11:05, 24/05/2013

Cần sớm đặt biển cảnh báo các dòng Rip tại các bãi tắm

Tại các bãi tắm dọc bờ biển trên địa bàn toàn tỉnh có khá nhiều dòng nước rút (dòng Rip) gây nguy hiểm cho người tắm biển. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có bãi tắm nào có biển cảnh báo…

Tại các bãi tắm dọc bờ biển trên địa bàn toàn tỉnh có khá nhiều dòng nước rút (dòng Rip) gây nguy hiểm cho người tắm biển. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có bãi tắm nào có biển cảnh báo…


Đuối nước vì dòng “tử thần”


Sau hơn 2 năm nghiên cứu hiện tượng dòng Rip, đến nay, Viện Hải dương học Nha Trang đã khoanh vùng được những điểm “nóng” và có nhiều giải pháp nhằm hạn chế tai nạn cho người dân tắm biển. Tiến sĩ (TS.) Lê Đình Mầu - Viện phó Viện Hải dương học Nha Trang, chủ nhiệm đề tài “Điều tra, đánh giá hiện tượng dòng Rip (Rip current) tại các bãi tắm Khánh Hòa, xác định nguyên nhân và đề xuất các giải pháp phòng tránh”, cho biết: Dòng Rip có nơi gọi là dòng đứt ngang, dòng rút, ao nước xoáy, dòng nước lừa, nước ngược... Đây là một loại dòng chảy từ bờ hướng ra khơi, xảy ra trong vùng sóng đổ. Vùng này, thường ở phía xa bờ bị chắn bởi lớp san hô, hoặc cát; khi sóng ập đến sẽ dồn nước vào một lạch sâu và đổ ra khơi tạo thành luồng nước mạnh. Với bề ngang hẹp chừng 15 - 30m, bề dài ra cách bờ chừng vài chục mét đến 100 - 150m, tốc độ dòng chảy từ 0,5 đến 2,5m/s, đây thực sự là vùng “tử thần” cho những người tắm biển. Rơi vào các dòng Rip ở các bãi biển, nạn nhân thường bị nước cuốn ra xa bờ rất nhanh, dù có biết bơi cũng khó thoát khỏi “tử thần”.

Bãi biển Nha Trang -  là nơi có nhiều dòng Rip nguy hiểm
Bãi biển Bắc TP. Nha Trang -  nơi có nhiều dòng Rip nguy hiểm


Theo thống kê của Ban quản lý vịnh Nha Trang, chỉ tính từ tháng 10-2012 đến nay, lực lượng cứu hộ đã tiến hành cứu 32 trường hợp đuối nước có nguyên nhân chủ yếu từ dòng Rip. Anh Tô Văn Nhiều (nhân viên cứu hộ ở TP. Nha Trang) cho biết, có nhiều vụ gần đây xảy ra đều bị sóng cuốn như: Vụ cứu một thanh niên ở Đắk Lắk tên Phan Nguyễn Minh Trâm, 19 tuổi, vào ngày 19-4-2013. Trâm xuống tắm bị dòng nước cuốn hụt chân, lúc anh này đang chới với thì đội cứu hộ phát hiện và kịp thời cứu sống. Ngày 9-4-2013, cứu em Trương Hoàng Luân, học lớp 8, ở Nha Trang; ngày 4-1, cứu 2 cha con ông Shin Suke Iwai, 43 tuổi, người Nhật Bản. Trước đó, tháng 10-2012, hai thanh niên khác trong lúc bơi với nhóm bạn bị dòng nước cuốn ra xa, do níu nhau nên cả hai cùng chìm. Phải rất vất vả đội cứu hộ mới đưa được cả 2 vào bờ. Lúc này, hai người đã tím tái, sùi bọt mép; sau khi sơ cứu, hai người này mới tỉnh lại.


Không may mắn như các trường hợp trên, vào cuối năm 2011, Trung úy Nguyễn Đình Phong, giáo viên Trường Sĩ quan Thông tin Nha Trang cùng với một đồng đội đến khu vực đường Phạm Văn Đồng thuộc phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang để tắm biển. Dòng nước rút này đã cuốn Trung úy Phong ra xa bờ khiến anh bị tử vong. Trước đó, năm 2008, 3 sinh viên của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang cũng bị chết đuối tại bãi biển thuộc phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang. Dòng nước ngược cuốn trôi các sinh viên này ra xa bờ và mất tích, 2 ngày sau đó mới  tìm được thi thể.


Theo TS. Mầu, dòng Rip có thể xuất hiện ở bất cứ bãi biển nào tại đới sóng đổ bờ. Những trường hợp như trên đều được cho là do dòng Ríp gây ra. Một đặc điểm dễ nhận thấy ở dòng “tử thần” này là xuất hiện một vùng nước sóng chỉ xáo trộn lăn tăn trong khi sóng xung quanh xõa bọt trắng xóa, vùng nước này có màu nước khác biệt với xung quanh. Dải bọt sóng, rong, tảo biển hay rác di chuyển ra xa bờ một cách ổn định. Trong quá trình sóng đổ vào bờ xuất hiện một khoảng đứt quãng.


Cần cảnh báo tại các bãi tắm có dòng Rip

1
Sơ đồ dòng Rip thường xuyên xuất hiện ở bãi biển phía Bắc Nha Trang.


Theo điều tra, nghiên cứu của TS. Mầu, dòng Rip thường xuất hiện khi biển động, thường xuyên từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau và mạnh nhất ở 3 tháng 1, 11, 12. Ở Nha Trang, dòng Rip xuất hiện nhiều tại bãi tắm phía Bắc thành phố, khu vực gần Hòn Chồng có lạch nước sâu rất nguy hiểm, khu vực trước Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang, khu vực Ba Làng... Ở trung tâm TP. Nha Trang, dòng Rip xuất hiện rất nhiều nhưng khu vực này nước sâu nên tốc độ dòng chảy yếu, không có nhiều lo ngại. Tuy vậy, vào thời gian biển động, thường xuyên xảy ra hiện tượng sóng dâng rút, khiến nhiều người không biết bơi hụt chân, chỉ cần kéo ra xa một đoạn vài mét đã có thể gây đuối nước. Nơi dòng Rip mạnh nhất, nguy hiểm nhất ở Khánh Hòa là khu vực biển Bãi Dài - thuộc huyện Cam Lâm, TP. Cam Ranh. Ở đây, dòng Rip xuất hiện liên tục, do đó chính quyền địa phương cần hết sức quan tâm khi khu vực này trong tương lai sẽ triển khai nhiều dự án du lịch.


TS. Mầu cho rằng, ở những địa điểm như trên cần phải có các biển báo nguy hiểm, biển báo có dòng Rip, xây dựng đài quan sát để người dân yên tâm. Tuy nhiên, hiện tại, ở các bãi biển phục vụ du lịch vẫn chưa có bảng cảnh báo. “Để người dân và du khách an tâm, chính quyền cần tăng cường tuyên truyền cho người dân ý thức khi tắm biển, tuân thủ quy định của lực lượng cứu hộ...”, TS. Mầu nói.


Như vậy, để chống hiện tượng dòng Rip, người tắm biển không nên tắm ở những nơi bị lỡ bờ, vì sóng hút cát ra xa tạo thành những ao nước xoáy. Khi bị cuốn vào dòng Rip phải bình tĩnh, không nên gắng gượng bơi trở vào mà nên bơi ngang, hoặc thả trôi rồi gọi người cứu. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần nhanh chóng lên phương án lắp đặt các biển cảnh báo và tăng cường nhân viên cứu hộ ở những nơi thường xuyên xuất hiện dòng nước “tử thần”.


Quang Đức - Hạ Linh