Hồi ở phố, mỗi tuần ít nhất một ngày, tôi chạy xe lang thang khu vực Ngọc Hiệp, Lư Cấm (TP. Nha Trang)… Khi ấy, con trai tôi học tiểu học được nghỉ ngày thứ Bảy, tôi chở con đi chơi coi như buổi học thực tế, chỉ cho con biết đồng ruộng, rau trái, chim muông, trâu bò… Những lần đi như vậy rất bổ ích, con được biết thêm nhiều về thiên nhiên môi trường. Thấy cây mận, tôi dừng xe hái nắm lá vò nát rồi đưa con ngửi mùi lá mận thơm thế nào, khác biệt với mùi lá hương nhu, các loại lá khác… Tôi chỉ cho con cây bồ kết có gai ở thân cây, hoa chuối được hình thành ra sao, các loại cây mùa nào hoa trái ấy…
Cầu gỗ Diên Phú. |
Từ nhà tôi đi đường 23 tháng 10 rẽ vào đường Lương Định Của, con đường quanh co, nhộn nhịp hàng quán thức ăn khiến cuộc đi chơi luôn thú vị bởi tha hồ chọn món ăn sáng, ăn vặt xế chiều... Tôi chạy xe một mạch qua cầu Phú Kiểng. Tôi thích nghe tiếng bánh xe lăn lào rào trên mặt cầu gỗ và gió, nhất là vào buổi chiều, cảm giác qua cầu gió bay là có thật. Qua cầu Phú Kiểng, tôi đến Đồng Đế rồi quay về. Hồi đó, tôi “oanh tạc” vùng này khá nhiều nên thuộc lòng đường ngang ngõ tắt. Nhớ nhất những mùa lụt, tôi đo mực nước lụt mỗi năm ở nơi cây cầu gỗ này. Năm lụt lớn thể nào cây cầu gỗ cũng bị trôi một đoạn. Tôi luôn có cảm giác bâng khuâng xao xuyến khi đứng ở I-resort nhìn cây cầu mảnh khảnh như một nét vẽ xiên xẹo trong chiều ngược sáng. Thả mắt về Cồn Dê, cây cầu sắt Vĩnh Ngọc, hàng dừa, nhà bên sông, những trảng cỏ thật xanh… Sau này, tôi chuyển nhà về Vĩnh Thạnh, cây cầu gỗ Phú Kiểng không còn xa xôi nữa nhưng tôi đã bớt đi nhiều sự “mạnh mẽ” mỗi khi chạy xe máy qua cầu. Thậm chí, có lần đi xe đạp, tôi phải xuống dắt bộ vì không còn can đảm như xưa.
Cũng đi đường Lương Định Của, nếu không rẽ về cầu Phú Kiểng, tôi chạy một mạch lên Bình Cang, vòng con đường nhỏ bên hông nhà thờ ra phía sau là thấy cây cầu gỗ, tuy nó không dài bằng cầu Phú Kiểng nhưng thật thơ mộng bởi làng quê xanh mát hai bờ. Qua cầu, tôi chưa vội đi tiếp mà đứng ở nơi cao nhất của Trạm Thủy văn Diên Phú nhìn về Bình Cang ngắm tháp chuông nhà thờ, cây cầu mảnh khảnh vắt qua sông hai đầu cầu khuất trong lùm cây xanh… trông mềm mại, dễ thương. Chiều bình yên nghe rõ tiếng bước chân mình trên nền đất.
Rồi tôi thấy mình như đang về lại những năm tháng tuổi thơ ở Diên Khánh. Dòng sông Cái bên này tuy bây giờ khác nhiều nhưng vẫn còn đó những dấu ấn thời tuổi nhỏ đạp xe từ Thành qua nhà bạn ở Diên Phú. Chiều bên sông êm ả, tôi "vặn ngược kim đồng hồ" ngoái nhìn về quá khứ. Những ruộng bắp, lúa, bí ngô, rau trái… Ngôi chùa khuất sâu trong một con đường nhỏ, những ngôi nhà xưa quen thuộc. Tôi dừng xe lại hỏi một người đi đường có phải nhà của người này, người kia hay không? Người ấy tròn mắt nhìn tôi hỏi lại: “Cô ở đâu mà rành nơi này quá vậy?”.
Cầu Phú Kiểng ngày Tết. |
Trên con đường làng cong cong, hàng tre xanh, những gốc đa hay si thật to, tán rộng, vòng chồm qua bên kia làm nên cổng chào hai bên, rồi đình Phú Ân Bắc… Nơi đây, tôi có những người bạn và đã vài lần ghé qua nhà bạn chơi. Những cây phượng còn nấn níu vài chùm hoa đỏ càng khiến tôi nhớ về một thời tuổi thơ chỉ với chiếc xe đạp mini mà đi khắp tứ thôn Đại Điền…
Đi hết Diên Phú, qua Cầu Mới, vòng cây Dầu Đôi về Nha Trang. Tôi cảm tưởng như mình vừa coi xong một bộ phim xưa êm đềm, có dòng sông Cái tuổi thơ và tiếng cười nói bạn bè râm ran…
Với cầu Kim Bồng, kỷ niệm trong tôi là những lần chở con đi loanh quanh hồi chúng còn bé xíu. Cây cầu gỗ ngắn, trên một khúc sông ô nhiễm, trên mặt cầu có để những miếng sắt tạo cảm giác vững chắc, ít nghe tiếng lào rào hơn. Tôi có thể đến cầu Kim Bồng từ đường Phương Sài, rồi chạy một mạch ra đường Lương Định Của về nhà. Thỉnh thoảng, tôi thích ngược lại lối này để đến trung tâm Nha Trang nếu muốn đi xa hơn, không phải qua cầu vượt mới và được lòng vòng trong làng, để thấy yêu hơn vùng quê nơi mình đang sống.
Tôi đọc tin tức, dự án một cây cầu xi măng thay thế cầu gỗ Phú Kiểng sẽ khởi công trong năm 2024. Và tôi đoán cầu gỗ Kim Bồng rồi cũng sẽ được làm lại cho Nha Trang mới hơn, đẹp hơn…
KIM DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin