20:42, 11/06/2024

Ngoại tôi tóc bạc da mồi…

NGUYỄN THỊ THANH LOAN

Bà ngoại tôi, phụ nữ nhà quê, ở xóm Đồng Giữa, thôn Thanh Minh, xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh. Nếu ai hỏi thì có thể trả lời ngắn gọn là ở xứ Thành.

z2872495042971_2da8580080ee340a3df9dc837012b588

Bà ngoại không còn trên thế gian này đã gần bốn mươi năm. Ông ngoại mất sớm, nên khi lớn lên tôi chỉ biết có bà ngoại. Hồi nhỏ, lâu lâu, má cho anh em tôi về ngoại chơi. Ngày thường thì chơi chiều về, ngày có đám giỗ được ở lại đêm. Ngày có đám giỗ, nhà ngoại rất đông. Anh chị em tôi chơi với mấy anh chị em con của cậu, dì. Nói chung là bầy con nít nhà quê. Nhà cậu Tám ở thành phố nhưng mấy con cậu Tám bình dân như bầy con nít nhà quê. Nhà cậu Tư cũng ở thành phố, mấy con cậu Tư đúng kiểu người thành phố, mỗi lần về quê ăn mặc đẹp, sang trọng, kiểu cách. Bầy con nít nhà quê đang chơi chạy ra mừng và say sưa nhìn một thế giới khác, đầy ngưỡng mộ, thích thú nhìn mấy chị mặc áo đầm hoa, đội cái mũ rộng vành xinh xắn… Sau này đọc các trang viết của Thạch Lam, Nhất Linh, Khái Hưng về các cô tiểu thư, các cậu công tử thành thị về quê, tôi lại liên tưởng ngay đến mấy anh chị con nhà cậu Tư ngày nhỏ.

Nhà ngoại ngày ấy thuộc hàng khá giả trong làng. Nhà cất kiểu xưa. Nhà chính cao, bước lên mấy bậc cấp, phòng thờ chính giữa. Bên trái và bên phải phòng thờ là mấy bộ ván gỗ, tủ, bàn... Người lớn hay ngồi trên bộ ván ở phòng trên nói chuyện. Nhà bếp xuống thấp mấy bậc cấp, đựng nhiều đồ đạc, chén bát. Nhà trống nằm riêng biệt, gọi là nhà trống nhưng chứa nhiều dụng cụ như: Khung cửi, cối giã gạo, cối xay bột, chày, gióng, gánh và nhiều thứ linh tinh khác. Giữa nhà chính và nhà trống là cái sân gạch. Phía dưới sân có cái hồ chứa nước, gần đó là cái giếng. Bầy con nít chúng tôi mỗi lần về ngoại là chạy nhảy chơi đủ trò ngoài sân và chơi đồ hàng trong nhà trống. Đó là thế giới của chị em tôi. Trong nhà là thế giới của người lớn, của bà ngoại, của ba má, mấy cậu, mấy dì. Má và mấy dì thường lục đục nấu nướng trong nhà bếp. Ba và mấy cậu chuyện trò rôm rả ở nhà trên. Tôi thích ngày giỗ ở nhà ngoại, thích cảnh đông vui, nhộn nhịp, thích được gặp anh chị em họ, được ăn nhiều món ngon và nhiều bánh trái, rồi khi về còn được bà ngoại cho xách về để mai ăn.
Đó là ngày giỗ, còn ngày thường nhà ngoại vắng lắm, chỉ có bà ngoại và chị Nho con dì Năm. Ngày thường, bữa ăn nhà ngoại đơn giản, không cầu kỳ, không nấu nhiều món nhưng ăn rất ngon, ăn rồi nhớ rất lâu. Nhớ nhất là món canh rau tập tàng, nấu từ đủ thứ rau trong vườn. Chị Nho cầm cái rổ tre ra vườn một lát là trong rổ đủ thứ từ rau nhớt, mồng tơi, bồ ngót, chùm ngây, đọt ớt, cải trời... Rồi chị ra bụi tre ở góc vườn bẻ măng, xắt mỏng luộc, vớt ra một ít để nấu canh tập tàng, một ít để lại chấm với mắm nêm. Nhà ngoại lúc nào cũng có một công (dụng cụ bằng sành giống cái lu nhưng lớn hơn) mắm nêm, muối mặn để dành ăn quanh năm. Có khi ngoại nấu canh chua. Canh chua của ngoại có mùi vị rất đặc biệt vì ngoài lá giang, măng chua còn có nhiều lá khác xắt vào như: é trắng, ngổ, lá me non, me đất, rau tần... Sau này, tôi chưa thấy nồi canh chua nào xắt nhiều thứ lá và có mùi vị đặc biệt như nồi canh chua của ngoại. Hồi đó, ngoại hay nấu bằng cá hoặc tép tát được ngoài đìa. Lâu lâu, ngoại mới đi chợ. Bữa nào mưa gió thì múc mắm nêm ra nấu đỡ.

Nhớ sáng sáng ngoại cầm cây sào đi vỗ vào trái mít, nghe tiếng kêu là biết mít chín hay chưa. Ngoại đi vỗ một loạt rồi bắt đầu hái. Ngoại cầm sợi dây dừa leo lên cây, cột dây vào cuống trái mít, rồi cắt cuống thòng dây đưa mít xuống đất. Nhanh gọn lắm. Mít ướt chín có khi chưa kịp hái đã sút cùi rụng xuống đất rồi. Tụi nhỏ ôm mít sút cùi vô nhà ăn luôn chứ không bán được. Mà mít ướt ăn nhanh ngán. Nuốt miếng mít không xuống mà ứ ở cổ họng. Thế nào cũng bị ngoại rầy "tổ cha mày, ăn không nổi nữa thì thôi, ráng làm chi, coi chừng mắc cổ nhen con"…
Mới đó mà mấy chục năm rồi. Bây giờ mỗi năm một lần, tôi về ngoại vào mùng một Tết. Về thắp nhang ngoài khu mộ và thắp nhang trong nhà chính. Nhà ngoại xưa không còn. Nhà chính đã được sửa lại và xây thêm nhiều phòng. Nhà trống và nhà bếp đã không còn dấu tích. Vườn không còn bụi tre, cây mít, cây nhàu, cây me, bụi chuối hột mà được vun đất chỗ cao chỗ thấp nhấp nhô, thành đồi cỏ, trồng hoa hồng, hoa sứ, trúc cảnh, thêm ghế đá, xích đu để ngày Chủ nhật mấy anh chị nhà cậu Tư về chơi, thư giãn.

Bây giờ mỗi năm một lần tôi về ngoại. Về quê xưa, Đồng Giữa, xứ Thành. Tôi về ngoại. Về miền ký ức. Để nhớ cái sân gạch, cái nhà trống, cái thế giới của bầy con nít vô tư, thơ dại. Để nhớ cái nhà trên, hình ông ngoại, hình ông bà cố, nhớ cái nhà bếp tối om…, nhớ cái thế giới của người lớn, của bà ngoại, của ba má, mấy cậu, mấy dì...

Tôi về ngoại. Ngậm ngùi… cảnh mới, người xưa đâu còn...

Ngoại ơi…

NGUYỄN THỊ THANH LOAN