Chợ nhỏ ven đường chỉ nhóm họp chút buổi sáng rồi tan. Hàng thịt heo có 2 chị em cùng bán chung luôn đông khách và lúc nào cũng hết sớm. Không chỉ thịt ở đây tươi, ngon mà còn do cách bán hàng của 2 chị em vui vẻ, nói năng ngọt ngào, biết chiều khách.
Chợ nhỏ ven đường chỉ nhóm họp chút buổi sáng rồi tan. Hàng thịt heo có 2 chị em cùng bán chung luôn đông khách và lúc nào cũng hết sớm. Không chỉ thịt ở đây tươi, ngon mà còn do cách bán hàng của 2 chị em vui vẻ, nói năng ngọt ngào, biết chiều khách.
Cô chị lấy chồng, đám cưới nghỉ bán 2 hôm mà khách nào đi qua cũng hỏi. Nếp sinh hoạt, buôn bán bình thường, rồi đến lượt cô em lấy chồng, hai chị em vẫn bán chung.
Khi cô chị nghỉ sinh, mấy ngày đầu, mình cô em xoay sở, bận rộn, khách hàng chờ đợi, thúc giục. “Kiểu này phải hai người bán mới xuể chứ một người làm sao kịp”. Cô em nhanh nhảu: “Dạ, mấy cô thông cảm, mai có chồng con ra phụ”. Có người hỏi thêm: “Chồng không đi làm sao mà ra phụ bán?”. Cô cười tươi: “Dạ, ảnh chạy xe taxi mà thấy mình con bán không nổi nên xin nghỉ để phụ con”.
Mai anh chàng ra thật. Dáng người tầm thước, trắng trẻo, trông vẻ thư sinh. Ngày đầu chưa quen việc, anh lóng nga, lóng ngóng, cô vừa làm vừa chỉ từng chút: “Anh chặt cho em miếng sườn, chặt thế này này, cầm con dao kiểu này cho dễ chặt”; “anh xay cho cô áo đỏ ba lạng nạc vai”... Mỗi ngày mỗi chút, hết tuần thấy anh chàng lái taxi quen việc chợ. Tính toán tiền nong, pha thịt, chặt xương, làm móng giò, xay thịt cho khách anh làm lanh lẹ lắm!
Có đàn ông là thấy khác ngay. Một tuần sau nữa, người đi chợ thấy hàng thịt “lên đời”. Chiếc bàn thấp để dưới đất được thay bằng chiếc bàn cao, có bánh xe đẩy. Cô vợ không còn ngồi trên cái đòn nữa mà đứng bán. Bàn thấp để anh chồng pha thịt, hay chặt xương, thỉnh thoảng lại đứng lên xay thịt cho khách. Nhìn cách bài trí quầy hàng thấy hợp lý, thuận tiện hơn, cách bán hàng cũng nhanh hơn, không ai phải đợi lâu. Mấy bạn hàng quen khen: “Từ ngày nhỏ này có chồng ra phụ, hàng thịt khang trang hẳn ra. Có bàn tay đàn ông nhanh nhẹn, bài bản khác hẳn”; “Vợ chồng trẻ mà biết lo làm ăn là tốt rồi. Đồng vợ, đồng chồng, chí thú buôn bán thể nào cũng khá”.
Sau dịch Covid-19, tôi thấy chợ nhỏ gần nhà có nhiều vợ chồng trẻ ra buôn bán. Hàng cá tôi thường mua của đôi vợ chồng trẻ, mặt mũi sáng sủa, nói năng lễ phép. Một hôm, trong lúc ngồi chờ người chồng làm giúp 2kg cá nục, tôi hỏi chuyện mới biết, anh trước đây làm nghề lái tàu du lịch, vợ bán vé. Hồi mới dịch, cả hai thất nghiệp, xoay đủ nghề, khó khăn quá mới ra chợ bán cá. Chồng bán chính, vợ chỉ phụ. Buôn bán quen tay, quen bạn hàng, lại có thời gian lo cho con cái, cơm nước. Công ty du lịch trước đây của hai vợ chồng chưa hoạt động trở lại, nên có lẽ nghề bán cá này kéo dài lâu.
Cũng có cặp vợ chồng trẻ gần nhà tôi, trước đây chồng làm bếp ở một quán ăn du lịch. Dịch bùng phát, hai vợ chồng mở quán cơm trước nhà, tuy cực nhưng vui vì có vợ có chồng.
Tôi thường hay nghĩ về những đôi vợ chồng trẻ, hay người trẻ chọn ra chợ làm kế sinh nhai. Họ là lớp người trẻ, sa cơ lỡ vận, bước ra chợ, biết chiều khách hàng, mua bán dễ chịu, nói năng chừng mực, biết cư xử. Cạnh tranh trong mua bán là điều bình thường. Vì hoàn cảnh, vợ chồng trẻ ra chợ là đã đương đầu với không ít áp lực, họ biết cách giải quyết vấn đề là cần phải mềm mỏng trong kinh doanh, khách mua vì thế cũng thoải mái hơn.
Dịch Covid-19 quét qua trái đất, cái khó ló cái khôn, nhiều người đã thay đổi hẳn ngành nghề làm ăn từ biến cố lịch sử của nhân loại này!
KIM DUY