẻ bị chết đuối. Việt Nam là một trong những quốc gia có nạn nhân chết đuối cao nhất thế giới, trung bình mỗi ngày có khoảng 10 trẻ tử vong do đuối nước. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng đuối nước ở trẻ em chính là sự bất cẩn của cha mẹ và môi trường xung quanh trẻ chưa thật an toàn.
Năm 2010 có 313 em bị TNTT làm chết 17 em, trong đó có 15 em chết vì đuối nước; năm 2011 có 345 em bị TNTT làm chết 12 em, trong đó chết đuối 10 em; năm 2012 có 315 trẻ em bị TNTT, làm chết 22 em, trong đó có 14 em chết đuối. |
Được biết, từ năm 2010 đến 2015, trên phạm vi cả nước sẽ thí điểm mô hình dạy bơi trong trường tiểu học bằng các hình thức phù hợp với từng địa phương. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã hướng dẫn, từ năm 2010 sẽ tập trung thí điểm dạy bơi cho học sinh lớp 4 và mở rộng dạy cho học sinh khối lớp 3 và lớp 5. Trước tiên, tổ chức thí điểm tại các trường có điều kiện thuận lợi, sau đó nhân rộng và thí điểm theo cụm trường, hướng đến tổ chức dạy bơi đại trà cho học sinh cấp tiểu học. Nhưng đến nay, trên cả nước nói chung và địa bàn tỉnh nói riêng chưa có trường nào triển khai việc dạy bơi cho học sinh. Trước thực trạng này, nhiều phụ huynh đã tự tìm thầy dạy bơi cho con em, nhưng những lớp học bơi cũng hiếm hoi và thường chỉ tổ chức trong dịp hè. Một trong những khó khăn khiến các lớp học bơi không được tổ chức thường xuyên là việc thiếu hồ bơi. Hiện nay, chỉ có các khách sạn mới có hồ bơi, nhưng không phải khách sạn nào cũng cho thuê…
Mục tiêu của kế hoạch phòng, chống TNTT trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 - 2015 là: Xây dựng môi trường sống an toàn tại gia đình, trường học và cộng đồng nhằm giảm nguy cơ gây tai nạn, thương tích và đuối nước cho trẻ em; tăng số lượng trẻ em biết bơi an toàn thông qua các hoạt động dạy bơi và giáo dục kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ em; trang bị kỹ năng sơ cấp cứu trẻ em bị TNTT, đặc biệt là sơ cứu đuối nước cho mạng lưới y tế cơ sở và đội ngũ cộng tác viên phòng, chống TNTT trẻ em tại cộng đồng. Đến năm 2015, giảm 1/5 số trẻ em bị TNTT nói chung và giảm 1/4 số trẻ em bị tử vong do đuối nước so với năm 2012.
Kế hoạch này cũng đề ra việc triển khai các hoạt động dạy bơi và kỹ năng an toàn dưới nước như: Phát động phong trào học bơi, dạy bơi tại các huyện, thị xã, thành phố; tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ em trong dịp hè; tổ chức tập huấn cho trẻ em các kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước; tổ chức tập huấn về sơ cấp cứu khi trẻ em bị TNTT; kỹ thuật cứu đuối cho cộng tác viên tại cộng đồng, cán bộ y tế thôn bản, cán bộ của các ban, ngành, đoàn thể tham gia công tác phòng, chống TNTT trẻ em tại cộng đồng. Trong giải pháp triển khai, kế hoạch này cũng xác định: Cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, UBND các cấp đối với công tác phòng, chống TNTT trẻ em nói chung, đặc biệt tập trung phòng, chống đuối nước trẻ em và các loại tai nạn thường gặp trong gia đình; xác định rõ phòng, chống TNTT trẻ em là trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương…
Nhìn vào những con số thống kê về các vụ TNTT, chúng ta cần phải có những hành động thật cụ thể và nhanh chóng. Hy vọng rằng, kế hoạch này sẽ được các cấp, ngành, chính quyền địa phương quan tâm triển khai nhanh chóng và hiệu quả để không còn phải chứng kiến nỗi đau của những gia đình bị mất con chỉ vì sự bất cẩn của người lớn.
THU AN