Cuối tháng 9 này, các bậc phụ huynh lũ lượt đưa con đi nhập học đại học. Trong dòng người ấy, có những gương mặt tự hào vì con đậu vào trường danh tiếng, có những gương mặt trĩu nặng âu lo…Không còn non nớt và trong sáng buổi đầu đến trường như thời của nhà văn Thanh Tịnh "Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp…"
Cuối tháng 9 này, các bậc phụ huynh lũ lượt đưa con đi nhập học đại học. Trong dòng người ấy, có những gương mặt tự hào vì con đậu vào trường danh tiếng, có những gương mặt trĩu nặng âu lo…Không còn non nớt và trong sáng buổi đầu đến trường như thời của nhà văn Thanh Tịnh “Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp…” Ngày hôm nay, dẫu có là các chàng trai, cô gái tuổi 18 chuẩn bị làm tân sinh viên thì lần nhập học này vẫn có chút hồi hộp, vẫn rụt rè, vẫn mong được dựa vào ba mẹ.
Trên chuyến tàu đi vào thành phố, tôi tình cờ đi cùng hai cha con từ Quảng Ngãi đưa nhau vào nhập học. Người cha mặt đen sạm khắc khổ, mắt cứ ngó mong ra cửa sổ tàu, chút lại quay vào giục con gái ăn thêm cái nọ, cái kia… Sao đưa con đi học đại học mà trĩu nặng tâm tư thế kia? Tình cờ gặp ông ra đầu toa hút thuốc, trò chuyện mới hiểu hết niềm vui và nỗi lo của gia đình khi con vào đại học. Mừng lắm, nhưng nỗi lo đầu tiên của người nghèo luôn là tiền. Học phí các trường năm nay cao quá, rồi không đăng ký được ở ký túc xá nên phải lo tìm nơi trọ cho con. Trước khi nhập học còn phải mua máy tính…Cái danh sách tốn tiền cứ dài ra, mà tất tần tật đều trông vô mấy sào ruộng với mấy lứa heo. Biết con gái thương và lo cho ba mẹ, nên trước mặt nó cứ phải gượng cười thôi chú ơi…
Bạn tôi cuối tháng này cũng đưa con vô thành phố nhập học. Không phải lo lắng về tiền bạc nhưng cái danh sách phải lo cũng dài không kém. Bạn thở dài: “Cả tuần nay em cứ nghĩ cảnh đưa con đi nhập học lại thấy rưng rưng trong lòng. Xa nhà mà sao thấy con non nớt quá. Rồi hàng ngày sao chăm sóc cho nó ăn uống, khi nhức đầu sổ mũi biết nhờ ai, rồi nó đi xe còn yếu, đường phố thì đông…” Có nghe vậy mới hiểu được tấm lòng của những người làm cha làm mẹ, mới thấm thía câu hát “ba mẹ là lá chắn, che chở suốt đời con”.
Chợt nhớ ngày xưa khi chính mình cũng nhập học. Thời bao cấp tàu xe khó khăn, quán hàng thì ít ỏi, mới thấm thía câu nói của các cụ “sảy nhà ra thất nghiệp”. Mẹ thức cả đêm, nấu xôi gói cho con đi ăn đường. Chút tiền dằn túi mẹ tảo tần để dành bao lâu, ra đường tiêu cứ vèo vèo. Cũng hăm hở và có đôi chút e dè khi về thành phố, khi bước vào một môi trường hoàn toàn mới. Thành phố phồn hoa nhưng cũng có bao nhiêu bất ngờ rình rập, bởi đâu phải ai cũng chất phác như ở quê. Nhưng rồi tuổi trẻ hòa nhập nhanh, thích ứng nhanh, tất cả rồi cũng đều ổn thỏa, để mà trưởng thành. Để một ngày thảnh thơi, khi gặp những người dẫn con đi nhập học, thấy đồng cảm và gần gũi biết bao.
Cuộc sống như dòng sông cuộn chảy. Ngày hôm nay thoáng chốc đã xa vời, nhưng dẫu có bao nhiêu năm vật đổi sao dời thì tâm trạng đưa con đi nhập học của các bậc phụ huynh chắc chả mấy thay đổi. Thôi hãy gác qua bên những âu lo hay bịn rịn tâm tư, hãy cứ lạc quan lên. Bởi hôm nay ta đang gieo một hạt mầm xanh cho cuộc sống ngày mai. Những cô cậu tân sinh viên rụt rè hôm nay rồi sẽ trưởng thành, trở thành những chủ nhân mới của xã hội. Cái gì cũng có bước khởi đầu…
Thủy Ngân