Theo khảo sát của đơn vị tư vấn, hiện nay, phần lớn nhà ở trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đều được xây tự phát, không theo quy hoạch, chất lượng thấp. Khánh Sơn đang nỗ lực để khắc phục tình trạng này.
Theo khảo sát của đơn vị tư vấn, hiện nay, phần lớn nhà ở trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đều được xây tự phát, không theo quy hoạch, chất lượng thấp. Khánh Sơn đang nỗ lực để khắc phục tình trạng này.
Phần lớn nhà ở chưa đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng
Thời gian qua, huyện Khánh Sơn đã có gần 1.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà ở bằng nguồn vốn của tỉnh và huyện, nguồn vốn Chương trình 167. Bên cạnh đó, cũng có một số gia đình được các tổ chức đoàn thể, đơn vị hỗ trợ xây nhà. Đến nay, hầu hết các hộ dân đã được ở nhà xây; tuy nhiên phần lớn nhà ở của người dân chưa đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng.
Phần lớn nhà ở tại Khánh Sơn có diện tích nhỏ hẹp |
Hiện nay, hầu hết nhà ở tại các xã đều được xây bằng tường gạch, lợp tôn, diện tích sử dụng chỉ từ 24 đến 32m2, chỉ có một số ít hộ dân xây được nhà có diện tích khoảng 40 - 50m2, những căn nhà rộng hơn lại càng hiếm. Với diện tích đó, mỗi hộ gia đình có 4 nhân khẩu sinh sống cũng đã chật hẹp. Trong khi đó, phần lớn các gia đình có hơn 4 nhân khẩu, thậm chí nhiều hộ có 3 đến 4 thế hệ cùng sinh sống. Hộ anh Bo Bo Xuất (thôn Tà Nỉa, xã Sơn Trung) gồm 3 thế hệ với 5 nhân khẩu sống chung trong một căn nhà hàng chục năm nay. Anh Xuất cho biết: “Mấy năm trước, Nhà nước hỗ trợ gia đình xây dựng căn nhà hơn 20m2. Nhà đông người nên rất chật hẹp. Hai vợ chồng chỉ làm nương rẫy nên không có tiền mở rộng diện tích nhà ở”. Năm 2012, gia đình anh Xuất được UBMTTQVN huyện Khánh Sơn trao tặng căn nhà mới với diện tích hơn 30m2. Tổng diện tích cả nhà cũ và nhà mới khoảng gần 60m2. Nhưng nếu theo quy định của Bộ Xây dựng thì cả 2 căn nhà của gia đình anh Xuất cũng chưa đủ tiêu chuẩn về diện tích. Đó là chưa nói đến thực trạng của gia đình anh Xuất cũng như rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Khánh Sơn còn thiếu các tiện nghi sinh hoạt trong nhà, chưa có nhà vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn, chưa có bếp xây chắc chắn...
Vận động người dân chung tay góp sức
Nhiều gia đình tại Khánh Sơn chưa có bếp để nấu ăn. |
Hiện nay, toàn huyện Khánh Sơn có khoảng 4.000 hộ dân sinh sống tại khu vực nông thôn. Theo đề án xây dựng nông thôn mới, huyện Khánh Sơn phấn đấu đến năm 2015 có 7/7 xã đạt tiêu chí về nhà ở dân cư nông thôn, với một số tiêu chuẩn cơ bản theo quy định của Bộ Xây dựng như: 80% hộ dân được sống trong căn nhà có những tiện nghi tối thiểu, lợp mái cứng, có bếp, nhà vệ sinh, có diện tích sử dụng tối thiểu 14m2/người... Ông Nguyễn Quốc Thái, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: “So với hiện trạng nhà ở dân cư nông thôn hiện nay, để đạt chuẩn, phần lớn nhà ở của người dân cần được làm mới, nâng cấp hoặc mở rộng diện tích hơn 50m2. Nguồn kinh phí phân bổ cho tiêu chí xây dựng nhà ở dân cư trên địa bàn huyện dự kiến chưa đến 30 tỷ đồng. Do đó, để thực hiện được việc này là rất khó. Đặc biệt, địa bàn miền núi, việc huy động sự đóng góp của nhân dân hay doanh nghiệp rất khó khăn”. Do đó, huyện Khánh Sơn đã kiến nghị các ngành, các cấp có sự điều chỉnh về các mức chuẩn trong tiêu chí về nhà ở sao cho phù hợp với điều kiện địa bàn miền núi để địa phương có thể hoàn thành được tiêu chí này. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện đóng góp kinh phí và ngày công lao động để xây dựng nhà của mình.
Mục đích cuối cùng của Chương trình xây dựng nông thôn mới là góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Tuy nhiên, Khánh Sơn không thể chỉ trông chờ vào nguồn kinh phí của Nhà nước mà cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình này. Và quan trọng hơn là vận động được sự chung tay góp sức của chính các hộ dân trong quá trình thực hiện những tiêu chí nông thôn mới nói chung và xây dựng nhà ở dân cư nông thôn nói riêng.
Đinh Luận